TS. Lê Xuân Sang: ‘Tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét nhưng vẫn chưa thể về mức trước đại dịch’

13-04-2024 07:49|Khúc Văn

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Philipines, kinh tế Việt Nam có phần nổi trội hơn trong dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau đó tăng trưởng GDP lại bị mất đà hai lần, dìm nền kinh tế sa vào quỹ đạo hai đáy, tạo sự biến động, xáo động lớn trong nền kinh tế, xã hội.

Nền kinh tế tiếp tục chịu tác động mạnh hiếm có

Bình luận về những khó khăn mà nền kinh tế phải đối diện, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến nay tiếp tục chịu tác động mạnh hiếm có, rất khó dự đoán từ các yếu tố bất định bên ngoài và bên trong.

Theo đó, ông Sang cho biết nền kinh tế phải chịu ba cơn gió ngược từ bên ngoài. Thứ nhất là sự suy giảm tăng trưởng ở nhiều đối tác kinh tế lớn, nhất là Trung Quốc, thậm chí suy thoái tăng trưởng như ở Đức và một vài nước EU. Sự suy giảm thu nhập khả dụng ở các nước phát triển hậu COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

TS. Lê Xuân Sang: ‘Tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét nhưng vẫn chưa thể về mức trước đại dịch’
Đầu năm 2023 đến nay tiếp tục chịu tác động mạnh hiếm có, rất khó dự đoán từ các yếu tố bất định bên ngoài và bên trong.

Thứ hai, chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao, nhất là ở Mỹ có ảnh hưởng tới tỷ giá, lãi suất qua đó ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư vào Việt Nam. Tính bất định chính sách của Fed về lãi suất rất cao, khó dự báo gây khó khăn cho việc đưa ra phản ứng chính sách của Việt Nam.

Thứ ba, giá cả, lạm phát quốc tế, nhất là giá dầu và các mặt hàng liên quan vẫn còn nhiều bất định, giá nhiều đầu vào sản xuất tuy giảm, song vẫn còn ảnh hưởng chủ yếu là tiêu cực.

So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Philipines, ông Sang cho rằng kinh tế Việt Nam có phần nổi trội hơn trong dịch COVID-19 nhưng sau đó tăng trưởng GDP lại bị mất đà hai lần, dìm nền kinh tế sa vào quỹ đạo hai đáy, tạo sự biến động, xáo động lớn trong nền kinh tế, xã hội.

Nhìn từ phía cung, ông Sang nhấn mạnh tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn từ đầu năm 2022, tuy nhiên mức tăng trưởng chung năm 2023 và quý I/2024 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.

>>EuroCham: Doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam

Các lĩnh vực tăng trưởng không đều và biến động phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế và tác động của dịch bệnh. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng, song nông nghiệp lại là yếu tố “bệ đỡ” khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Nhìn từ phía cầu, tiêu dùng là cấu thành đóng góp cho tăng trưởng GDP ổn định nhất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng khá rõ, nhất là năm 2022 đến hết quý I/2024.

Tuy nhiên tốc độ tăng của tiêu dùng đang chậm lại. Trong quý I, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%).

Nỗ lực chính sách và cải cách quyết định mức độ cải thiện của nền kinh tế

Về yếu tố tạo nên sự cải thiện trong mức độ phục hồi nền kinh tế, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam.

“Việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tiền tệ cũng như tài khoá, các nhóm chính sách giải pháp năm 2023, có thể có điều chỉnh, song về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024”, ông Thành kiến nghị.

TS. Lê Xuân Sang: ‘Tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét nhưng vẫn chưa thể về mức trước đại dịch’
Mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài.

Theo ông, cần tập trung vào ba nỗ lực chính sách. Một là, ổn định kinh tế vĩ mô, từ duy trì lạm pháp tương đối thấp cho đến đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, khôi phục niềm tin thị trường và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Hai là kích cầu tiêu dùng thông qua du lịch và hỗ trợ người lao động . Về đầu tư, cần phát triển hạ tầng, thu hút FDI chất lượng qua tận dụng việc nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật Bản,... cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ với Trung Quốc.

Về xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, ký kết, đàm phán thêm các FTA cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ba là, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành, sửa đổi các văn bản Luật quan trọng đồng thời đáp ứng xu thế số, xanh, dịch chuyển.

Theo chuyên gia, phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí sóng bão, song chúng ta vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn là việc Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới.

>>TS Cấn Văn Lực: 'GDP quý I cao nhất 5 năm nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn'

Trong khi đó, TS. Sang cho rằng để tạo động lực cho tăng trưởng cần giảm tính bất định bên ngoài thông qua nghiên cứu, dự báo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chủ động và thích ứng trong ứng phó chính sách và thích nghi.

Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng là điều kiện tiên quyết để phục hồi vững chắc nền kinh tế. Theo ông, nỗ lực và ý chí chính trị trong cải cách thể chế, nhất là liên quan bất động sản một cách hiệu quả và kịp thời đóng vai trò không kém trong thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, cần thúc đẩy một bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu, dám làm và cống hiến và đủ đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển trong một thế giới đầy đổi thay cũng có ý nghĩa lớn và cấp bách, chuyên gia kiến nghị.

>>Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất châu Á năm 2024

Dư địa giảm lãi suất cạn dần, tăng trưởng năm 2024 dựa vào đâu?

'Kín' đơn hàng, TNG đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi

'Quán quân' tăng trưởng GRDP trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ xây khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-le-xuan-sang-tang-truong-gdp-da-co-dau-hieu-phuc-hoi-ro-net-nhung-van-chua-the-ve-muc-truoc-dai-dich-230455.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
TS. Lê Xuân Sang: ‘Tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét nhưng vẫn chưa thể về mức trước đại dịch’
POWERED BY ONECMS & INTECH