Tiếp bước Hòa Phát, REE, Hóa chất Đức Giang lên phương án khai thác quỹ đất 'cha ông để lại'
Tại ĐHCĐ thường niên 2025 tổ chức sáng 31/3, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền bất ngờ nhắc đến một hướng đi mới - bất động sản.
![]() |
Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang - ông Đào Hữu Huyền |
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) vừa khép lại năm tài chính 2024 với doanh thu xấp xỉ 9.900 tỷ đồng – tăng nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm về 3.107 tỷ đồng, thấp hơn hàng trăm tỷ so với năm 2023 trong bối cảnh ngành hóa chất chịu áp lực từ biến động giá nguyên liệu và nhu cầu toàn cầu.
Giữa những thử thách đó, tại ĐHCĐ thường niên 2025 tổ chức sáng 31/3, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền bất ngờ nhắc đến một hướng đi mới - bất động sản.
Ông Huyền khẳng định, Hóa chất Đức Giang không có ý định "đa ngành", không lao vào đầu tư chứng khoán hay tiền số. Riêng với bất động sản, lý do đơn giản là… “có đất cha ông để lại”. “Nếu không có đất, chúng tôi cũng không tham gia”, ông Huyền nói.
Hiện DGC sở hữu 100% Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Mảng bất động sản đang được khởi động bằng hai dự án đáng chú ý:
- Dự án chung cư Đức Giang 5,4ha tại quận Long Biên, Hà Nội với 1.000 căn hộ và 60 căn liền kề, ước tính đem về doanh thu 5.000 tỷ và lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. Dù đã chờ đợi 5 năm với quy hoạch 1/500 được duyệt nhưng đến nay vẫn đang đợi chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Dự án nhà ở xã hội tại khu đất 3ha của Ắc quy Tia Sáng (Hải Phòng) với khoảng 1.000 căn hộ, dự kiến mang lại lợi nhuận 300–500 tỷ đồng, tùy theo cơ chế hỗ trợ. “Có công ty trả 400 tỷ nhưng chúng tôi không bán, có trả nghìn tỷ tôi cũng không bán. Chúng tôi muốn xây để cán bộ công nhân viên có nhà để ở, mang ý nghĩa chính trị là chính, không phải mục đích kinh tế”, ông Huyền khẳng định.
Bức tranh chiến lược của Đức Giang đang mở rộng. Tính đến cuối 2024, doanh nghiệp có tổng tài sản hơn 15.800 tỷ đồng, riêng tiền mặt và tiền gửi đã hơn 10.700 tỷ – tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư dài hạn.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất chịu áp lực biên lợi nhuận, nhiều tập đoàn đầu ngành như Hòa Phát (HPG) hay Cơ điện lạnh (REE) đã chủ động mở rộng sang bất động sản. Hóa chất Đức Giang trở thành cái tên tiếp theo, cho thấy xu hướng tận dụng quỹ đất sẵn có để đa dạng hóa nguồn thu và tìm kiếm cơ hội đầu tư có biên lợi nhuận cao hơn.
Bất động sản – vốn không phải là cuộc chơi dễ dàng – giờ đây được nhìn nhận như “vùng đất dự phòng chiến lược” của các ông lớn công nghiệp, đặc biệt khi họ nắm trong tay tài sản sẵn sàng khai thác. Với Đức Giang, câu chuyện không chỉ là lợi nhuận, mà còn mang màu sắc kế thừa – “đất của ta, ta phải làm”.
>> REE, Hòa Phát – Khi ‘đại bàng’ chiếm lĩnh sân chơi địa ốc
Siêu dự án bô xít 2,3 tỷ USD của Hóa chất Đức Giang (DGC) sắp được cấp phép?
Hóa chất Đức Giang (DGC) chốt 'khách sộp' bao tiêu 40% sản lượng của siêu dự án 12.000 tỷ đồng