Sau khi hoàn thành, kênh đào Bình Lục sẽ trở thành tuyến đường ra biển ngắn nhất, tiết kiệm nhất và thuận tiện nhất ở phía Tây Nam Trung Quốc.
Kênh đào Bình Lục là dự án xương sống của Hành lang trên biển và đất liền mới phía Tây Trung Quốc, và là một dự án mang tính bước ngoặt nhằm đẩy nhanh việc đưa Trung Quốc phát triển thành một quốc gia mạnh về giao thông vận tải.
Vào tháng 8/2022, Trung Quốc đã chính thức khởi công xây dựng dự án kênh đào Bình Lục – kênh đào lớn nhất của Trung Quốc sau 700 năm kể từ khi kênh đào thế kỷ Đại Vận Hà được xây dựng. Dự án kênh đào Bình Lục có chiều dài 135km với trị giá lên tới 72,7 tỷ NDT (10,1 tỷ USD).
Lộ diện con kênh lớn nhất thế giới
Theo tờ Tin tức Buổi sáng Tiêu Tương (Trung Quốc), ý tưởng xây dựng kênh đào Bình Lục ra đời cách đây hơn 100 năm, đến đầu thập niên 1990 đã được đưa vào báo cáo đề xuất dự án của Sở Giao thông vận tải Quảng Tây nhưng luôn bị mắc kẹt.
Đến năm 2019, các thỏa thuận liên quan đến kênh đào Bình Lục mới xuất hiện trong "Quy hoạch tổng thể [của Trung Quốc] về Hành lang thương mại đất - biển quốc tế mới". Kể từ đó, công tác quy hoạch và xây dựng đã bước vào giai đoạn tăng tốc và chính thức chuyển từ bản vẽ quy hoạch sang bản vẽ thi công trong vòng 4 năm.
Sau hơn một năm, việc xây dựng kênh đào Bình Lục đã được đẩy nhanh tiến độ, tổng vốn đầu tư ban đầu đã tiêu tốn hơn 20 tỷ nhân dân tệ và 100 triệu mét khối đất đá đã được đào.
Ông Hồ Hoa Bình cho biết, tiến độ dự án Kênh đào Bình Lục đã bước vào giai đoạn mới, bắt đầu xây dựng trên toàn bộ mặt bằng. Tính đến giữa tháng 7/2023, hơn 1.800 cán bộ và 6.600 công nhân của 18 đơn vị xây dựng, 15 đơn vị giám sát đã có mặt tại công trường, cùng với 2.789 máy móc và thiết bị cỡ lớn như tàu hút cát, máy xúc đào liên hợp; đã giải ngân 13,621 tỷ CNY (1,9 tỷ USD) và đào được 45,093 triệu m3 đất đá.
Theo Người dân địa phương Trung Quốc tin rằng kênh đào Bình Lục sẽ biến "cảng Vịnh Bắc Bộ trở thành một lối ra thực sự ra biển". Trước đây, dù Quảng Tây là tỉnh giáp biển nhưng hàng hóa Quảng Tây và các tỉnh phía Tây Trung Quốc như Quý Châu, Vân Nam thường phải đi đường vòng mới ra đến biển, thậm chí còn có câu nói rằng "Hàng hóa Quảng Tây không qua cảng Quảng Tây".
Theo Tân Hoa Xã, sau khi kênh đào này hoàn thành sẽ thay đổi căn bản hiện trạng Quảng Tây, kích hoạt Quảng Tây phát triển chất lượng cao.
Dự án được coi không chỉ là cơ hội phát triển vùng đất phía Tây Nam Trung Quốc mà còn là cầu nối để Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với các quốc gia Đông Nam Á.
Thay đổi 'cuộc chơi' với Đông Nam Á
Ngày nay, bên cạnh đường bộ và đường hàng không, đường thủy là kênh vận chuyển hàng hóa quan trọng.
Ở Trung Quốc, vận tải đường thủy chiếm một lượng lớn vận chuyển hàng hóa toàn quốc và khoảng 95% vận chuyển ngoại thương.
Là một phần trong hành lang thương mại gồm cả đường bộ và đường biển kết nối phía Tây của Trung Quốc với vịnh Bắc Bộ và biển Đông, kênh đào dự kiến sẽ có thể vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2050.
Tuyến đường biển 2 chiều này được dự báo sẽ rất đông đúc vì giúp cắt giảm chi phí đáng kể. Những tàu container và tàu chở hàng cỡ lớn sẽ chỉ mất vài tuần để di chuyển từ Nam Ninh tới các nước ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia.
Hiện tại, do thiếu cảng nước sâu, hàng hóa từ các tỉnh phía tây Trung Quốc phải qua sông Tây Giang và sông Châu Giang mới đến được Quảng Châu và Hong Kong (Trung Quốc). Sau khi hoàn thành, kênh đào Bình Lục giúp hành trình từ các tỉnh trong đất liền phía tây Trung Quốc đi ra biển rút ngắn khoảng 560 km. Kênh này có thể tiếp nhận những con tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn và có khả năng tiết kiệm hơn 5,2 tỉ nhân dân tệ (725 triệu USD) chi phí vận chuyển hàng năm.
Bất chấp những tiềm năng về kinh tế mà kênh đào Bình Lục mang lại, một số chuyên gia, tổ chức bảo vệ môi trường của Trung Quốc đã đặt câu hỏi về tác động sinh thái của kênh đào. Báo cáo đánh giá tác động của kênh đào Bình Lục đối với môi trường chỉ ra kênh đào này sẽ đi qua 849,18ha đất nông nghiệp, 16,56ha rừng phi thương mại và 13,9ha rừng ngập mặn.
Trong khi đó, kênh đào này được sử dụng chủ yếu để vận chuyển than, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, vật liệu xây dựng…, có thể gây ra những tác động không thể tránh khỏi lên các hệ sinh thái mà nó đi qua. Ngoài ra, dự án này cũng đe dọa nguồn nước ngọt của lưu vực và làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt trong khu vực.
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed đối mặt với thách thức mới: Kênh đào Panama cạn khô