TS. Cấn Văn Lực: Nợ xấu nội bảng có thể tăng mạnh trong năm 2022

21-02-2022 10:54|Yến Hương

Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2022, tỷ lệ nợ xấu gộp có thể đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020.

Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” sáng ngày 19/2, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực dự báo, nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5%.

Bên cạnh đó, nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, qui định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan. 

“Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3 - 2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022 và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan”, TS. Cấn Văn Lực cho biết

Số liệu từ NHNN cho thấy, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%. 

Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%). Đây cũng là năm Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 mới được các ngân hàng công bố, bình quân số dư nợ xấu 28 NHTM niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.

Tuy nhiên, điểm sáng từ hệ thống TCTD là tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành đã tăng mạnh trong vòng 6 năm qua, từ mức 66% cuối năm 2016 lên đến mức 150% nhờ động thái chủ động trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM niêm yết. 

Đáng chú ý là có những ngân hàng đã tích cực, chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ các khoản nợ cơ cấu theo thông tư 14 trước thời hạn như Vietcombank, BIDV,...

Thậm chí tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất còn đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay tại một số ngân hàng như Vietcombank đạt 424%, BIDV đạt 219%, ACB đạt 210%… Qua đó tăng "sức đề kháng" cho toàn hệ thống trước những diễn biến khó lường của đại dịch. 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng các ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung không thể chủ quan khi mà tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ được tính toán với các khoản nợ xấu nội bảng, mà chưa tính đến các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và các khoản nợ xấu tiềm ẩn từ nợ tái cơ cấu.

Ngoài ra, khả năng chuyển các khoản nợ từ nhóm 1,2 thành nợ xấu do điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi trong thời gian tới (tỷ lệ nợ xấu gộp cao gấp 3,8 lần tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2021).

Do vậy, việc gia hạn Nghị quyết 42 và tiến tới là luật hóa Nghị quyết 42 là những bước đi cần thiết trong điều kiện Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực và áp lực nợ xấu đang ngày một hiện hữu.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc Hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan; hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp Nghị quyết 42 theo hướng tiếp thu các mặt được, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Lãnh đạo Coteccons (CTD) nói gì về khoản nợ xấu gần 2.243 tỷ đồng của công ty?

Chuyên gia: Sức hấp thụ vốn dần cải thiện nhưng nợ xấu có xu hướng tăng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-can-van-luc-no-xau-noi-bang-co-the-tang-manh-trong-nam-2022-131949.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
TS. Cấn Văn Lực: Nợ xấu nội bảng có thể tăng mạnh trong năm 2022
POWERED BY ONECMS & INTECH