Xã hội

Tiến sĩ Việt Nam hiếm hoi thành công tại NASA, từng tham gia phóng hai đài thiên văn không gian lớn nhất lịch sử, là người đầu tiên cắm lá cờ Tổ quốc tại Nam Cực

Thùy Dung 13/09/2024 14:19

Dù sinh sống và làm việc tại nước ngoài nhưng ông vẫn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của khoa học trong nước.

Người đầu tiên cắm ở Việt Nam ở Nam Cực

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền sinh năm 1963 tại Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 1981, ông sang Mỹ định cư khi vừa tròn 18 tuổi. Tại đây, ông theo học ngành Vật lý tại Đại học California, Berkeley. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục học tập và nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Princeton vào năm 1993, chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ.

Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, ông chuyển đến Chicago để tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ (post-doc) về Vật lý thiên văn tại Đại học Chicago. Sau đó, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền làm giảng viên đặc biệt tại Đại học Carnegie Mellon trước khi gia nhập Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA.

Trong vai trò nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về vật lý thiên văn tại NASA, Tiến sĩ Hiền đã có những đóng góp quan trọng cho phân ban vật lý thiên văn tại JPL. Ông đồng thời vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Chicago.

Chân dung TS. Nguyễn Trọng Hiền. Ảnh: Internet

Chân dung TS. Nguyễn Trọng Hiền. Ảnh: Internet

Năm 1992, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền bắt đầu tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học tại Nam Cực, ông tập trung nghiên cứu về bức xạ nền vũ trụ. Tại đây, chứng kiến những lá cờ của các cường quốc tung bay trên bầu trời Nam Cực, ông đã ấp ủ khát vọng mang lá cờ Việt Nam đến vùng đất xa xôi này.

Năm 1994, ông trở lại Nam Cực lần thứ hai và lưu trú tại đây gần một năm. Tháng 7 cùng năm, sao chổi Shoemaker-Levy va chạm với sao Mộc. Từ ngày 16/7, các cột lửa khổng lồ bùng lên, cao hàng nghìn kilômét. Những mảnh vỡ khổng lồ của sao chổi, có kích thước tương đương các ngọn núi, lao vào bề mặt sao Mộc, tạo ra những hố va chạm có đường kính bằng cả Trái Đất.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền đã chứng kiến từ đầu đến cuối sự kiện hiếm có này, vốn chỉ xảy ra một lần trong hàng triệu năm. Thời điểm đó, ông là lãnh đạo khoa học tại Trạm Amundsen-Scott ở Nam Cực, nơi có 27 nhà khoa học và kỹ thuật viên Mỹ làm việc.

Không chỉ vậy, vào tháng 9/1994, Tiến sĩ Hiền còn tự tay may một lá cờ đỏ sao vàng rộng 4 mét vuông và tự mình cắm lá quốc kỳ Việt Nam giữa băng giá Nam Cực tại Cục Chào Đón, bên cạnh quốc kỳ của các nước Mỹ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Úc, New Zealand, Chile, Argentina và Nam Phi.

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền còn là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt duy nhất tham gia vào chương trình phóng hai đài thiên văn không gian lớn nhất từ trước đến nay của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hợp tác với NASA, đó là Planck và Herschel.

Đau đáu một lòng hướng về đất mẹ

Dù sinh sống và làm việc tại Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền luôn hướng về quê hương Việt Nam. Năm 2010, ông được mời về nước giảng dạy trong chương trình Vật lý tiên tiến tại Đại học Sư phạm Huế. Từ đó, mỗi năm, dù bận rộn, ông vẫn dành vài tuần để tham gia giảng dạy tại Huế và Quy Nhơn.

Không chỉ đóng góp trong giảng dạy, Tiến sĩ Hiền còn nhiệt tình hợp tác với các nhà thiên văn học trong nước, giúp thiết lập một kính viễn vọng hiện đại tại Việt Nam. Năm 2022, ông công bố việc thành lập nhóm Vật lý Thiên văn SAGI tại Trung tâm ICISE, với sự tài trợ từ Quỹ Simons (Mỹ). Sự kiện ra mắt có sự tham dự của các lãnh đạo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bình Định, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, cùng nhiều tổ chức quốc tế như Viện Nghiên cứu Flatiron (Đại học California Santa Cruz, Mỹ), Viện Nghiên cứu Vật lý Thiên văn Pháp (IAP), Tổ chức Nghiên cứu RIKEN (Nhật Bản), và gần 100 nhà khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các học sinh xuất sắc từ các trường chuyên tại Bình Định cũng tham gia sự kiện này.

TS Nguyễn Trọng Hiền giao lưu trong một buổi giảng tại Việt Nam. Ảnh: Internet

TS Nguyễn Trọng Hiền giao lưu trong một buổi giảng tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Trước đó, vào năm 2016, Tiến sĩ Hiền cùng một số nhà khoa học người Việt đang công tác ở nước ngoài đã tổ chức hội thảo Vật lý Thiên văn tại Trung tâm ICISE. Hội thảo nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các nhà khoa học và các tổ chức khoa học quốc tế trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Từ thành công của hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền và các cộng sự đã ấp ủ ý tưởng thành lập một nhóm Vật lý Thiên văn tại Việt Nam. Nhờ sự uy tín của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc, cùng với tâm huyết của Tiến sĩ Hiền, họ đã kêu gọi thành công nguồn tài trợ từ Quỹ Simons để thành lập nhóm Vật lý Thiên văn SAGI.

>> Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và châu Á từng tiêu diệt 'pháo đài bay' B-52, là người duy nhất cả nước 3 lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng

Hai ứng viên phó giáo sư trẻ nhất ngành Toán, tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài

Thầy giáo lừng danh của Việt Nam từng có tới 74 học trò đỗ tiến sĩ, đến Quốc Tử Giám cũng không theo kịp

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tiến sĩ Việt Nam hiếm hoi thành công tại NASA, từng tham gia phóng hai đài thiên văn không gian lớn nhất lịch sử, là người đầu tiên cắm lá cờ Tổ quốc tại Nam Cực
POWERED BY ONECMS & INTECH