Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã cấm giao dịch và khai thác tiền điện tử. Tuy nhiên, họ lại đang theo đuổi các ứng dụng khác của công nghệ blockchain và mã thông báo không thể thay thế (NFT).
Trong tháng 1/2022, Blockchain Services Network (BSN), công ty blockchain được Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, có kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng cho phép các cá nhân và doanh nghiệp ở Trung Quốc tạo ra, bán và mua NFT.
He Yifan, Giám đốc điều hành của Red Date Technology, công ty cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho BSN, đã thông báo tin tức này cho South China Morning Post và giải thích các NFT “không có vấn đề pháp lý gì ở Trung Quốc” miễn là chúng không được kết nối với các loại tiền điện tử bị cấm ở Trung Quốc như Bitcoin.
Ông này cũng cho biết, Trung Quốc chặn tất cả blockchain công khai như Ethereum, vốn được sử dụng như một sổ cái công khai để hỗ trợ và theo dõi việc giao dịch NFT. Thay vào đó, BSN sẽ sử dụng các blockchain được điều chỉnh từ Ethereum và 9 nền tảng khác đáp ứng được các yêu cầu về mặt quản lý ở Trung Quốc, chẳng hạn như đảm bảo tất cả người dùng xác minh danh tính và cho phép Nhà nước can thiệp trong trường hợp có “những hoạt động bất hợp pháp” diễn ra.
BSN cũng sẽ cho phép người dùng mua NFT chỉ bằng nhân dân tệ thay vì các loại tiền điện tử thường được sử dụng để giao dịch NFT bên ngoài Trung Quốc.
Cho đến nay, ngành công nghiệp NFT của Trung Quốc dường như hoạt động trong một “vùng xám” hợp pháp.
Vào tháng 6 năm ngoái, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã tung ra bộ sưu tập 16.000 tác phẩm nghệ thuật NFT và bán hết trong vài phút thông qua ứng dụng thanh toán di động Alipay. Vào thời điểm đó, họ đã cẩn thận nói rằng NFT và tiền điện tử là khác nhau.
Phát ngôn viên của AntChain, một công ty con của Alibaba cho biết: “NFT là không thể thay thế, cũng như không thể phân chia, điều này làm cho nó về bản chất khác với các loại tiền điện tử như Bitcoin”.
Trong những tháng tiếp theo, Alibaba cùng những gã khổng lồ công nghệ khác như Tencent, trang web phát trực tuyến video Bilibili và Công ty Thương mại Điện tử JD.com đã đổi tên các dịch vụ NFT thành “đồ sưu tầm kỹ thuật số”, động thái mà các chuyên gia cho là để tránh sự giám sát của cơ quan quản lý.
Vào tháng 12, Chính phủ Trung Quốc đã có dấu hiệu chấp thuận NFT, khi Tân Hoa xã, một tờ báo của Nhà nước tung ra bộ sưu tập NFT của họ.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã không thể tận dụng được sự quan tâm dành cho NFT đang tăng vọt. Tại Trung Quốc, các công ty bị cấm thu lợi nhuận từ việc bán NFT và những người mua chúng hiện không được phép bán lại.
Theo He, BSN sẽ giải quyết được ít nhất một trong những vấn đề lớn với các NFT của Trung Quốc: Chúng hiện được quản lý bởi các công ty tư nhân không tương tác với nhau. BSN sẽ hoạt động trên nhiều blockchain ở Trung Quốc để tạo thành thị trường NFT lớn nhất nước này, ông nói.
“NFT ở Trung Quốc sẽ đạt sản lượng hàng năm lên đến hàng tỷ trong tương lai”, ông nói với SCMP.