Vĩ mô

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư- không để “trăm dâu đổ đầu tằm”

Huyền Sâm 02/08/2024 - 07:53

Luật Đường bộ 2024 quy định từ 1/10/2024 sẽ thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư làm dấy lên lo ngại “phí chồng phí” trong dư luận. Làm sao để việc thu phí đạt hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân nhận được nhiều sự quan tâm.

Luật Đường bộ 2024 quy định sẽ thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư và được chuyển giao quản lý.
Luật Đường bộ 2024 quy định sẽ thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư và được chuyển giao quản lý.

Còn băn khoăn

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 10 năm tới nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỷ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%. Nhân lực quản lý, vận hành cao tốc cũng là bài toán khó khi đến năm 2030 cần 10.000 công nhân vận hành. Nhiều chủ công trình chưa bố trị kịp thời, đầy đủ nguồn vốn để quản lý, duy tu đường cao tốc.

Để giải quyết vấn đề này, Điều 50 Luật Đường bộ 2024 quy định Nhà nước sẽ thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư và cao tốc được chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Phí thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các tuyến cao tốc về sau.

Theo Bộ GTVT, hiện nay đang có 10 dự án, đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đã hoàn thành và đưa vào khai thác đủ điều kiện thu phí gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Dự thảo Nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất mức thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất 5.200 đồng/km. Thông tin này khiến không ít chủ phương tiện, đặc biệt là các đơn vị vận tải dấy lên lo ngại, liệu có bị phí chồng phí khi phương tiện phải trả cả phí bảo trì đường bộ, phí của các tuyến BOT và phí cao tốc do Nhà nước đầu tư?

Một chủ phương tiện giấu tên cho biết, mỗi năm chủ phương tiện ô tô đóng rất nhiều phí như phí bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ, phí cao tốc... Việc đóng nhiều loại phí sẽ ảnh hưởng người dân đi lại, giao thương và giá cả hàng hóa. Một ý kiến khác cho rằng, chi phí đầu tư đường cao tốc xét về gốc rễ cũng là từ tiền thuế Nhân dân đóng góp ngân sách. Nếu người sử dụng phương tiện vừa đóng thuế, vừa phải trả cùng lúc nhiều loại phí sẽ trở thành gánh nặng cho người dân, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, để hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc cần nguồn lực rất lớn, việc thu phí là rất cần thiết để giảm áp lực cho ngân sách. Thông lệ quốc tế và hoạt động đầu tư các tuyến đường cao tốc của nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định tương tự. Người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ (không phải trả thêm tiền sử dụng đường cao tốc) hoặc trả tiền sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, hiện nay nước ta đang xây dựng các tuyến cao tốc theo nhiều hình thức: ngân sách Nhà nước, BOT, BT... Việc tổ chức thu phí để bảo đảm cho hệ thống hạ tầng phân bố phương tiện hài hòa giữa các tuyến và tăng tính khả thi trong vấn đề hoàn vốn đối với các tuyến đầu tư theo hình thức PPP.

Bộ GTVT cho biết việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng đã được nhiều nước áp dụng vì nguồn ngân sách của quốc gia nào cũng có giới hạn. Hiện nay, việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường đang khai thác hiện gặp không ít khó khăn do nguồn thu từ phí đường bộ không đủ, ngân sách ít ỏi.

Hơn nữa với hàng loạt các cao tốc sắp đưa vào sử dụng tới đây, nếu vẫn không tổ chức thu phí sẽ đặt ra gánh nặng rất lớn về khai thác, duy tu và bảo dưỡng, không có nguồn lực công nào đủ dồi dào để đáp ứng. Đề xuất thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước quản lý, đầu tư cũng là một cách làm đột phá trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đều muốn có đường, có cầu, có cao tốc mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hài hòa lợi ích

Về băn khoăn “phí chồng phí” đối với chủ phương tiện, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái cho biết, quan điểm nhất quán của Bộ GTVT là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới triển khai thu phí. Mức thu phí đáp ứng ba nguyên tắc: phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng; sau khi bù đắp chi phí tổ chức phải bảo đảm còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước; được tính toán theo từng đoạn, tuyến cụ thể để phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội từng khu vực.

Hiện nay có 2 hình thức quản lý, khai thác và thu phí cao tốc được đề ra. Thứ nhất là Nhà nước tự tổ chức thực hiện việc thu phí. Thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác.

Với hình thức thứ nhất, qua đấu thầu, Cục Đường bộ sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng, sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp ngân sách. Hình thức thứ hai là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định. Song với những tuyến cao tốc có lưu lượng thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Về mức phí, hiện, Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu các kịch bản, tính toán để bảo đảm cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số CPI và chi phí logistics.

Theo quan điểm của Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Nguyễn Quốc Việt, nên giao cho tư vấn độc lập nghiên cứu và lên phương án, Bộ GTVT sẽ đưa ra các tiêu chí và điều chỉnh phù hợp. Trong khi đó, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan góp ý, nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế đối với việc thu phí trên các tuyến cao tốc. Cần phải xem xét mức thu phí đối với các tuyến cao tốc 2 làn, 4 làn, 6 làn khác nhau.

Bên cạnh đó, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ cũng phải được đầu tư nâng cấp và mở rộng, làm mới để người dân và đơn vị vận tải có sự lựa chọn khi tham gia giao thông. Xa hơn, một số chuyên gia còn cho rằng việc thu phí phải được tiến hành số hóa và áp dụng các công nghệ hiện đại để tránh thất thoát nguồn thu; giảm các chi phí cho bộ máy quản lý, thu - chi trên các tuyến cao tốc.

Việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước quản lý, đầu tư là chủ trương mới. Để việc thu phí đạt hiệu quả cần nghiên cứu, đánh giá kỹ để có mức thu phí hợp lý theo từng khu vực, đồng thời minh bạch nguồn thu để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Mô hình Nhà nước làm đường rồi bán quyền thu phí, đấu thầu quản lý theo hình thức O&M đã được áp dụng hiệu quả từ lâu tại nhiều nước. Vấn đề là làm sao để chọn được nhà thầu chuyên nghiệp, có năng lực về công nghệ, thiết bị. Đối với các tuyến cao tốc có lưu lượng thấp cần xây dựng mức giá phù hợp, thời gian thu phí có thể dài hơn, đảm bảo khả thi phương án tài chính cho nhà đầu tư.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình
giao thông đường bộ Việt Nam

>> Đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cao nhất 6.000 đồng/km

Đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cao nhất 6.000 đồng/km

Mức phí cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/thu-phi-cao-toc-do-nha-nuoc-dau-tu-khong-de-tram-dau-do-dau-tam.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư- không để “trăm dâu đổ đầu tằm”
    POWERED BY ONECMS & INTECH