Nhìn nhận về thị trường nhà ở xã hội, các chuyên gia nhận định với các chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đang đẩy mạnh xây nhà ở xã hội, hy vọng nguồn cung này sẽ trở lại và dẫn dắt thị trường năm 2024.
Dẫn tin từ báo Tiền phong, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư (Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam) nhận định, mặc dù thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, nhưng việc thúc đẩy phát triển xây dựng nhà ở xã hội chính là “nền móng” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Phân khúc bất động sản nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giữa năm 2024.
Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc R&D Công ty DKRA Group - nhận định, giai đoạn 2024-2025, khi thị trường bước sang chu kỳ mới, bất động sản nhà ở sẽ là phân khúc hồi phục đầu tiên. Vì vậy, việc tập trung vào bất động sản nhà ở, đặc biệt là những dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, phân khúc chung cư trung cấp và bình dân là khả quan, phù hợp với nhu cầu thị trường, cũng như chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Theo Bộ Xây dựng, số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành năm 2024 của các địa phương đăng ký hoàn thành tổng 108 dự án, đạt quy mô hơn 47.500 căn trong năm nay. Trong đó, 3 địa phương dẫn đầu cả nước về mục tiêu hoàn thành nhà ở xã hội là Bắc Ninh, Bình Dương và Hải Phòng. Đứng đầu, Bắc Ninh đăng ký hoàn thành nhiều nhà ở xã hội nhất với 5 dự án, quy mô 6.000 căn. Đứng thứ hai là Bình Dương với 20 dự án, quy mô 4.500 căn. Và thành phố Hải Phòng xếp thứ ba với gần 4.000 căn từ 8 dự án.
Bên cạnh đó, Hà Nội đăng ký 3 dự án với gần 1.200 căn, còn TP. HCM là 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn. Chỉ tiêu của 2 địa phương này trong giai đoạn 2021-2025, theo đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội của Thủ tướng, lần lượt hơn 18.700 căn và hơn 26.000 căn.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, theo báo cáo của các địa phương và các chủ đầu tư, hiện nay đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2023 mới có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng gần 180 tỷ đồng.
Thấy được tầm quan trọng của nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội trong tháng 2.
Bộ Xây dựng cũng được giao tập trung nguồn lực hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đối với các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); sớm hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ được khai thác theo cơ chế đặc thù để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.
>> Tỉnh 'sát vách' TP. HCM sắp đấu giá loạt khu 'đất vàng’ những vị trí đắc địa