Thế giới

Tổng thư ký Liên Hợp quốc: Nếu không hành động, Trái đất sẽ bị hủy diệt

Internews và Trung tâm Hòa bình và An ninh Stanley 13/11/2024 09:02

G20 được kêu gọi đi đầu trong giảm phát thải, phát triển thị trường carbon hiệu quả, công bằng, và xây dựng kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29), Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres đã nhấn mạnh ba việc phải làm ngay để "cứu trái đất khỏi sự hủy diệt".

Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres phát biểu tại COP29 tại Baku, Azerbaijan ngày 12/11/2024. Ảnh: COP29.az
Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres phát biểu tại COP29 tại Baku, Azerbaijan ngày 12/11/2024. Ảnh: COP29.az

Tiêu điểm ngày làm việc thứ hai của sự kiện toàn cầu đặc biệt này là thông điệp đến từ người đứng đầu tổ chức quyền lực nhất thế giới. Ông nói việc khẩn cấp cần làm là giảm phát thải. “Để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C, chúng ta phải cắt giảm 9% lượng khí thải mỗi năm để đến năm 2030, giảm được 43% so với mức năm 2019”.

Theo đó, các bên phải đồng ý với những quy tắc về thị trường carbon công bằng, hiệu quả trong khi cần tôn trọng quyền của cộng đồng địa phương, không tàn phá rừng hoặc chiếm đất.

Đến kỳ COP tiếp theo, các nước phải đưa ra kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới cho toàn bộ nền kinh tế sao cho phù hợp với mục tiêu trái đất nóng lên không vượt quá 1,5°C. Cụ thể, đến năm 2030 tăng công suất năng lượng tái tạo gấp ba lần, gấp đôi hiệu quả năng lượng, ngăn chặn nạn phá rừng, cắt giảm 30% sản lượng và mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu.

G20 phải đi đầu

Để đạt được mục tiêu khí hậu, tất cả các quốc gia phải chung tay rốt ráo thực hiện phần việc của mình nhưng G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) phải đi đầu bởi đó là những nước phát thải nhiều nhất, có năng lực và trách nhiệm lớn nhất. Do đó họ phải hỗ trợ kiến thức và công nghệ cho các nền kinh tế mới nổi.

Để thúc đẩy tiến trình này, Tổng thư ký António Guterres cho biết Liên Hợp quốc sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) mới thông qua sáng kiến Climate Promise. Thêm vào đó, tổ chức này sẽ nỗ lực bảo đảm công bằng trong cuộc cách mạng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người dân khỏi sự tàn phá của khủng hoảng khí hậu bởi những người dễ bị tổn thương nhất đang bị bỏ rơi trước những điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Theo ông António Guterres, ưu tiên tiếp theo là tài chính. Ước tính, thế giới cần đến 359 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 để chi cho biến đổi khí hậu, chưa kể thiệt hại về người và của.

“Hơn bao giờ hết, những cam kết về tài chính phải được thực hiện. Các nước phát triển phải chạy đua với thời gian để tăng gấp đôi tài chính thích ứng lên ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025” ông cho hay.

Trên thực tế, một số nước hứa hẹn đóng góp nhiều hơn cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại nhưng cam kết cần phải “chuyển thành tiền” để giúp nhiều nước lâm cảnh khan hiếm tài chính công , chi phí vốn tăng cao, thảm họa khí hậu và trả nợ.

Trớ trêu thay, người giàu gây ô nhiễm nhưng người nghèo lại phải trả giá đắt nhất. Theo Tổ chức Oxfam, lượng carbon thải ra trong 1,5 tiếng của những tỷ phú giàu nhất nhiều hơn lượng trung bình một người bình thường thải ra trong cả cuộc đời.

Theo ông, COP29 phải phá bỏ bức tường tài chính khí hậu với những việc cần làm như: tăng tài chính công ưu đãi, đánh thuế vận chuyển, hàng không và khai thác nhiên liệu hóa thạch, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng các khoản vay đối với các Ngân hàng Phát triển Đa phương, trong đó tận dụng nguồn tài chính tư nhân.

Một lần nữa, ông khẳng định: Tài chính khí hậu không phải từ thiện, mà là đầu tư. Hành động vì khí hậu không phải tùy chọn, mà là bắt buộc. Đó là hai yếu tố không thể thiếu vì một thế giới đáng sống, bằng không nhân loại sẽ phải trả giá nếu không hành động quyết liệt ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5°C.

Thời gian đang đếm ngược

António Guterres dẫn chứng nếu không hành động quyết liệt thì nhân loại sẽ phải trả giá khi liên tiếp ghi nhận những ngày nóng nhất, tháng nóng nhất và không bao lâu nữa sẽ là năm nóng nhất, rồi thiên tai bão lũ hạn hán, đa dạng sinh học bị phá hủy, nhiều người gục ngã dưới cái nóng thiêu đốt.

Và “không quốc gia nào được miễn trừ” khỏi những thảm họa đó. Vì vậy, chỉ có hành động mới giúp nhân loại tự cứu mình. Theo số liệu của Đại học Oxford và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, có đến 80% người dân trên khắp thế giới mong muốn có nhiều hành động quyết liệt hơn về khí hậu.

Hãy hành động!

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell cho rằng khủng hoảng khí hậu đang giết chết nền kinh tế.

Theo ông, biến đổi khí hậu khiến nhiều nước mất tới 5% GDP do chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao, lạm phát tăng vọt.

Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của tài chính khí hậu, coi đó là “bảo hiểm lạm phát toàn cầu”. Vì thế ông kêu gọi lãnh đạo các nước không thể rời khỏi COP29 mà không có mục tiêu tài chính khí hậu toàn cầu.

“Vì vậy, các lãnh đạo ở đây hãy nói với những nhà đàm phán của nước mình đừng vòng vo nữa, hãy đi thẳng vào vấn đề để tìm tiếng nói chung bởi ‘hợp tác quốc tế là cách duy nhất để nhân loại tồn tại sau hiện tượng nóng lên toàn cầu’”, Tổng thư ký UNFCCC nhấn mạnh.

*Bài viết này được thực hiện với sự hỗ trợ của của Internews và Trung tâm Hòa bình và An ninh Stanley thông qua Đối tác truyền thông về Biến đổi khí hậu COP29 của Mạng lưới báo chí Trái đất.

>> Cuộc đua tìm kiếm năng lượng thay thế của ngành vận tải biển thế giới

Lũ lụt “chưa từng có” tại Tây Ban Nha do biến đổi khí hậu?

Thủ tướng: Cần hành động nhanh hơn ứng phó biến đổi khí hậu

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-neu-khong-hanh-dong-trai-dat-se-bi-huy-diet.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tổng thư ký Liên Hợp quốc: Nếu không hành động, Trái đất sẽ bị hủy diệt
    POWERED BY ONECMS & INTECH