Tỉnh nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam sẽ có tổng cộng 5 cầu đường bộ kết nối với đầu tàu kinh tế cả nước

01-04-2024 06:29|Chi Chi

Sẽ có thêm 3 cây cầu đường bộ nối địa phương này với đầu tàu kinh tế cả nước, nâng tổng số cầu đường bộ của khu vực lên con số 5.

Ngày 29/3 vừa qua, tại Đồng Nai đã diễn ra Hội nghị Trao đổi hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, quý I/2024. Theo đó 2 địa phương là TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã thống nhất xây dựng thêm 3 cầu đường bộ kết nối với nhau, bao gồm: cầu Cát Lái, Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2. Trong số đó, cầu Cát Lái được ưu tiên triển khai trước, thời gian thực hiện là từ nay đến năm 2030.

Với cầu Đồng Nai 2, cây cầu này sẽ kết nối TP. Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành với quy mô 6 làn xe. Cầu Phú Mỹ 2 sẽ kết nối phía Nam TP. Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch. Vị trí thống nhất kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc sang huyện Nhơn Trạch, cắt ngang khu dân cư Phú Hữu. Hai cây cầu này theo kế hoạch sẽ được thực hiện sau năm 2030.

Cầu Cát Lái sẽ cắt qua sông Đồng Nai

Cầu Cát Lái sẽ cắt qua sông Đồng Nai

>> Tỉnh có 6 tuyến đường bộ huyết mạch sắp 'cán đích' dự án gần 200 tỷ đồng kết nối với cao tốc Bắc - Nam

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị TP. Hồ Chí Minh bổ sung quy hoạch cầu và đường dẫn phía bờ TPHCM với 8 làn xe đồng nhất với quy mô đường tỉnh 769D (25C) đã được tỉnh Đồng Nai quy hoạch và đầu tư để kết nối từ sân bay Long Thành đến khu vực phía Nam quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Với Cầu Cát Lái, cây cầu sẽ thay thế phà Cát Lái tại vị trí quận 2, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt sông Đồng Nai.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, đoạn đường sông khoảng 40km tiếp giáp giữa 2 địa phương Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh (từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh) sẽ có 5 cầu đường bộ kết nối Đồng Nai với TP. Hồ Chí Minh.

Trong số 5 cây cầu đường bộ này, hiện đã có 2 cầu hoàn thành và đưa vào khai thác là cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1 và cầu Long Thành trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, theo Tổng công ty tư vấn thiết kế GT-VT (TEDI), cả 2 cầu Đồng Nai và Long Thành hiện khai thác trong tình trạng quá tải.

Mô phỏng cầu Cát Lái khi được hoàn thiện

Mô phỏng cầu Cát Lái khi được hoàn thiện

Cụ thể, cầu Đồng Nai quy mô 8 làn xe đang khai thác với lưu lượng 216 ngàn PCU/ngày đêm, vượt xa năng lực thiết kế là 96 ngàn PCU/ngày đêm. Cầu Long Thành với quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng 65 ngàn PCU/ngày đêm, vượt quá năng lực thiết kế là 48 ngàn PCU/ngày đêm. Dự báo đến năm 2026, lưu lượng xe lưu thông trên các cầu kết nối giữa 2 địa phương là gần 434 ngàn PCU/ngày đêm.

Theo dự báo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong 3 năm tới tình trạng quá tải của các cầu đường bộ kết nối giữa Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, ngay cả khi các cây cầu mới theo quy hoạch được hoàn thiện và xây dựng. Chính vì thế, phía tỉnh Đồng Nai đang đề nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh xem xét, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cát Lái trong năm 2024, khởi công xây dựng vào năm 2025, không phải chờ đến năm 2026 khi dự án Đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác.

Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích đất 10.514ha. Trong đó, 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư là khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; 1 khu công nghiệp vừa được thành lập trong tháng 7/2023 là khu công nghiệp Long Đức 3.

TP. Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

>> Tuyến cao tốc 'độc nhất vô nhị' ở Việt Nam: Dài 79km nhưng có tới 34 cây cầu và 1 hầm chất lượng cao bất chấp địa hình phức tạp

Thông qua dự án cầu 1.800 tỷ kết nối cảng biển và quốc lộ tại vùng đất du lịch nổi tiếng nhất Nghệ An

Trình Quốc hội 'siêu' dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam hơn 25.000 tỷ: Là cầu nối giữa một tỉnh Tây Nguyên và một tỉnh vùng Đông Nam Bộ

Một cây cầu bị đâm sập trong tích tắc, 53 triệu tấn hàng 'tê liệt', 15.000 lao động bơ vơ, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn thế giới bị đứt gãy

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tinh-nhieu-khu-cong-nghiep-nhat-viet-nam-se-co-tong-cong-5-cau-duong-bo-ket-noi-voi-dau-tau-kinh-te-ca-nuoc-d119225.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tỉnh nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam sẽ có tổng cộng 5 cầu đường bộ kết nối với đầu tàu kinh tế cả nước
POWERED BY ONECMS & INTECH