Từng được định giá 13.800 tỷ đồng, hệ sinh thái Tiki giờ có những gì?
Tiki đứng trước nguy cơ 'biến mất' khi việc cạnh tranh để phân chia miếng bánh thị phần thương mại điện tử Việt Nam đang trở nên gay gắt.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều ông lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, cùng sự nổi lên mạnh mẽ của TikTok Shop. Gần đây, sự xuất hiện của Temu, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới từ Trung Quốc, với chiến lược giá rẻ và tiếp thị mạnh mẽ, đã thu hút sự chú ý.
Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 10/2024, trả lời câu hỏi về sàn TMĐT Temu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngày 4/9/2024, Công ty Elementary Innovation Pte.Ltd – chủ sở hữu và vận hành Temu tại Việt Nam – đã đăng ký thuế cho nhà cung cấp nước ngoài và được cấp mã số thuế. Tuy nhiên, tờ khai thuế quý III/2024 của Temu vẫn ghi doanh thu bằng 0, giải trình rằng doanh thu sẽ được kê khai vào quý IV/2024.
Sự gia nhập của Temu tạo ra sự cạnh tranh mới cho các sàn TMĐT hiện có, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng thêm lựa chọn với mức giá 'siêu rẻ'. Tuy nhiên, dù xuất hiện với ấn tượng mạnh mẽ, Temu vẫn gặp phải không ít khó khăn trong việc tiếp cận người dùng, đặc biệt là vấn đề thanh toán.
Mới đây, xuất hiện những đồn đoán rằng Temu sẽ mua lại một sàn TMĐT đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là "đường tắt" mà nhiều thương hiệu chọn để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và phân chia miếng bánh tiềm năng này. Đâu là cái tên Temu nhắm tới? Hiện chưa có bất cứ thông tin xác thực nào. Song, nhìn cục diện trên sàn TMĐT có thể thấy, Tiki đang ở thời kỳ đi xuống.
Ảnh sàn thương mại điện tử Temu |
>> Shopee và TikTok Shop nắm hơn 93% thị phần thương mại điện tử Việt Nam
Tiki được định giá 13.800 tỷ đồng
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các ông lớn. Theo báo cáo của YouNet ECI, người dùng đã chi tiêu khoảng 87.370 tỷ đồng trong quý II/2024 trên các sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.
Số liệu cho thấy thị phần của Tiki đã giảm sâu, còn 0,7% so với 1,3% trong quý I/2024, trong khi Shopee chiếm ưu thế với 71,4%. Giá trị tiêu dùng trên Tiki cũng giảm mạnh đến 41,4% so với quý trước. Thị phần của Tiki đã giảm mạnh những năm trở lại đây: Trước đó, năm 2018 tỷ lệ này là khoảng 15%, và giảm còn 8% vào năm 2020 trước khi xuống dưới 1% vào cuối quý II/2024 vừa qua.
Số lượng nhà bán hàng tại Tiki cũng kém xa các đối thủ: Shopee có 261.000 nhà bán, TikTok Shop có 113.000 nhà bán, Lazada có 104.000 nhà bán, còn Tiki chỉ có 8.800 nhà bán, giảm 19,1% so với quý trước.
Thị phần thương mại điện tử lớn tại Việt Nam |
>> Thị trường TMĐT: Tiktok Shop tăng trưởng 150%, Lazada, Tiki, Sendo đồng loạt lao dốc
Tiki, được thành lập vào tháng 1/2010 bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn, đã trải qua một chặng đường dài với sự thay đổi trong cơ cấu sở hữu. Ban đầu, Tiki hoạt động như một trang web bán hàng thương mại điện tử, với các mặt hàng đa dạng như thời trang, sách và hàng tiêu dùng, vốn điều lệ ban đầu gần 98 tỷ đồng.
Tiki nhận được đầu tư từ nhiều quỹ nước ngoài, giúp mở rộng quy mô và nâng cao sức cạnh tranh. Từ sự xuất hiện đầu tiên của nhà đầu tư Sumitomo Corporation (Nhật Bản), những năm sau đó, danh sách quỹ ngoại đầu tư vào Tiki ngày càng mở rộng, trong đó có cả nhà đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Cayman Island, Mỹ.
Một trong những sự kiện đáng chú ý là vào tháng 3/2021, thông tin một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại Tiki nổ ra. Trong khi những đồn đoán nổi lên, thì Tiki bất ngờ phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng, với lãi suất cố định 13%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và có tài sản đảm bảo là 2.156.465 cổ phần, tương ứng 9,3% vốn điều lệ của Tiki.
Trong báo cáo thẩm định giá được công bố, giá trị cổ phần của Tiki được xác định là 665.245 đồng, tương đương với định giá của Tiki khoảng 13.800 tỷ đồng.
Sau phát hành trái phiếu, thương vụ thâu tóm Tiki cũng đã có kết quả. Tiki tiến hành tăng vốn từ gần 230 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng vào tháng 7/2021, trong đó phần vốn tăng thêm chủ yếu từ phần góp thêm của Tiki Global Pte. Ltd – chủ sở hữu mới từ Singapore – chiếm tỷ lệ 90,54%. Tiki Global lúc đó mới đăng ký hoạt động tại Việt Nam, như công ty chủ quản của Temu bây giờ.
Ảnh minh họa sàn TMĐT Tiki |
Hệ sinh thái Tiki hiện có những gì?
Dù giảm thị phần, nhưng Tiki vẫn giữ được tiềm năng đáng kể khi sở hữu hệ sinh thái TMĐT khép kín. Tiki hiện có nhiều mảng kinh doanh hỗ trợ lẫn nhau, không chỉ là một sàn thương mại điện tử đơn thuần. Hệ sinh thái này bao gồm:
- Công ty TNHH Ti Ki: Đảm nhận việc thiết lập sàn TMĐT.
- Công ty TNHH TikiNow Smart Logistics: Cung cấp dịch vụ logistics đầu cuối, bao gồm kho bãi và vận tải hàng hóa.
- Công ty TNHH MTV Thương mại Ti Ki: Chuyên bán hàng hóa và dịch vụ trên sàn TMĐT.
Ảnh một số mảng hoạt động của hệ sinh thái Tiki |
Mỗi doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tiki đều có vốn điều lệ hàng trăm, và hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể:
Trong mảng logistics, TikiNow Smart Logistics được thành lập vào tháng 7/2019 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Tháng 4/2023 công ty tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên gần 1.575 tỷ đồng vào tháng 4/2023 và tiếp tục tăng lên gần 1.944 tỷ đồng vào tháng 8/2024. Mới đây nhất, vào ngày 18/11/2024, công ty này đã cập nhật thông tin về việc tăng vốn lên gần 1.966 tỷ đồng. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Đầu tư Ti Ki Logistics.
Công ty mẹ của TikiNow, Công ty TNHH Đầu tư Ti Ki Logistics, cũng được thành lập vào tháng 7/2019, và đã trải qua quá trình tăng vốn tương tự. Từ mức 20 tỷ đồng ban đầu, mới đây nhất, tháng 11/2024 công ty cập nhật thông tin vốn điều lệ đạt 1.966 tỷ đồng. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Ti Ki Logistics.
Công ty TNHH Tư vấn và quản lý Ti Ki Logistics thành lập cùng thời gian với nhóm logistics của Tiki, vào tháng 7/2019, với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Công ty có lộ trình tăng vốn giống với các công ty trên, từ mức 20 tỷ đồng ban đầu, hiện cập nhật mới nhất (tháng 11/2024) đã đạt 1.966 tỷ đồng. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Ti Ki Logistics Group.
Công ty TNHH Ti Ki Logistics Group cũng đã nhiều lần tăng vốn điều lệ, từ 20 tỷ đồng lên mức 1.966 tỷ đồng. Chủ sở hữu là CTCP Ti Ki.
Ảnh minh họa TikiNOW |
Ở mảng bán hàng hóa, Công ty TNTT MTV Thương mại Ti Ki thành lập tháng 7/2013 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 200 triệu đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, tháng 8/2018, vốn điều lệ đạt 250 tỷ đồng, chủ doanh nghiệp là CTCP Đầu tư Ti Ki.
CTCP Đầu tư Ti Ki (Công ty TNHH Đầu tư Ti Ki) thành lập tháng 12/2018 với vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ đồng, do CTCP Ti Ki làm chủ doanh nghiệp, sau đó đổi tên chủ doanh nghiệp thành 1 công ty khác trong hệ thống là Công ty TNHH Tư vấn và quản lý Ti Ki. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ công ty đạt 302,5 tỷ đồng.
So với loạt doanh nghiệp thương mại điện tử khác, Tiki hiện đang có lợi thế khi sở hữu một hệ sinh thái rộng lớn, khép kín và có tiềm năng trong tương lai. Với sự gia tăng vốn khủng, kết hợp sức mạnh từ các đơn vị thành viên, Tiki vẫn là một đối thủ mạnh trong thị trường TMĐT Việt Nam, dù thị phần của họ đang giảm dần.
Đặc biệt, Tiki cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, những người nhìn nhận đây là một cơ hội lớn để gia nhập thị trường TMĐT Việt Nam, một thị trường đang phát triển mạnh mẽ và đầy tiềm năng.
>> Doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể chạm mốc 49,9 tỷ USD vào năm 2028