Trung Quốc vượt Nhật Bản về xuất khẩu ô tô
Lần đầu tiên sau 7 năm, Nhật Bản mất ngôi vị nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới do sự trỗi dậy của hãng xe điện BYD đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới vào năm ngoái, đánh bật Nhật Bản nhờ doanh số bán xe điện mạnh mẽ ở nước ngoài.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hôm thứ Tư cho biết rằng Nhật Bản đã xuất khẩu 4,42 triệu xe vào năm 2023, tăng 16% so với năm trước.
Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, khối lượng xuất khẩu của nước này đã đạt 4,91 triệu xe, tăng đến 58%.
Trước Trung Quốc, Đức cũng đã có lần vượt mặt Nhật Bản về sản lượng ô tô xuất khẩu cách đây 7 năm.
Thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất của Trung Quốc là Nga, vốn đã không còn ưa chuộng các dòng xe Nhật Bản và phương Tây kể từ khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra. Ngoài ra, không thể bỏ qua con số 80% mà xe điện đóng góp trong tổng sản lượng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc.
Đáng chú ý, hãng xe điện BYD cũng lần đầu tiên vượt qua Tesla về doanh số bán xe điện toàn cầu trong quý 4.
Vào năm 2022, BYD tuyên bố có khả năng sản xuất 1,25 triệu xe chở khách, nhưng thực tế họ đã sản xuất hơn 1,8 triệu chiếc vào năm đó. Tới năm 2023, công ty này đã đạt công suất khoảng 3,5 triệu xe, cao hơn con số 2,35 triệu chiếc của Tesla trong cùng năm.
BYD đã nhanh chóng mở rộng các nhà máy ở Trung Quốc với sự hợp tác của chính quyền địa phương.
Hãng xe điện này dự kiến sẽ mở rộng công suất tại các cơ sở ở thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông và Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam. HuaAn Securities ước tính năng lực sản xuất của BYD sẽ tăng trên 4,5 triệu chiếc trong năm nay.
Doanh số bán hàng ở nước ngoài của BYD năm ngoái đạt 240.000 xe. Thành công ở nước ngoài của BYD được cho là nhờ mức giá phải chăng hơn so với xe điện của Tesla và Volkswagen.
Tại châu Âu, xe điện của BYD có giá thấp hơn mức trung bình từ 20 - 40%.
Những người trẻ tuổi có ý thức về môi trường cũng đã thúc đẩy doanh số bán hàng của BYD ở châu Âu, đồng thời công ty cũng đang nắm bắt được nhu cầu ở Thái Lan.
Khởi đầu là một công ty sản xuất pin, BYD dần có thể tự sản xuất các bộ phận xe điện, bao gồm chất bán dẫn và ghế ngồi. Trong quý 3 năm ngoái, BYD đạt tỷ suất lợi nhuận ròng là 6,4%, tiệm cận mức 7,9% của Tesla.
Sự hỗ trợ của chính phủ đã đóng vai trò lớn trong việc mở rộng năng lực sản xuất ô tô của Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc, vào năm 2009, chính phủ đã thông qua kế hoạch đưa các phương tiện sử dụng năng lượng mới trở thành xu hướng phổ biến, triển khai các khoản trợ cấp bán hàng cho các phương tiện này từ năm 2010 đến năm 2022.
Các khoản trợ cấp này có tổng trị giá khoảng 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42 tỷ USD).
Bản thân các nhà sản xuất ô tô cũng bị thúc đẩy chuyển sang sử dụng xe điện. Từ năm 2019, chính phủ Trung Quốc thường không phê duyệt các nhà máy lắp ráp mới trừ khi họ sản xuất xe điện.
Các thương hiệu nước ngoài cũng là một phần không thể thiếu trong cơ cấu xe xuất khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh BYD, Tesla vẫn là nhà xuất khẩu xe điện hàng đầu từ Trung Quốc vào năm ngoái với 340.000 chiếc, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để hiện thực hóa mục tiêu mở rộng xuất khẩu xe điện của chính phủ Trung Quốc, các nhà chức trách được cho là đã yêu cầu Tesla đặt mục tiêu xuất khẩu một nửa số xe được sản xuất tại siêu nhà máy Thượng Hải vào thời điểm cơ sở này được xây dựng.
Chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách tận dụng sự chuyển dịch toàn cầu sang xe điện để định vị Trung Quốc là một cường quốc trong ngành. Vị trí dẫn đầu của Trung Quốc về xuất khẩu ô tô được coi chỉ là một bước trong chiến lược, khi các nhà sản xuất ô tô chuyển trọng tâm sang sản xuất ở nước ngoài trong tương lai.
Một quan chức chính phủ dự kiến Trung Quốc sẽ bán tổng cộng 12 triệu xe ra nước ngoài vào năm 2030 - 6 triệu chiếc được xuất khẩu từ Trung Quốc và 6 triệu chiếc được sản xuất ở nước ngoài.
Điều đó cho thấy, nỗ lực tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc một phần nhằm giảm bớt tình trạng dư thừa công suất trong nước. Theo truyền thông Trung Quốc, các nhà máy ô tô Trung Quốc đã sử dụng 54% tổng công suất vào năm 2022, giảm từ mức 67% vào năm 2017.
Theo một ước tính, nước này sẽ có thể sản xuất hơn 36 triệu xe điện vào năm 2025. Dự kiến khoảng 14 triệu đến 16 triệu xe sẽ được bán trong nước trong năm đó, điều này sẽ khiến dư thừa hơn 20 triệu xe.
Nhu cầu trong nước giảm sút có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.
Trong khi đó, các quốc gia như Pháp và Ý đang xem xét các động thái nhằm hạn chế trợ cấp cho xe điện do châu Á sản xuất trong bối cảnh lo ngại về làn sóng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Giá rét bao phủ kỳ xuân vận của Trung Quốc
Thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào ‘danh sách đen’ của Bộ Quốc phòng Mỹ