Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Giảm lãi suất quá nhiều sẽ làm tăng áp lực tỷ giá
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải đáp trước Quốc hội về giải pháp ổn định tỷ giá, giảm lãi suất và kiểm soát nợ xấu trong bối cảnh biến động quốc tế.
Lãi suất cho vay khó giảm thêm
Sáng 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tập trung vào vấn đề tỷ giá, lãi suất và nợ xấu.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn TP. Hồ Chí Minh, nêu câu hỏi về các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường ngoại hối trước sức ép tăng giá đồng USD, vốn đang làm giá thành các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao. Ông cũng đề nghị làm rõ phương án tiếp tục giảm lãi suất giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường tiền tệ quốc tế có biến động lớn khi đồng USD tăng mạnh vào tháng 10, ảnh hưởng đáng kể đến tỷ giá trong nước.
Theo bà, việc kiểm soát tỷ giá phụ thuộc nhiều vào cung - cầu ngoại tệ thực trong nền kinh tế và đồng thời nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa.
“Nhiều tổ chức có ngoại tệ không bán, hoặc chưa có nhu cầu thực họ đã mua. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến, khi thị trường có nhu cầu thực thì Ngân hàng Nhà nước sẽ bán can thiệp”, Thống đốc nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, áp lực tỷ giá đã ảnh hưởng lớn đến khả năng giảm lãi suất. Nếu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, điều này có thể gây biến động tỷ giá mạnh hơn và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến khả năng rút vốn.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có thể hạ lãi suất vay.
Tuy nhiên, theo Thống đốc, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng và tình hình nợ xấu trong thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi suất. Bà giải thích, lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào chi phí hoạt động của ngân hàng mà còn phản ánh rủi ro kinh tế và tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn Quốc hội sáng 11/11, nguồn: Internet |
Giải pháp kiểm soát nợ xấu trong hệ thống ngân hàng
Trước vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 9/2024 đạt mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022.
Bà cho rằng, các khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân, làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các giải pháp để kiểm soát nợ xấu, trong đó các tổ chức tín dụng cần đánh giá chặt chẽ khả năng trả nợ của khách hàng trước khi cấp tín dụng, đảm bảo hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Đối với các khoản nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý bằng cách đôn đốc thu nợ, phát mại tài sản thế chấp và sử dụng các công ty mua bán nợ theo khuôn khổ pháp lý đã có.
Để đối phó với tình trạng nợ xấu cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại nỗ lực tiết giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Bà Hồng khẳng định, dù nền kinh tế gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng đã và đang nỗ lực dành nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng thông qua việc hạ lãi suất.
>> Đại biểu Quốc hội: Vì sao ngân hàng không vay USD của dân, thay vì phải vay từ nước ngoài với lãi suất cao?