TS Cấn Văn Lực: Việt Nam cần nghiên cứu nghiêm túc về tiền kỹ thuật số
Trước sự phát triển nhanh chóng của tiền kỹ thuật số tại Việt Nam, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khẳng định trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực như Campuchia và Trung Quốc đã triển khai loại tiền tệ này, Việt Nam cần nghiên cứu nghiêm túc về hướng tiếp cận phù hợp về tiền kỹ thuật số.
Tiền số ra đời hàng chục năm qua nhưng chưa được thừa nhận
Bitcoin và nhiều loại tiền kỹ thuật số (tiền số) khác đã ra đời, tồn tại hàng chục năm qua nhưng chưa được thừa nhận tại Việt Nam. Nước ta cũng chưa có quy định pháp lý liên quan hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi các loại tài sản này.
Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư, giao dịch tiền số ngay tại Việt Nam lại rất sôi động.
Tiền số ra đời hàng chục năm qua nhưng chưa được thừa nhận. Ảnh minh họa |
Trên các diễn đàn, hội nhóm đầu tư tài chính, chủ đề liên quan việc đầu tư Bitcoin được trao đổi sôi nổi, nhất là khi đồng tiền số này có chuỗi tăng kỷ lục chạm tới mốc 100.000 USD.
Thống kê của cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A công bố giữa năm 2024 cho thấy UAE đứng đầu thế giới về tỉ lệ sở hữu tiền số của người dân, với 34,4%. Việt Nam đứng thứ hai với tỉ lệ 21,2% dân số sở hữu tiền số - cao hơn Mỹ, ở vị trí thứ ba (15,6%).
Theo báo cáo tổng hợp từ Chainalysis (công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp tài sản số, có trụ sở ở Mỹ), năm 2023-2024, Việt Nam là quốc gia có nhiều người áp dụng tài sản tiền mã hóa, với hơn 20 triệu nhà đầu tư và số vốn khổng lồ 120 tỉ USD - đứng thứ 4.
Các nhà đầu tư chủ yếu là những người trẻ tuổi (18 - 36), tập trung ở các thành phố lớn như TP. HCM (50%-54%), Hà Nội (25%-30%), Đà Nẵng (3%-5%). Ngoài ra, báo cáo của Chainalysis cũng cho biết trong năm 2023-2024, 35,9% nhà đầu tư Việt Nam kiếm được lợi nhuận, 44,5% nhà đầu tư thua lỗ và 19,6% hòa vốn từ việc đầu tư Crypto.
Điều này lý giải vì sao hầu hết các sàn giao dịch tiền số lớn của thế giới đều có hoạt động tại Việt Nam, như Binance, Bybit, OKX, Kucoin… Các sàn này đều có giao diện tiếng Việt, người dùng dễ dàng tạo tài khoản khi chỉ cần gmail, số điện thoại, liên kết với số tài khoản ngân hàng là đã có thể giao dịch. Các sàn này có khối lượng giao dịch hàng tỉ USD mỗi ngày, riêng sàn Binance lúc cao điểm có thể đạt hơn 100 tỉ USD.
Trên các mạng xã hội Facebook, Zalo và X, nhiều cộng đồng trao đổi thông tin tiền điện tử diễn ra rất sôi động. Người dùng chỉ cần nhập từ khóa Crypto, Bitcoin… sẽ hiện ra rất nhiều hội nhóm sở hữu lượng lớn người tham gia.
Trong đó, có nhóm lên đến gần 1 triệu thành viên. Họ liên tục chia sẻ những bài viết về tiềm năng thị trường tiền số và kêu gọi người dùng tham gia đầu tư để kiếm lời trong mùa "uptrend".
>>Sự bùng nổ của Bitcoin, Fed và điều hiếm thấy trong lịch sử
Việt Nam sớm nghiên cứu về tiền kỹ thuật số
Về vấn đề tiền số tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh Việt Nam sớm nghiên cứu về tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành, trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực như Campuchia và Trung Quốc đã triển khai loại tiền tệ này. Việt Nam cần nghiên cứu nghiêm túc về hướng tiếp cận phù hợp về tiền kỹ thuật số.
Việt Nam sớm nghiên cứu về tiền kỹ thuật số. |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ. Các ngân hàng đã nắm bắt, áp dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain, AI, big data và sinh trắc học (nhận diện giọng nói, vân tay, mống mắt)…
“Một phân khúc nổi bật về đổi mới sáng tạo nữa là Fintech (công nghệ tài chính). Hiện nay có hơn 50 công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán và trung gian thanh toán và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra, có hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử”, ông Sơn cho biết và khẳng định thời gian tới, xu thế chuyển đổi số sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa, ví dụ như ứng dụng công nghệ thông tin cho thực thi pháp lý, hoặc công nghệ ứng dụng cho cơ quan quản lý giám sát.
Dù phát triển mạnh mẽ song khung pháp lý cho Fintech vẫn chưa hoàn thiện. TS Cấn Văn Lực đề xuất Nhà nước nên sớm ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, nhân rộng mô hình tương tự cho fintech trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm.
Ngoài ra, TS. Lực cho rằng các đơn vị hữu quan cũng cần nghiên cứu nền tảng phát triển tiền kỹ thuật số. Theo ông, tính phi chính thức và chính thức, có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện tiền kỹ thuật số.