Trung Quốc chấn động: Nữ sinh nông thôn 17 tuổi, đang học trường nghề đánh bại các cao thủ đến từ MIT, Harvard trong cuộc thi toán học toàn cầu
Câu chuyện về Jiang Ping, nữ sinh trường nghề với tài năng toán học xuất chúng, gợi lại các vấn đề nóng bỏng về hệ thống giáo dục Trung Quốc.
Jiang Ping, một nữ sinh 17 tuổi chuyên ngành thời trang đến từ một trường dạy nghề ở vùng nông thôn Trung Quốc, đã gây chấn động cả nước khi vượt qua hàng trăm sinh viên ưu tú từ các trường đại học danh tiếng trên toàn thế giới trong một cuộc thi toán học quốc tế do tập đoàn Alibaba tổ chức.
Tuy nhiên, nhiều tranh cãi đã nổ ra về việc Jiang Ping là một nữ "Einstein" ở ẩn bị đối thủ ganh ghét hay chỉ là một vụ gian lận chấn động khác trong làng toán học.
Cô bé Jiang Ping sinh ra tại một ngôi làng nghèo ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, đã xuất sắc xếp hạng 12 trong số 802 thí sinh lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Toán học toàn cầu Alibaba. Đáng chú ý, cô đã vượt qua nhiều sinh viên đến từ các học viện hàng đầu như Harvard, Oxford và MIT.
Học viện DAMO, đơn vị tổ chức Cuộc thi Toán học toàn cầu Alibaba, công bố kết quả vòng 1 vào ngày 13/6.
Được tổ chức bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, cuộc thi này thu hút những người đam mê toán học trên toàn thế giới với giải thưởng lên đến 30.000 USD cho người chiến thắng cuối cùng. Từ khi khởi tranh hằng năm từ năm 2018, cuộc thi đã trở thành sân chơi của những bộ óc xuất chúng trong lĩnh vực toán học.
Thành tích của Jiang được đặc biệt chú ý khi em đến từ một trường dạy nghề - nơi học viên bị xã hội định kiến là “học dốt” vì thành tích xếp ở bậc thấp nhất trong hệ thống giáo dục Trung Quốc.
Ban đầu, thành công của cô bé đã nhận được sự ca ngợi của truyền thông toàn quốc như một tấm gương nhà nghèo vượt khó, dù học trường nghề vẫn đánh bại nhiều sinh viên đến từ các môi trường danh tiếng.
Tuy nhiên sau khi kết thúc vòng chung kết và chờ kết quả công bố vào tháng 8/2024, cô bé 17 tuổi này đang phải đối mặt với những nghi vấn, chỉ trích và đỉnh điểm là tố cáo gian lận từ các đối thủ.
Nghi vấn gian lận
Một nhóm 39 thí sinh, trong đó dẫn đầu bởi du học sinh Richard Xu hiện theo học Trường Kinh doanh Harvard và đứng thứ 190 trong vòng 1, đã gửi thư yêu cầu ban tổ chức điều tra độc lập về bài thi của Jiang.
Trong bức thư có đưa ra các nghi ngờ và một số giả thuyết về "gian lận có hợp tác" giữa Jiang với thí sinh Wang, người đứng thứ 125 trong vòng 1 khi hai người này vốn có quan hệ thầy trò.
Mặc dù ban tổ chức ban đầu đã bảo vệ Jiang, nhưng áp lực từ cộng đồng mạng đã buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc. Ngày 27/6/2024, chính quyền tỉnh Giang Tô xác nhận tin đồn rằng Jiang chỉ đạt 83/150 điểm cuộc thi toán học cấp trường được tổ chức sau khi kỳ thi toán toàn cầu trên được tổ chức vòng 1.
Phía Chính phủ cũng cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành. Tuy nhiên từ đó đến nay, các bài đăng về Jiang đã bị gỡ và hiện chưa có cập nhật thông tin gì mới.
Thành kiến xã hội với sinh viên trường nghề
Giáo sư Zhao Yong, chuyên gia tâm lý giáo dục tại Đại học Kansas, nhận định với CNN: "Sự chú ý của công chúng đối với Jiang - một sinh viên trường nghề - phản ánh mối quan ngại của xã hội về hệ thống giáo dục Trung Quốc".
Học sinh trường nghề thường nằm trong nhóm 40% điểm thấp nhất kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông (zhongkao). Họ không đủ điểm vào các trường trung học thông thường - nơi học sinh phải học chăm chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi đại học khắc nghiệt (gaokao).
Trong xã hội coi thành tích học tập kém là khiếm khuyết đạo đức, những học sinh 15 tuổi có điểm kém trong kỳ thi trung học thường bị gán mác "lười biếng", "tầm thường" hay "phạm pháp". Họ thường phải chấp nhận làm việc vất vả trong các nhà máy suốt quãng đời còn lại.
Theo Tân Hoa Xã, Jiang bộc lộ năng khiếu toán học từ cấp trung học cơ sở với điểm số vượt trội. Tại Trường Trung học Dạy nghề Lianshu, nơi cô học thiết kế thời trang, Jiang được thầy giáo toán Wang Runqiu đào tạo chuyên sâu.
Trong hai năm qua, cô được thầy Wang - người từng ba lần vào chung kết cuộc thi toán toàn cầu Alibaba - hướng dẫn tự học toán nâng cao.
Kể từ khi lọt vào vòng chung kết cuộc thi toán cao cấp, tên tuổi của Jiang đã lan tỏa trên mạng xã hội. Tại quê nhà, hình ảnh của cô được vinh danh trên nhiều màn hình lớn ở trung tâm thành phố.
Mặc dù vẫn còn gây tranh cãi, một số ý kiến cho rằng công chúng đang quá khắt khe và định kiến với học sinh trường nghề ở vùng nông thôn nghèo Trung Quốc. Chính điều này đã làm bùng lên nghi vấn gian lận và bình luận ác ý nhắm vào em học sinh mới 17 tuổi khi kết quả điều tra còn chưa ngã ngũ.
Trái ngược với thập niên 1980-1990 khi học nghề được xem là con đường sáng sủa dẫn đến công việc ổn định trong bối cảnh nền kinh tế cần lao động kỹ thuật, từ khi giáo dục đại học mở rộng vào năm 1999, ngay cả bằng cử nhân, thạc sĩ cũng mất giá, chưa nói đến bằng trường nghề.
Dù Trung Quốc đã tăng cường phát triển trường dạy nghề trong kế hoạch "Made in China 2025", học sinh tại các trường này vẫn phải đối mặt với định kiến xã hội và không được coi trọng bằng sinh viên đại học.
‘Lại một Einstein sớm nở tối tàn’
Trong cuộc phỏng vấn với The Beijing News, em Jiang bày tỏ mong muốn đỗ vào đại học, với ngôi trường ước mơ là Đại học Chiết Giang - một viện địa học danh tiếng ở trung tâm thương mại điện tử Hàng Châu.
Tuy nhiên, dù em có sở hữu tài năng toán học thiên bẩm, Jiang vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Thầy Wang, cố vấn của Jiang, chia sẻ với báo Tân Hoa Xã rằng do hạn chế về lựa chọn ngành nghề, cô bé chỉ có thể nộp đơn vào ba trường cao đẳng ở tỉnh Giang Tô. Trong đó, lựa chọn tốt nhất là một trường đại học công lập hạng hai.
Giáo sư Zhao nhận xét: "Việc phân chọn và phân loại tài năng quá sớm đã hạn chế đáng kể các lựa chọn và con đường tương lai của cá nhân các em học sinh". Khác với Trung Quốc, một số quốc gia châu Âu như Đức và Phần Lan làm tốt hơn ở giáo dục song song, cho phép sinh viên linh hoạt chuyển đổi giữa định hướng nghề nghiệp và học thuật.
“Nỗ lực của Bắc Kinh trong hàng thập kỷ qua nhằm học hỏi các nước châu Âu bằng cách khuyến khích trao đổi nguồn lực giữa hai loại hình trường học này hiện vẫn chưa hiệu quả. Các trường Trung học bây giờ vẫn tập trung vào việc luyện thi để học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học", ông phân tích
Giáo sư Zhao nhận định Jiang là "một trường hợp hiếm hoi may mắn nếu cô bé thực sự có năng khiếu toán học". Tuy nhiên, ông cảnh báo cô bé cũng có thể lại là một "Einstein chóng nở chóng tàn".
Quay trở lại với cuộc thi toán học, kết quả vòng 2 dự kiến sẽ được công bố vào tháng tới. Theo The Beijing News, Jiang chỉ xem toán học là "Kế hoạch B dự phòng", trước đó em vẫn ưu tiên theo đuổi ngành thiết kế thời trang để phục vụ các mục tiêu gần.
Giáo sư Zhao cho rằng việc cố gắng trong nhà máy là một "lựa chọn hợp lý" đối với cô gái nông thôn 17 tuổi đang gánh trên vai nhiều trách nhiệm. Là sinh viên trường nghề, Jiang có rất ít cơ hội và điều kiện học lên cao hơn. Ông cảm thán: "Dẫu sao, em ấy cũng cần phải tự nuôi sống bản thân và gia đình trước".
Theo CNN
>> Bằng cấp mất giá, thạc sĩ ở Trung Quốc nô nức đi xin việc ở... lò hỏa táng
Thiên tài Toán học 15 tuổi được tuyển thẳng vào đại học hàng đầu thế giới
Chuyên gia giáo dục: Một vài khoá tu không thể thay đổi hành vi của trẻ