TP. HCM sẽ xây 8 trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, nâng hạng chỉ số LPI vượt top 30 thế giới
Với hệ thống trung tâm logistics đa dạng, TP. HCM đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành này vào GRDP đạt trên 12%.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng logistics, nhằm nâng cao công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển và hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực. Từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung triển khai 8 dự án xây dựng trung tâm logistics.
Cụ thể, Dự án Trung tâm logistics Cát Lái (TP. Thủ Đức) sẽ đảm nhận chức năng thương mại - logistics quốc tế, phục vụ nguồn hàng từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, TP. HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 triển khai tại phường Thạnh Mỹ Lợi với quy mô dự kiến 60-100ha và năng lực thông quan từ 3,1 triệu - 3,5 triệu TEU; giai đoạn 2 triển khai tại phường Phú Hữu với quy mô 26ha và năng lực thông qua 800.000TEU.
Dự án Trung tâm logistics Linh Trung (phường Linh Trung, TP. Thủ Đức) có quy mô dự kiến 40-50ha và năng lực thông quan từ 480.000-520.000TEU. Dự án được định hướng trở thành trung tâm xuất nhập khẩu, kết hợp phát triển ga cảng hàng không nối dài và phân phối hàng xuất nhập khẩu (hàng không) từ các khu công nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ.
>> Một thành phố của Việt Nam tham vọng trở thành trung tâm logistics tầm cỡ châu Á và thế giới
Dự án Trung tâm logistics Long Bình (phường Long Bình, TP. Thủ Đức) sẽ gắn với cụm cảng trung chuyển - cảng cạn Long Bình và cảng thủy nội địa Long Bình. Với quy mô dự kiến 50ha và năng lực thông quan từ 750.000-800.000TEU, dự án này sẽ là trung tâm trung chuyển hàng xuất nhập khẩu đến cụm cảng Cái Mép từ các khu công nghiệp tại Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương) và Tây Nguyên.
Dự án Cảng Cạn - Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức) có quy mô dự kiến 5-6ha và năng lực thông quan 60.000TEU/năm. Dự án sẽ đảm nhận chức năng ICD bổ sung, phát triển các dịch vụ ga cảng hàng không nối dài, chủ yếu phục vụ nguồn hàng từ khu công nghệ cao và các khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.
Dự án Trung tâm logistics Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) gắn với quy hoạch cảng cạn Tân Kiên, với quy mô dự kiến 60ha và năng lực thông quan từ 450.000-500.000TEU. Trung tâm này được định hướng là nơi phân phối hàng nội địa, đặc biệt là hàng lạnh và hàng nông thủy sản từ Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án Trung tâm logistics Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có quy mô dự kiến 100ha và năng lực thông quan từ 1,43 triệu - 1,6 triệu TEU. Dự án sẽ là trung tâm phân phối hàng thương mại điện tử và hàng nội địa, với nguồn hàng từ các khu công nghiệp tại TP. HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ.
Dự án Trung tâm logistics Củ Chi (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) gắn với quy hoạch cảng cạn và cảng thủy nội địa Củ Chi, có quy mô dự kiến 10-15ha và năng lực thông quan từ 282.150-319.770TEU. Trung tâm này được định hướng là nơi trung chuyển hàng đến cảng TP. HCM và Cái Mép, phục vụ nguồn hàng từ các khu công nghiệp phía Bắc TP. HCM và các khu vực lân cận như Bình Dương, Bình Phước.
Sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. HCM sẽ tiếp tục triển khai hai dự án trung tâm logistics gồm: Dự án Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) với quy mô dự kiến 150ha và năng lực thông quan từ 1,5 triệu đến 1,6 triệu TEU; Dự án Trung tâm logistics Bình Khánh (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) với diện tích khoảng 116ha và năng lực thông quan từ 250.000-300.000TEU. Cả hai dự án này đều được định hướng phục vụ trung chuyển hàng đến cảng TP. HCM và Cái Mép, với nguồn hàng từ các khu công nghiệp tại TP. HCM và các khu vực lân cận như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước.
TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành logistics sẽ đóng góp trên 8,5% vào GRDP của thành phố; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt từ 15%-20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 60%; góp phần giảm tỷ lệ chi phí logistics của cả nước so với GDP quốc gia xuống còn khoảng 12%-15%, và nâng hạng chỉ số LPI lên vị trí 45 trở lên trên thế giới.
Đến năm 2045, TP. HCM đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành logistics vào GRDP đạt trên 12%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt từ 10%-12%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 70%; góp phần giảm tỷ lệ chi phí logistics của cả nước so với GDP quốc gia xuống còn khoảng 10%-12%, và nâng hạng chỉ số LPI lên vị trí 30 trở lên trên thế giới.
>> Hải Phòng và Thụy Điển đẩy mạnh hợp tác phát triển dịch vụ cảng biển, logistics
Nguyên nhân dự án cảng cá 220 tỷ đồng ở Huế vẫn 'án binh bất động' sau gần một năm hoàn thiện
Bắc Ninh 'chạy nước rút' giải quyết khó khăn cho nhà máy bán dẫn 1,6 tỷ USD của Amkor