Tuyến đường sắt răng cưa dài nhất thế giới của Việt Nam nằm ở thành phố ngàn hoa đẹp nhất nhì cả nước, vượt xa cả công trình của Thuỵ Sĩ
Được biết, trên thế giới chỉ có thêm 1 tuyến tương tự ở Thụy Sĩ nhưng ngắn hơn và cũng đã dừng hoạt động.
Đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1912, hoàn thành sau 24 năm, là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất ở châu Á và dài nhất thế giới. Ngoài tuyến Phan Rang - Đà Lạt, trên thế giới chỉ có thêm 1 tuyến tương tự ở Thụy Sĩ nhưng ngắn hơn và cũng đã dừng hoạt động.
Hình ảnh đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt còn sót lại.
Tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang đi Đà Lạt được đánh giá có quy mô lớn hơn về chiều dài, độ dốc khi leo núi đều vượt trội hơn so với đường sắt tại Thụy Sĩ. Nếu như đường sắt leo núi Phan Rang - Đà Lạt có chiều dài lên tới 84km với 43km là đường răng cưa thì tuyến đường sắt tại Thụy Sĩ chỉ có chiều dài khoảng 25km.
Đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt từng được mệnh danh là cung đường tàu sắt chạy bằng đầu máy hơi nước độc đáo nhất trên thế giới. Tuyến đường sắt đi qua những cung đường núi non hùng vĩ đưa người tham quan từ Phan Rang lên thăm Đà Lạt hay xuống du lịch Ninh Thuận. Ngoài ra, đây còn là tuyến đường chứa đựng một phần lịch sử với nhiều giá trị về văn hóa, tinh thần của Việt Nam.
Thiết kế đường ray răng cưa ở giữa hai ray tàu để tránh trơn trượt.
Tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt được xây dựng để đưa hàng hóa, hành khách từ Ninh Thuận đi Đà Lạt ngày trước. Ngày đó, sau khi tham quan Ninh Thuận, khám phá bia ký tự cổ Chăm Pa, tắm biển nhiều người lựa chọn lên Đà Lạt để tiếp tục chuyến nghỉ dưỡng, đặc biệt là người nước ngoài.
Tuy nhiên trải qua nhiều năm chiến tranh, đường tàu bị hư hỏng cũng như ảnh hưởng nhiều đến việc hoạt động dẫn đến phải dừng hoạt động. Đến sau năm 1975, ngành Đường sắt Việt Nam quyết định dỡ bỏ. Hiện nay, tuyến đường chỉ còn hoạt động khoảng 7km để đưa bạn đi từ Đà Lạt đến Trại Mát.
Mặc dù tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt đã bị dỡ bỏ nhưng vẫn có những dấu tích còn sót lại là minh chứng cho sự tồn tại của nó. Du khách có thể thuê xe máy ở Phan Rang để lần theo các di tích tìm hiểu về tuyến đường sắt đã từng là niềm tự hào của người dân trong khu vực.
Hai cây cầu Tân Mỹ và cầu Sông Pha
Di tích đầu tiên còn sót lại của tuyến đường sắt răng cưa chính là hai cây cầu Tân Mỹ và cầu Sông Pha. Cầu Tân Mỹ được xây dựng song song với Quốc lộ 27 có chiều dài khoảng 300m, 10 nhịp cầu. Cây cầu được làm để phục vụ đoàn tàu vượt sông với kiểu kiến trúc Pháp.
Cầu Tân Mỹ bị bỏ hoang chỉ còn thân cầu được các loại cây leo che phủ.
Sau khi đường sắt được dỡ bỏ, cây cầu cũng bị bỏ quên, hai bên cầu phủ rêu phong cùng các loại cây cối mọc tùm lum chắn lối đi. Những trụ cầu còn lại nằm rải rác song song với tuyến đường từ Phan Rang đi Đà Lạt. Bạn chắc chắn sẽ có trải nghiệm du lịch khám phá khi thăm cầu Tân Mỹ cũng như lần theo dấu vết của tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt.
Những trụ cầu của đường tàu vẫn còn rải rác.
Cầu Sông Pha có phần may mắn hơn khi vẫn được dùng làm cầu dân sinh cho đến ngày nay. Cây cầu Sông Pha được thiết kế chắc chắn với tuổi thọ cao cùng với vị trí thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Khi đường sắt răng cưa Phan Rang- Đà Lạt xuống đèo sẽ cần đi qua hầm chui số 2 với độ dốc cao và hiểm trở. Ngày nay, đường hầm cũng đã bị bỏ hoang và trở thành đường mòn cho người dân địa phương đi lại.
Nhà ga Sông Pha
Khi đi qua đèo Sông Pha, bạn sẽ thấy nhà ga Sông Pha (ga Krongpha) cũng đã bị bỏ hoang đến hiện nay. Đây là một trong những nhà ga nổi tiếng của tuyến đường sắt, cũng nơi đây được gắn bánh răng cưa giúp tàu leo đèo hiệu quả. Trải qua nhiều năm bị bỏ hoang, ga Sông Pha chỉ còn lại bộ khung trơ trọi cùng cây cối và mái nhà thì bị dột.
Ga Eo Gió
Tiếp tục chuyến hành trình khám phá đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt chính là ga Eo Gió. Xưa kia, ga Eo Gió được biết đến rất sầm uất, thu hút được nhiều tiểu thương đến buôn bán. Từ khi bị bỏ hoang, ga Eo Gió cũng đã bị hư hỏng nhiều. Nhà ga giờ đây còn là nơi sinh sống của những người vô gia cư.
Căn hầm xuyên núi
Tiếp theo chính là căn hầm xuyên núi của đoàn tàu cũng đã bị lãng quên nhiều năm. Sau khi đi qua đường hầm, bạn sẽ được chiêm ngưỡng thung lũng sâu thăm thẳm với những rừng cây xanh ngát tạo cảm giác thư thái để tiếp tục hành trình khám phá của mình.
Bên cạnh những dấu vết còn sót lại khu vực Ninh Thuận, bạn cũng có thể tìm hiểu những di tích của tuyến đường sắt như ga Trạm Hành, đường sắt leo núi đèo Dran, nhà ga Cầu Đất… Trong đó, ga Trạm Hành từng rất nổi tiếng với kiến trúc độc đáo theo lối kiến trúc Pháp. Đặc biệt, nhà ga vẫn còn được giữ lại nhiều chi tiết, xung quanh cũng có hơn 20 biệt thự cổ bị bỏ hoang.
Sau tất cả, tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt dù chỉ còn những tàn tích nhưng nó sẽ mãi trở thành một phần của lịch sử.
3 tuyến đường sắt nào vừa được Việt Nam – Trung Quốc thỏa thuận hợp tác xây dựng?
Năm 2025, tuyến đường nghìn tỷ đi qua khu vực BĐS sôi động bậc nhất Long An sẽ hoàn thành