TP. HCM chốt phương án bảng giá đất mới: Quận sở hữu tuyến đường lọt top đắt đỏ nhất thế giới có giá gần 700 triệu đồng/m2
Theo tờ trình, đối với đất ở, giá cao nhất được ghi nhận tại một số tuyến đường ở quận 1 lên tới 687,2 triệu đồng/m2.
Theo Báo Tiền Phong, ngày 16/10, Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP. HCM đã trình báo cáo thẩm định về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 liên quan đến bảng giá đất trên địa bàn TP. HCM.
Cụ thể, Hội đồng Thẩm định đã nhất trí với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường theo Tờ trình số 10487, cùng các ý kiến của tổ công tác Hội đồng và dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020. Đồng thời, Hội đồng cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để trình UBND TP. HCM xem xét và phê duyệt.
Theo Tờ trình số 10487, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ được chia thành 3 khu vực và 3 vị trí như sau:
- Khu vực 1: Gồm các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận.
- Khu vực 2: Bao gồm quận 7, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Gò Vấp và TP. Thủ Đức.
>> Tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL có 3 TP trực thuộc sắp có khu du lịch sinh thái gần 700ha
- Khu vực 3: Gồm các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Về vị trí đất:
- Vị trí 1: Là các thửa đất tiếp giáp lề đường (đường được liệt kê trong bảng giá đất) trong phạm vi 200m.
- Vị trí 2: Các thửa đất không tiếp giáp lề đường nhưng nằm trong phạm vi 400m.
- Vị trí 3: Các thửa đất không nằm trong hai vị trí trên.
Để hỗ trợ ngành nông nghiệp, bảng giá đất nông nghiệp sẽ áp dụng hệ số K theo từng khu vực và vị trí. Cụ thể:
- Khu vực 1 áp dụng hệ số K là 2,7 lần.
- Khu vực 2 là 2,6 lần.
- Khu vực 3 là 2,5 lần.
Đối với đất trồng cây hàng năm như đất lúa, giá đất tại khu vực 1, vị trí 1 là 765.000 đồng/m2, vị trí 2 là 540.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 432.000 đồng/m2. Tương tự, khu vực 2 có giá lần lượt là 650.000 đồng/m2, 520.000 đồng/m2 và 416.000 đồng/m2, trong khi khu vực 3 là 625.000 đồng/m2, 500.000 đồng/m2 và 400.000 đồng/m2.
Giá đất trồng cây lâu năm tại khu vực 1, vị trí 1 là 810.000 đồng/m2, khu vực 2 là 780.000 đồng/m2 và khu vực 3 là 750.000 đồng/m2 với các mức giá tương tự cho các vị trí 2 và 3.
Đối với đất ở, giá cao nhất được ghi nhận tại các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) lên tới 687,2 triệu đồng/m2.
Vào tháng 12/2023, Cushman & Wakefield đã đưa ra Báo cáo Đại lộ bán lẻ thế giới năm 2023 và chỉ ra rằng, giá thuê mặt bằng tại đường Đồng Khởi đã đạt mức 390 USD mỗi foot vuông một năm (tương đương 350 USD/m2/tháng). Mức giá này tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng tới 40% so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Điều này đưa Đồng Khởi tăng một bậc trong bảng xếp hạng các con đường đắt đỏ nhất thế giới khi đứng thứ 13, vượt qua cả những tuyến đường nổi tiếng khác của thế giới tại Amsterdam (Hà Lan) và Bangkok (Thái Lan).
Một số tuyến đường khác như Đông Du có mức giá 409 triệu đồng/m2, Hai Bà Trưng từ 350-450 triệu đồng/m2 và Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành) là 447 triệu đồng/m2.
Tại quận 3, những tuyến đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai và Công Trường Quốc Tế được dự báo có mức giá đất mới cao nhất, dao động từ 305-340 triệu đồng/m2.
Về giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (không phải đất thương mại, dịch vụ), tại các quận trung tâm như Quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh và Phú Nhuận giá đất sẽ bằng 50% so với đất phi nông nghiệp.
Tại các quận 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và TP. Thủ Đức, mức giá này sẽ là 60%. Trong khi đó, tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, mức giá sẽ là 75%.
Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm trong khu dân cư cùng khu vực.