Tỉnh giáp Hà Nội sở hữu ‘thị trấn du lịch hàng đầu thế giới’ nhưng du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng
Đây là địa phương giáp ranh Hà Nội, sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Tại lễ trao Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) diễn ra tại Muscat, Oman, Giải thưởng “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022” gọi tên Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Để giành được giải thưởng này, Tam Đảo đã vượt qua rất nhiều những đối thủ nặng ký như Hana (Maui, Hawaii, Mỹ), Shirakawa-go (Ono, Gifu, Nhật Bản) và 5 thị trấn khác của Séc, Bosnia & Herzegovina, Nepal, Mỹ và New Zealand.
Tam Đảo là một dãy núi đá với đỉnh cao nhất nằm ở ranh giới huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và huyện Đại Từ (Thái Nguyên), có độ cao tuyệt đối đạt 1.597m. Khu du lịch Tam Đảo được tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch với mục đích hướng tới trở thành trọng điểm du lịch với nhiều loại hình như nghỉ dưỡng, sinh thái, mạo hiểm, tâm linh,...
Vĩnh Phúc có vị trí thuận lợi khi giáp ranh Hà Nội và gần với điểm đầu của quốc lộ 18 nối Quảng Ninh. Cùng với đó 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt là cơ hội để Vĩnh Phúc phát triển kinh tế cũng như du lịch dịch vụ.
Tình hình du lịch của tỉnh cũng ghi nhận những dấu hiệu tăng trưởng khá. Trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh thu hút 7,76 triệu lượt khách tham quan, đạt tổng doanh thu 2.911 tỷ đồng, ghi nhận tăng 13% về lượt khách và tăng 10% về doanh thu so với cùng kỳ năm 2023, đạt 73% kế hoạch đề ra. Tính riêng tháng 8/2024, có 925 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, giúp tỉnh thu về 314 tỷ đồng.
Hàng năm, số lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh đều có xu hướng tăng cao hơn năm trước và là một trong những địa phương thu hút nhiều khách du lịch nhất miền Bắc nước ta.
Mặc dù Vĩnh Phúc thu hút lượng du khách đông đảo, tỉnh vẫn chưa nằm trong top các địa phương có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch của Vĩnh Phúc vẫn chưa được khai thác triệt để, vẫn còn nhiều dư địa để tỉnh phát triển trong tương lai.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Vĩnh Phúc thu hút gần 6 triệu lượt khách nhưng chỉ đạt 2.300 tỷ đồng doanh thu. Theo đó, bình quân mỗi du khách đến Vĩnh Phúc chưa tiêu hết 400.000 đồng. Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian này, Khánh Hòa thu về 26 nghìn tỷ đồng với hơn 5,2 triệu lượt khách hay Đà Nẵng với hơn 5,2 triệu lượt khách, giúp địa phương thu về hơn 16 nghìn tỷ đồng.
Những con số trên đã phản ánh thực trạng ngành du lịch tại Vĩnh Phúc khi du khách đến tham quan đông nhưng không lưu trú lại lâu, cùng với đó, những dịch vụ du lịch của địa phương chưa đủ hấp dẫn để du khách sẵn sàng chi tiền như những địa phương khác.
Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch - Ảnh: Internet |
Trong năm 2024, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút 10 triệu lượt khách, mang về khoảng 4.000 tỷ đồng từ du lịch. Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và cả nước; cố gắng phát triển để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, địa phương cần triển khai những giải pháp chiến lược phù hợp nhằm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng sẵn có. Tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hạ tầng, đồng thời làm đa dạng và phong phú hóa các sản phẩm du lịch để thu hút thêm nhiều du khách, từ đó tăng cường doanh thu trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, tích cực quảng bá cũng như xúc tiến, tận dụng những lợi thế, tiềm năng du lịch của tỉnh cũng rất quan trọng để đưa hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc đến gần hơn với du khách. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chiến lược khai thác những dư địa còn trống trong lĩnh vực này; hình thành, phát triển các hoạt động du lịch như: du lịch trải nghiệm, sinh thái, làng nghề,... Những nỗ lực này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân, và nâng cao vị thế du lịch của Vĩnh Phúc trên toàn quốc.