Thứ trưởng Xây dựng nói nguyên nhân khiến giá nhà tăng vô lý
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Xây dựng sáng 17/10, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng khẳng định: “Giá nhà tăng thời gian vừa qua bởi đầu cơ và tâm lý”, giá tăng một cách vô lý.
Giá nhà tăng vô lý
Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết, việc bình ổn thị trường bất động sản để thị trường phát triển bền vững, người dân mua được nhà giá hợp lý là mục tiêu của Bộ Xây dựng. Đạt được mục tiêu này cần có nhiều giải pháp đồng bộ đất đai, tài khoá…
Đánh giá về thị trường bất động sản, giá nhà thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, giá nhà cao một cách vô lý bởi đầu cơ và tâm lý.
Giải thích thêm về nguyên nhân giá nhà tăng, ông Vương Duy Dũng - Cục phó Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết, giá nhà tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, giá tăng bởi biến động chi phí đầu vào các dự án như đất, chi phí xây dựng…
Ông Vương Duy Dũng - Cục phó Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng. |
Theo ông Dũng, vừa qua, các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản triển khai từ 1/8 vừa qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý nên cải thiện được nguồn cung. Theo đó, nguồn cung bất động sản trong quý tăng nhưng chưa đáng kể. Việc nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lớn dẫn đến giới đầu cơ, môi giới có động cơ làm nhiễu loạn thị trường để thổi giá.
“Một số lĩnh vực kinh doanh khác chưa thuận lợi, người dân vẫn lựa chọn bất động sản để đầu tư nên dòng vốn tìm đến bất động sản làm cho thị trường này biến động”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, ngoài những nguyên nhân trên còn nhiều nguyên nhân khác nữa khiến thị trường bất động sản “tăng nóng” vừa qua.
Hạ giá nhà thế nào?
Ông Dũng cho biết, để hạ nhiệt cũng như làm lành mạnh thị trường bất động sản Bộ Xây dựng thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian tới. Thời gian vừa qua có sự biến động do đấu giá ở một số địa phương. Theo đó, Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát, hướng dẫn quy định pháp luật, cũng như kiểm tra hoạt động đấu giá. Đặc biệt, việc điều chỉnh bảng giá đất của các địa phương theo quy định của Luật Đất đai 2024 để tránh các tác động tiêu cực đến thị trường đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, người dân.
Trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, nhà đầu tư, sàn giao dịch, môi giới… tiến tới đưa các hoạt động giao dịch qua sàn có sự quản lý của Nhà nước nhằm cho hoạt động kinh doanh bất động sản công khai, minh bạch…
Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản đến hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản trong thời gian này.
“Qua phân tích các biến động về giá hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian qua kiếm lời lướt sóng bất động sản là một trong những nguyên nhân tác động ảnh hưởng đến giá bất động sản nên cần phải kiểm soát hoạt động này”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, Bộ Xây dựng cũng đề xuất liên quan đến thuế bất động sản và được Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan đồng tình. Tuy nhiên ông Dũng cho rằng, với đề xuất này cũng cần đánh giá toàn diện tác động của chính sách này đến các đối tượng bị ảnh hưởng.
“Cần phải nghiên cứu thấu đáo, toàn diện. Trên cơ sở đó cần phải có đánh giá tác động đầy đủ đến các đối tượng từ doanh nghiệp, người dân, bên bán bên mua bên thuê hướng tới hạn chế hành vi đầu cơ thổi giá nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể của Việt Nam tránh tác động tiêu cực đến thị trường chung. Ảnh hưởng đến giao dịch của người dân, doanh nghiệp”, ông Dũng cho hay.
Thêm gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là hợp lý
Liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ, ông Dũng cho biết, gói tín dụng này khác hoàn toàn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang triển khai cho nhà ở xã hội.
Theo đó, gói 120.000 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn do ngân hàng thương mại. Thời gian ưu đãi vốn này tương đối ngắn với 3 năm với doanh nghiệp, 5 năm với người mua. Mức độ chưa đảm bảo thu hút người vay, đặc biệt với người mua nhà (người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp).
Ông Dũng cho rằng, nhằm đảm bảo tính ổn định và mục tiêu đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất gói 30.000 tỷ đồng cho ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay (trong đó 15.000 tỷ là phát hành trái phiếu, 15.000 tỷ đồng nguồn vốn địa phương uỷ thác cho vay).
Việc đề xuất gói 30.000 tỷ phải phù hợp với pháp luật về ngân sách, tín dụng, đầu tư công. Thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã làm việc bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ xem xét về gói này để triển khai phù hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: “Gói tín dụng mới này cần thiết bởi không có gói này chương trình phát triển nhà ở xã hội khó khăn”.
Theo báo cáo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn, trong đó: Số lượng dự án hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; Số lượng dự án đã khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 111.688 căn; Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án với quy mô 409.449 căn. Với số lượng căn hộ đã được khởi công, hoàn thành đến nay đã đạt khoảng 35,6% mục tiêu của Đề án đặt ra đến năm 2025 là 428.000 căn.
Đầu cơ đẩy giá nhà cao phi thực tế, 2 bộ đồng tình đề xuất đánh thuế BĐS
Nhà đầu tư tìm cơ hội tại thị trường tỉnh khi giá nhà đất Hà Nội tăng nóng