Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sẵn sàng xây cầu hơn 2.100 tỷ, mở ra ‘cửa ngõ’ với tỉnh Hải Dương
Tỉnh này hiện đang gấp rút triển khai các điều kiện để tiến tới khởi công xây dựng cầu hơn 2.100 tỷ đồng, mở ra "cửa ngõ" mới với tỉnh Hải Dương.
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương có chiều dài toàn tuyến là 13,4km, tổng vốn đầu tư trên 2.182 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án (BQLDA) xây dựng giao thông Bắc Ninh (thuộc Sở Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.
Cầu Kênh Vàng có chiều dài 740m, chiều rộng 23,5m, được thiết kế với quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực; phần đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6km, mặt đường rộng 15m.
Cây cầu được thiết kế nhằm đảm bảo khả năng lưu thông cũng như vận chuyển hàng hóa thuận lợi giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương; đây là cây cầu bắc qua sông Thái Bình, nối 2 huyện Lương Tài (Bắc Ninh) với Nam Sách (Hải Dương).
>> Sắp đưa vào khai thác cảng biển gần 20.000 tỷ lớn nhất tỉnh Đồng Nai
Hiện nay, BQLDA xây dựng giao thông Bắc Ninh đang hoàn thiện các thủ tục cũng như chuẩn bị các điều kiện nhằm triển khai khởi công dự án vào ngày 7/9 tới đây.
Trước đó, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 366/NQ-HĐND ngày 10/5/2021, phê duyệt về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương với tổng kinh phí gần 1.600 tỷ đồng.
Nhưng để đảm bảo điều kiện thực tế khi triển khai dự án cũng như theo điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Bắc Ninh 5 năm (2021-2025), Nghị quyết 275/NQ-HĐND tỉnh Bắc Ninh ngày 2/4/2024 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương với tổng mức đầu tư điều chỉnh trên 2.182 tỷ đồng, tăng hơn 592 tỷ đồng so với Nghị quyết của HĐND tỉnh trước đó.
Trong đó, chi phí xây dựng cầu là 1.366 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 39,1 tỷ đồng; hơn 103 tỷ đồng chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi khác; còn lại là chi phí dự phòng.
Dự án được trích vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 là 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách tỉnh Hải Dương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện giải phóng mặt bằng là hơn 519 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 372 tỷ đồng; còn lại là vốn ngân sách của tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2026-2030.
Dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2022-2027. Tỉnh Bắc Ninh quyết tâm phấn đấu sẽ hợp long cầu Kênh Vàng để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI vào năm 2025; hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh (1/1/1997-1/1/2027).
Dù là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam với diện tích chỉ 822,7km2 nhưng Bắc Ninh lại có mức thu nhập bình quân đầu người khá cao.
Theo Quy hoạch, tỉnh Bắc Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa năng động của khu vực phía Bắc, là một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội.
>> Siêu dự án điện khí gần 12 tỷ USD ở thềm lục địa Việt Nam được 'khơi thông' phân đoạn khó nhất
‘Hòn ngọc giữa biển Đông’ của Việt Nam lọt top đảo đẹp nhất thế giới được ít người biết đến
Khám phá ý tưởng thiết kế căn hộ 80m2 với 2 phòng ngủ: Hiện đại và tiện nghi