Vĩ mô

TP. HCM xin nới trần nợ công để làm metro: 40 tỷ USD lấy ở đâu?

Minh Anh 26/05/2025 19:1

Chỉ riêng giai đoạn 5 năm đầu, TP. HCM cần khoảng 16 tỷ USD – tương đương gần 400.000 tỷ đồng để đầu tư vào các tuyến metro. Nếu không được nới trần nợ công, thành phố không thể xoay xở được nguồn lực để triển khai”, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Trong phiên thảo luận sáng 26/5 tại Quốc hội về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng, trong bối cảnh triển khai chủ trương hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính địa phương, việc điều chỉnh tăng dư nợ vay của ngân sách địa phương là cần thiết để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới.

Theo ông Ngân, việc sáp nhập từ 63 còn 34 tỉnh, thành đòi hỏi nguồn lực rất lớn để kết nối nội thành, liên kết vùng. Ông đưa ra đề xuất đáng chú ý: nới trần nợ công cho các đô thị đặc biệt, mà trước mắt là TP. HCM – nơi đang khát vốn cho các siêu dự án hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư lên đến 40 tỷ USD trong 10 năm tới.

“Chỉ riêng giai đoạn 5 năm đầu, TP. HCM cần khoảng 16 tỷ USD, tương đương gần 400.000 tỷ đồng để đầu tư vào các tuyến metro. Nếu không được nới trần nợ công, thành phố không thể xoay xở được nguồn lực để triển khai”, ông Ngân nhấn mạnh.

TP.HCM xin nới trần nợ công để làm metro: 40 tỷ USD lấy ở đâu?
Ông Ngân đề xuất nới trần nợ công và tạm chưa thu phần lớn khoản thu từ đất, để thành phố có thể triển khai các dự án hạ tầng cấp thiết, đặc biệt là mạng lưới metro với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 40 tỷ USD trong 10 năm tới

>> Tiết kiệm 4.000 tỷ ngân sách nhờ làm chủ công nghệ, sếp tập đoàn Đèo Cả: Hãy giao chúng tôi làm những dự án lớn như đường sắt tốc độ cao, metro

Theo tính toán của ông Ngân, giai đoạn 2026-2030, TP. HCM sẽ cần khoảng 1,1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, nguồn thu từ đất được kỳ vọng đóng góp khoảng 550.000 tỷ đồng (chiếm 50%). Tuy nhiên, với tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương đang ở mức 70/30 (thành phố giữ lại 30%), mỗi năm thành phố hụt mất 33.000 tỷ đồng, tức khoảng 165.000 tỷ đồng trong 5 năm - một con số cực lớn nếu so với nhu cầu đầu tư metro.

“Nếu không điều chỉnh cơ chế, không cho thành phố giữ lại phần thu từ đất, thì rất khó triển khai được các dự án trọng điểm”, ông nhấn mạnh.

Để giải quyết bài toán nguồn lực, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị Trung ương xem xét chưa thu, hoặc chỉ thu 5–10% phần thu từ đất của TP. HCM trong 10 năm tới, nhằm tạo vốn mồi cho đầu tư hạ tầng.

Đây là một đề xuất chưa từng có tiền lệ, nhưng phản ánh đúng thực trạng TP. HCM đang phải “vừa chạy vừa xếp hàng” để đảm đương các nhiệm vụ vượt tầm địa phương, đặc biệt trong bối cảnh dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vừa đội vốn, vừa kéo dài suốt gần 2 thập niên.

Theo quy định hiện hành, trần nợ vay của địa phương không vượt quá 60% thu ngân sách được hưởng. Với cơ chế này, các đô thị lớn như TP. HCM hay Hà Nội dù có tiềm lực tài chính và nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, vẫn bị bó tay vì nút thắt trần nợ công.

“Thành phố có tiền, có nhu cầu, có năng lực trả nợ nhưng không được vay. Đây là nghịch lý cần tháo gỡ. Nếu không hành động kịp thời, bài toán thành phố đóng góp nhiều nhất nhưng nghẽn hạ tầng nhất sẽ tiếp tục lặp lại”, ông Ngân nói.

TP. HCM hiện đóng góp khoảng 22–25% GDP cả nước, 27% tổng thu ngân sách quốc gia, nhưng lại chỉ được giữ lại 30% – thấp hơn nhiều so với nhu cầu phát triển của một siêu đô thị đang bị ùn tắc hạ tầng trầm trọng.

Đề xuất của đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt lại một câu hỏi lớn: Liệu các đô thị đặc biệt như TP. HCM có nên được trao cơ chế tài khóa riêng, phù hợp với vai trò và năng lực? Thay vì coi đó là “ưu ái”, cần nhìn nhận đây là phân vai hợp lý trong phát triển quốc gia: trung ương định hướng chiến lược, địa phương tự chủ triển khai. TP. HCM không đòi hỏi hỗ trợ, mà chỉ xin được giữ lại phần mình làm ra, để tự mở lối phát triển.

Đề xuất “khoan thu ngân sách từ đất” và “nới trần nợ công” có thể tạo ra sự băn khoăn từ các địa phương khác, bởi nó đặt ra câu hỏi về cân bằng vùng miền và công bằng tài khóa. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, các đô thị đặc biệt cần được trao cơ chế riêng, vì họ đang gánh vác không chỉ nhiệm vụ của mình mà còn là các dự án mang tính chất quốc gia.

TS. Trần Du Lịch từng nhận định: “Nếu TP. HCM mà cứ phải xin – cho mãi như hiện nay, thì không thể trở thành trung tâm tài chính, trung tâm logistics hay đô thị tầm quốc tế được. Cần trao quyền và trao cơ chế tài chính đủ mạnh.”

>> Metro Việt mỗi chặng một vé, không thể chạy xuyên tuyến: Chủ tịch CC1 gợi ý áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn châu Âu

Tiếp bước metro TP. HCM - Cần Giờ, Vingroup (VIC) đề xuất xây nhà máy điện gió 4,5 tỷ USD cho siêu dự án lấn biển 2.870ha

Bắt tay Vingroup làm cầu Tứ Liên, đại gia Trung Quốc nhắm tiếp tuyến metro 65.000 tỷ với Vinaconex

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tphcm-xin-noi-tran-no-cong-de-lam-metro-40-ty-usd-lay-o-dau-290895.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    TP. HCM xin nới trần nợ công để làm metro: 40 tỷ USD lấy ở đâu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH