Nổi tiếng toàn cầu với những chiếc điện thoại siêu sang giá cả trăm nghìn USD thế nhưng điều gì đã khiến Vertu “tắc tử”?
Khởi đầu nhờ “ông lớn” chống lưng
Khoảng những năm 1995, nhu cầu về điện thoại sang trọng trên thị trường trở nên rõ ràng hơn. Nhiều “ông lớn” công nghệ đã bắt đầu để ý tới thị trường ngách này nhưng chưa ai thành công. Năm 1998, sau khi dẫn đầu thị trường toàn cầu về điện thoại di động, Nokia bắt tay với Frank Nuovo, thành lập Vertu, đánh vào phân khúc siêu sang trọng. Cái tên này bắt nguồn từ tiếng Latinh “virtus”, có nghĩa là “xuất sắc”.
Giống như ngành kinh doanh đồng hồ xa xỉ, Vertu tập trung vào chất lượng hơn số lượng, và tạo ra những chiếc điện thoại di động có vẻ ngoài khác biệt, táo bạo với chất liệu cao cấp hy vọng sẽ thu hút giới siêu giàu.
Ban quản lý phải vạch ra tất cả các chi tiết của mô hình tương lai, lựa chọn nhân viên và nhà cung cấp trong bầu không khí bí mật tuyệt đối, che giấu các kế hoạch hiện có khỏi công chúng và các đối thủ cạnh tranh.
Nuovo xác định những đặc điểm chính Vertu là đắt tiền, vật liệu cao cấp, đá quý và thủ công. Một trong những đổi mới là việc sử dụng kính sapphire.
Trụ sở đầu tiên của công ty đã không xuất hiện cho tới tận năm 2000 tại London. Vào thời điểm đó, chưa có bất cứ thông tin gì về nguyên mẫu của chiếc điện thoại Vertu. Sự chú ý chỉ đổ dồn vào hệ thống âm thanh khiến Vertu khác biệt hoàn toàn so với những dòng điện thoại khác. Một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu này là giai điệu của Sandpiper, được viết bởi nhà soạn nhạc người Ý Dario Marianelli. Vertu đã có những giai điệu được ghi lại bởi Dàn nhạc Giao hưởng London, Ennio Morricone và các nhà soạn nhạc nổi tiếng khác.
Quá trình lắp ráp thủ công tại Vertu quá khó đối với nhiều nhân viên thiếu trình độ. Ban lãnh đạo công ty thậm chí đã phải thành lập một trường đào tạo đặc biệt, The Vertu Training School, kéo dài một năm.
Vertu Signature |
Chiếc Vertu đầu tiên có tên là Vertu Signature được ra mắt công chúng vào ngày 21/1/2002 tại Musée des Arts Décoratifs ở Paris, Pháp. Chiếc điện thoại này có vỏ bằng bạch kim và tinh thể sapphire, giá của nó cao ngất ngưởng, lên tới 24.000 Euro.
Hãng cũng tích hợp cho Vertu dịch vụ trợ giúp 24/7, bất kể thời gian, địa điểm, người dùng đều có thể yêu cầu trợ giúp nhiều dịch vụ: đặt vé, đặt bàn ở nhà hàng, truy vấn thông tin…
Kể từ đó, Vertu chỉ đi theo một hướng duy nhất là tập trung phát triển những chiếc điện thoại làm từ đủ thứ vật liệu sang trọng: da cá sấu, đính đá quý, dát vàng…
Sự phát triển và thống trị
Trong khi công ty đang tinh chỉnh hoạt động phân phối, sản xuất và dịch vụ, Nuovo và Lichfield đã nghĩ đến việc tạo ra một mẫu mới, sản xuất hàng loạt. Nó đã đi vào lịch sử với cái tên Vertu Ascent. Mẫu Vertu này có giá cả phải chăng hơn, cho phép công ty tăng doanh số bán hàng và tạo ra bước nhảy vọt từ một thương hiệu thử nghiệm thành thương hiệu hoạt động mạnh.
Vertu Ascent |
Vertu ra mắt chiếc Ascent vào năm 2004 với giá bán 4.500 Euro. Màn ra mắt hoành tráng thu hút sự chú ý của truyền thông. Mẫu điện thoại ngay lập tức trở nên đắt hàng. Ascent trở thành chiếc điện thoại thuyết phục được công chúng và ban lãnh đạo cấp cao của Nokia rằng Vertu có thể tồn tại. Mẫu máy này bán chạy tới mức Vertu ngay lập tức tung thêm các màu mới.
Vào năm 2006, công ty đã cho ra mắt phiên bản giới hạn Ascent Racetrack Legends, được đặt tên theo các đường đua nổi tiếng trên thế giới. Tên của nó được khắc bằng lazer trên bảng điều khiển phía sau với hình ảnh đường đua bên cạnh.
Cùng năm, hãng tiếp tục tung ra thị trường dòng điện thoại có bàn phím gốm Vertu Constellation. Giá bán của nó dao động 3.700 – 4.000 Euro.
Những năm sau đó, Vertu hợp tác với nhiều nhà thiết kế hoặc thương hiệu nổi tiếng, cho ra mắt những dòng điện thoại phiên bản giới hạn và nhận được tiếng vang lớn. Nhắc tới Vertu là nhắc tới sự xa hoa, sang chảnh.
Tuy không có những con số thống kê cụ thể về doanh số bán ra của dòng điện thoại này, nhưng theo một công ty viễn thông tại Anh thì đã có khoảng 200.000 chiếc Vertu được bán ra thị trường. Ông Alberto Torres, người đứng đầu của Vertu cho biết, trong năm 2007, doanh số của Vertu đạt mức tăng trưởng tới 120%, có thời gian lên tới 140%.
Chiếc Vertu đắt nhất thế giới trị giá 310.000 USD |
Sang trọng không phải là tất cả, sự xa hoa không gánh nổi chậm chạp
Tuy nhiên, giấc mơ về một chiếc điện thoại sang trọng có lẽ đã kết thúc sớm không như mong muốn. Năm 2012, công ty mẹ Nokia ngập trong khó khăn, Vertu bị bán cho một quỹ đầu tư Bắc Âu. Năm 2015, quỹ này đem Vertu bán lại cho một công ty có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc). Năm 2017, Vertu về tay một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ rồi… phá sản, nhà máy tại Anh bị đóng cửa. Tổng cộng, trong vòng nửa thập kỷ, Vertu đã bị sang tay tới 3 lần.
Khi được hỏi vì đâu điện thoại Vertu rơi vào tình cảnh này, có người cho rằng, chính sự trỗi dậy của dòng điện thoại iPhone đã khiến công ty mẹ Nokia và Vertu rơi vào tình cảnh khốn cùng.
Vào năm 2007, iPhone ra mắt. Apple tạo ra một cú sốc lớn tới mức người tiêu dùng trên toàn cầu phải nhìn lại vị trí của chiếc điện thoại trong cuộc sống của họ. Gọi điện không còn là tính năng quan trọng nhất với người dùng điện thoại nữa – Internet, camera, video, nhạc số… được đặt lên trên.
Ít nhất, Nokia còn có thể chống đỡ được vận hạn này qua Symbian, qua Windows Phone và thậm chí là cả Android. Nhưng Vertu thì không. Phải đến 2013, Vertu mới có chiếc "modern smartphone" đầu tiên chạy Android ở mức giá 9.600 USD. Nhưng lúc này, công chúng đã có đánh giá khác và không còn đón nhận Vertu như xưa nữa. Vertu mang đến một trải nghiệm hạng hai ở mức giá có thể mua được cả chục chiếc smartphone hạng nhất. Sức hấp dẫn của da cá sấu, màn hình sapphire hay vỏ titan gần như không còn ý nghĩa.
Bộ đôi Vertu Constellation Quest & Touch |
iPhone ra đời, Samsung bùng nổ, Vertu bị đẩy vào thế khó khi chính hãng này cũng phải thừa nhận sẽ không bao giờ "bắt kịp với các công nghệ đi đầu". Sự tồn tại của Vertu có một lỗ hổng lớn: các khách hàng thuộc giới “không có gì ngoài tiền” vẫn phải chấp nhận trải nghiệm hạng ba, hạng tư về công nghệ.
Một sự thật khác mà ai cũng thấy đó là người giàu đã dần thay đổi thói quen sử dụng di động của mình. Hay nói cách khác là những người giàu đam mê điện thoại giờ đã khác: thay vì chỉ mua thiết bị sang chảnh, đắt tiền từ một thương hiệu như Vertu mắc kẹt trong lối thiết kế cao cấp quá "cứng", họ sẽ mua một chiếc điện thoại thông thường như iPhone nhưng được chế tác đính thêm vàng, kim cương, ngọc bích.
Vào năm 2014, EQT Partners đã cố gắng khôi phục tình hình: họ đã tái cơ cấu, sa thải và thay đổi ban lãnh đạo cấp cao. Nhưng những biện pháp như vậy đã không mang lại bất kỳ kết quả rõ ràng nào. Các mô hình mới đã được kêu gọi để đưa công ty trở lại trạng thái cũ.
Cùng năm, công ty đã cho ra mắt Vertu Signature Touch. Nó được cho là kết hợp chức năng, thiết kế sang trọng và phong cách cũng như độ tin cậy. Tuy nhiên, ấn phẩm Wired cũng tìm thấy những thiếu sót trong đó: tấm ốp lưng rất nóng, pin nhanh hết nhưng không thể thay thế do đặc thù thiết kế của điện thoại.
Vào cuối năm 2014, khoản lỗ của công ty lên tới 65 triệu USD. Những năm sau đó, mặc dù liên tiếp ra mắt những dòng điện thoại mới nhưng không được đón nhận, hãng chìm trong nợ nần và bị mua đi bán lại nhiều lần.
Tới năm 2017, hãng sản xuất điện thoại hạng sang Anh quốc ngừng sản xuất, đóng cửa cửa hàng, thanh lý tài sản. 200 nhân viên của Vertu mất việc làm.
Việc Vertu ngừng hoạt động đã chấm dứt thời hoàng kim của những điện thoại đẳng cấp nhất hành tinh, để lại trong lòng người hâm mộ nhiều tiếc nuối.