Thị trường

Từ năm 2009, BĐS cứ 10 năm lại tăng giá gấp đôi nhưng là sự tăng 'ảo'

Thanh Sơn 27/09/2024 08:29

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng giá tăng của BĐS là sự tăng "ảo" chứ không có giá trị vật chất thật để đảm bảo giá trị tăng đó có ý nghĩa.

Trước tình trạng giá bất động sản (BĐS) liên tục tăng nóng, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định rằng đây là sự tăng giá "ảo", không phản ánh giá trị vật chất thật để đảm bảo tính bền vững.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, sự tăng giá này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế.

Theo quan sát của GS. Đặng Hùng Võ, nhiều người đổ xô vào đầu tư BĐS bởi tỷ suất lợi nhuận vô cùng hấp dẫn, cao hơn rất nhiều so với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, vốn chỉ đạt khoảng 10%.

Từ năm 2009 đến nay, cứ 10 năm giá BĐS lại tăng gấp đôi. Ảnh minh họa

Từ năm 2009 đến nay, cứ 10 năm giá BĐS lại tăng gấp đôi. Ảnh minh họa

Ông chỉ ra rằng, trong giai đoạn 1990 - 1992, giá BĐS tăng gấp 10 lần; giai đoạn 2000 - 2002 cũng chứng kiến mức tăng tương tự.

Đến năm 2007 - 2008, giá BĐS tăng 3 lần. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, giá BĐS cứ 10 năm lại tăng gấp đôi.

>> Bộ Xây dựng chỉ ra 5 điểm mấu chốt khiến giá nhà, đất 'tăng phi mã'

Trong suốt quá trình này, thị trường BĐS hầu như không có hiện tượng giảm giá, thậm chí chỉ đứng giá một thời gian.

Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ cảnh báo về những chiêu trò thao túng thị trường để trục lợi.

gs-dang-hung-vo.jpg
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Internet

Ông nhắc đến việc trả giá cao trong các phiên đấu giá đất như một trong những phương thức phổ biến để đẩy giá BĐS lên mức không thực tế. Ngoài ra, nguồn cung quá thấp so với nhu cầu có khả năng chi trả cũng là một nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng vọt.

Vị giáo sư này cũng so sánh tỷ lệ giữa giá nhà ở trung bình và thu nhập trung bình hàng năm tại các quốc gia khác. Ở các nước phát triển Âu - Mỹ, tỷ lệ này dao động từ 2 - 4 lần; ở các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ này vào khoảng 10 lần.

Trong khi đó, tại Việt Nam, con số này đã lên tới 25 lần từ 10 năm trước, thậm chí tăng lên 30 lần trong vài năm gần đây.

Ông Võ nhấn mạnh với mức tiết kiệm 1/4 thu nhập hàng tháng, người dân phải mất 100 đến 120 năm mới có thể mua được nhà.

Chuyên gia đề xuất cần có chính sách về thuế bất động sản phù hợp để kìm hãm đà tăng của giá nhà. Ảnh: Internet

Chuyên gia đề xuất cần có chính sách về thuế bất động sản phù hợp để kìm hãm đà tăng của giá nhà. Ảnh: Internet

"Thị trường BĐS hiện nay không phục vụ cho đại đa số người dân, mà chủ yếu là dành cho các nhà đầu tư. Nếu tình trạng này kéo dài, giá trị thật sẽ bị mất đi và chỉ còn lại các giao dịch mua bán giá ảo giữa những nhà đầu tư BĐS", GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Về vấn đề nhà ở xã hội, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng đây chỉ là giải pháp dành cho những người có thu nhập thấp, không phải cho toàn thị trường BĐS.

Tuy nhiên, số lượng nhà ở xã hội vẫn rất hạn chế, trong khi nguồn cung nhà ở hiện tại chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà thương mại, có giá cao hơn nhiều.

Từ kinh nghiệm quản lý thị trường BĐS quốc tế, GS. Đặng Hùng Võ đề xuất cần có chính sách thuế BĐS phù hợp.

Ông cho rằng nên đánh thuế cao với những trường hợp sử dụng nhà đất có diện tích vượt quá mức cần thiết, nhằm hạn chế đầu cơ và giảm áp lực lên giá nhà đất.

Nếu không có những cải cách quyết đoán trong chính sách thuế, giá nhà sẽ còn tiếp tục leo thang, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân.

>> Định giá đất: Doanh nghiệp gặp khó, đơn vị có quyền hạn cũng loay hoay

Tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp lên TP trực thuộc Trung ương sẽ có thêm 8 dự án tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD

Đánh thuế căn nhà thứ 2: Cần xem xét kỹ lưỡng và cẩn trọng tránh gây khủng hoảng thị trường

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bds-cu-10-nam-lai-tang-gia-gap-doi-tu-nam-2009-den-nay-nhung-la-su-tang-ao-d134016.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ năm 2009, BĐS cứ 10 năm lại tăng giá gấp đôi nhưng là sự tăng 'ảo'
    POWERED BY ONECMS & INTECH