[LIVE] EU tung đòn trả đũa đầu tiên, Mỹ cân nhắc bơm hàng chục tỷ USD hỗ trợ nông dân
So với mức cơ bản 10% được áp dụng vào cuối tuần trước, đợt thuế này có mức cao hơn đáng kể, dao động từ 11% đến 84% đối với hàng hóa từ 86 quốc gia.
Thu tiền thuế nhập khẩu "khổng lồ"
Theo dữ liệu từ công ty phân tích thương mại toàn cầu ImportGenius, khi các mức thuế mới của Tổng thống Donald Trump được thực thi đầy đủ, hàng từ Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1,24 tỷ USD tiền thuế mỗi ngày còn hàng từ EU thì mang lại 12,2 triệu USD/ngày.
Hai khu vực này sẽ mang lại cho ngân sách Mỹ lượng thu thuế khổng lồ, phản ánh tác động sâu rộng của chính sách thuế mới đối với thương mại quốc tế.
Hàng nhập khẩu "đang trên biển" được miễn thuế trả đũa
Một “điều khoản trên mặt nước” (water clause) vừa được công bố cho phép các lô hàng đang trong quá trình vận chuyển tới Mỹ – hoặc đã cập cảng hôm nay – được miễn trừ khỏi các mức thuế trả đũa mới vừa chính thức có hiệu lực vào ngày 5 và 6 tháng 4.
Cụ thể, các lô hàng đang trên đường đến Mỹ sẽ chỉ phải chịu mức thuế cơ bản 10% như Tổng thống Trump đã tuyên bố áp dụng trên hơn 180 quốc gia vào tuần trước, thay vì các mức thuế trả đũa cao hơn – vốn được áp dụng gần đây với nhiều quốc gia khác nhau.
Cụ thể, các lô hàng “được xếp lên tàu tại cảng bốc hàng và đang trong hành trình vận chuyển cuối cùng từ 12:01 sáng ngày 5/4/2025 đến trước 12:01 sáng ngày 9/4/2025 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) và được làm thủ tục tiêu dùng hoặc rút khỏi kho để tiêu dùng trước 12:01 sáng ngày 27/5/2025 sẽ chỉ chịu mức thuế bổ sung 10% thay vì mức thuế theo từng quốc gia”, hướng dẫn nêu rõ.
Mốc thời gian 27/5 được đưa ra nhằm đảm bảo các tàu chở hàng đường biển có đủ thời gian để cập cảng Bắc Mỹ sau khi rời bến.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ kỳ vọng đạt thỏa thuận thuế quan với các đồng minh
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent bày tỏ lạc quan rằng Washington có thể đạt được các thỏa thuận thuế quan với các đối tác đồng minh trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA) tổ chức tại Washington, ông Bessent xác nhận mình sẽ đảm nhận vai trò là Trưởng đoàn đàm phán trong các cuộc thương lượng sắp tới với hơn 70 quốc gia, nhằm thúc đẩy chính sách thuế quan do Tổng thống Donald Trump đề xuất.
“Tôi tin rằng chúng tôi sẽ tìm được tiếng nói chung với các đồng minh – cả những đối tác chiến lược lâu năm nhưng chưa hẳn là đồng minh kinh tế hoàn hảo. Khi đó, chúng ta có thể đối thoại với Trung Quốc như một khối thống nhất”, ông nói.
Bộ trưởng Bessent cho biết hiện đã có nhiều quốc gia thể hiện thiện chí đàm phán với Mỹ để tìm cách giảm bớt căng thẳng thương mại. Tổng thống Trump đã có các cuộc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mỹ cân nhắc biện pháp hỗ trợ người nông dân
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Brooke Rollins cho biết chính quyền Trump đang xem xét kế hoạch hỗ trợ người nông dân Mỹ giữa những lo ngại rằng thương chiến sẽ gây ra thảm họa đối với các nhà sản xuất nông nghiệp nước này.
Trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh ở nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã phê duyệt gói tín dụng 28 tỷ USD giải cứu nông dân Mỹ, trong đó thành lập các quỹ do Chính phủ vận hành và sở hữu để trợ giá nông sản, đảm bảo thu nhập của người nông dân. Ông Rollins cho biết giờ đây Mỹ có thể thực hiện các biện pháp tương tự.
Ngoài ra Nhà Trắng cũng đang xem xét gói tín dụng thuế hỗ trợ các nhà xuất khẩu.
EU tung đòn trả đũa đầu tiên
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo từ ngày 15/4 sẽ bắt đầu thu thuế nhập khẩu 25% với hàng loạt sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Chính sách này nhằm đáp trả thuế nhôm, thép Mỹ áp dụng từ 12/3.
Theo phát biểu của ông Maros Sefcovic - Ủy viên thương mại và an ninh kinh tế EU - hôm 7/4, thuế đáp trả giai đoạn 1 sẽ áp với hàng loạt sản phẩm như lúa mì, lúa mạch, gạo, xe máy, gia cầm, hoa quả,... có tổng giá trị 21 tỷ euro (23 tỷ USD), theo số liệu năm ngoái.
Châu Âu cũng đang nghiên cứu cách đáp trả với thuế xe hơi và các loại thuế khác mà Mỹ đang áp lên khu vực này.
Mỹ - Trung bước vào chiến tranh thương mại toàn diện, thị trường toàn cầu chao đảo
Sau động thái trả đũa của Trung Quốc, chứng khoán châu Âu giảm mạnh 4% trong khi Dow Jones tương lai sụt 600 điểm. Đồng USD cũng giảm mạnh.
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 4 năm, lần đầu tiên xuống dưới 60 USD/thùng kể từ năm 2021. Cổ phiếu BP và Shell giảm hơn 5%. Giá các loại hàng hóa khác như khí đốt, đồng cũng lao dốc vì lo ngại lực cầu sụt giảm.

Trái phiếu kho bạc Mỹ biến động rất mạnh. Vốn được coi là tài sản an toàn nhất thế giới, giờ đây trái phiếu Mỹ cũng bị bán tháo ồ ạt.
NHTW Anh cảnh báo một loạt các quỹ đầu cơ đang đối mặt với lệnh margin call.
Trung Quốc áp thuế 84% lên hàng Mỹ
Thông báo từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, mức thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/4, tăng mạnh từ mức 34% hiện tại. Nước này tuyên bố sẽ thực hiện "những biện pháp kiên quyết và hiệu quả" để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Động thái này diễn ra chỉ sau vài tiếng khi Mỹ chính thức áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc, nâng tổng thuế suất lên 104%.
Bộ trưởng Tài chính Bessent cảnh báo Bắc Kinh một lần nữa đang cố gắng "phá giá tiền tệ" và điều đó đồng nghĩa "cả thế giới bị đánh thuế", kéo theo tất cả các quốc gia khác sẽ tăng thuế áp lên hàng Trung Quốc. Bình luận này được đưa ra sau khi đồng nhân dân tệ giao dịch ở thị trường nước ngoài rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, trên thực tế hôm nay Bắc Kinh đã có một số hành động để ngăn đà giảm của đồng nội tệ.
CEO Delta Airlines: Thuế quan của ông Trump khiến lượng đặt vé giảm
Delta Airlines – hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất nước Mỹ – cho biết sẽ không mở rộng số chuyến bay trong nửa cuối năm nay do lượng khách đặt vé sụt giảm. Nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ những bất ổn do chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump. CEO Ed Bastian gọi đây là “một cách tiếp cận sai lầm”.

Delta dự báo doanh thu quý II có thể tăng hoặc giảm tối đa 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu trong khoảng 1,70–2,30 USD, cũng thấp hơn mức ước tính 2,23 USD mà các chuyên gia tài chính đưa ra.
Chỉ một tháng sau khi công bố kế hoạch tài chính đến năm 2025, Delta đã rút lại toàn bộ dự báo, do nhu cầu đi lại – cả du lịch và công vụ – giảm mạnh. Bastian cho biết niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp đã giảm rõ rệt trong 6 tuần qua, đặc biệt từ giữa tháng 2.
Trước đó, hãng từng dự kiến tăng 3–4% công suất bay trong nửa cuối 2025, nhưng giờ sẽ giữ nguyên so với cùng kỳ. Trong khi đó, các chuyến bay quốc tế và hạng vé cao cấp vẫn có kết quả khả quan hơn.
“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn vì chiến tranh thương mại, tăng trưởng gần như đã dừng lại. Chúng tôi buộc phải tập trung bảo vệ lợi nhuận và dòng tiền mặt”, ông Bastian nói.
Giữa cơn rung lắc thị trường, tiền số là điểm sáng hiếm hoi
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, tiền số trở thành điểm sáng nhỏ. Bitcoin và Ether đã phục hồi sau đà giảm đầu phiên và hiện giao dịch gần như đi ngang.
“Nhà đầu tư ngày càng nhận ra giá trị cốt lõi của Bitcoin, đặc biệt là vai trò như một công cụ phòng vệ trong thời kỳ thị trường toàn cầu hỗn loạn”, chuyên gia chiến lược thị trường Joel Kruger của LMAX Group nhận định.

Hàng loạt chuyên gia lên tiếng
Về làn sóng thuế quan từ ông Trump, ông Kimberly Clausing, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) đã mô tả thông báo áp thuế quan của Tổng thống Mỹ là "rất sai lầm và tệ hơn nhiều so với những gì được dự đoán trước đó".
Ông chia sẻ: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta vượt qua được điều này mà không có suy thoái kinh tế hoặc sự đảo ngược chính sách".
Hay chuyên gia kinh tế Croatia Petar Vuskovic nhận định rằng nếu lạm phát là chất xúc tác của suy thoái, thì thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt chính là “mồi lửa” kích hoạt nó.

“Không phải câu hỏi là suy thoái kinh tế có xảy ra hay không – bởi nó đã xảy ra rồi. Chúng ta có thể thấy điều đó qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư đang hoảng loạn, không ai biết điều gì sẽ đến tiếp theo. Đây rõ ràng là sự khởi đầu của một thời kỳ mới – thời kỳ suy thoái”, ông Vuskovic nói.
Theo ông, tình hình hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn thời kỳ đại dịch Covid-19, khi nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cắt giảm nhân sự. “Tất cả các bên liên quan đều đang chịu rủi ro – từ ngân sách quốc gia, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp cho đến người lao động. Đơn giản mà nói, tình hình kinh tế hiện nay là rất xấu”, ông nhấn mạnh.
Mặt khác, ngôi sao bán khống của "The Big Short" Steve Eisman – người đã gắn liền với vụ đặt cược thành công trong khủng hoảng tài chính 2008 lại bày tỏ quan điểm không tin rằng tình hình sẽ biến thành "tận thế thuế quan".

Tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater Associates thì cho là các nhà đầu tư đang quá tập trung vào vấn đề thuế quan, mà bỏ qua những thay đổi sâu rộng và mang tính bước ngoặt đang diễn ra trong trật tự tiền tệ, chính trị và địa chính trị toàn cầu.
Ông cho rằng nếu phớt lờ các chuyển biến trong trật tự tiền tệ, chính trị và địa chính trị toàn cầu, nhà đầu tư có thể sẽ bị bất ngờ bởi những cú sốc kinh tế lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Ông chỉ ra chính sách thuế của ông Trump phản ánh gánh nặng nợ công ngày càng lớn và tình trạng nước Mỹ “nghiện” vay mượn để chi tiêu vượt khả năng, trong khi các quốc gia chủ nợ như Trung Quốc lại phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, tạo nên thế mất cân đối kéo dài.
Dalio cảnh báo rằng áp lực điều chỉnh những bất cân đối này sẽ dẫn đến thay đổi sâu sắc trong trật tự tiền tệ toàn cầu. Ông cũng cho biết nghịch lý trong một thế giới đang phi toàn cầu hóa, nơi các cường quốc ngày càng mất niềm tin vào nhau; đồng thời lo ngại rằng bất bình đẳng về giáo dục, thu nhập, tài sản và cơ hội đang bào mòn nền dân chủ, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo theo xu hướng áp đặt.
Trung Quốc ra Sách trắng về quan hệ kinh tế với Mỹ
Sau khi bị Mỹ áp thuế tổng cộng 104% với hàng hóa, Trung Quốc đã công bố Sách trắng nhấn mạnh hợp tác kinh tế - thương mại sẽ giúp hai bên cùng có lợi.
Ngày 9/4, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách trắng nêu rõ quan điểm của nước này đối với quan hệ kinh tế – thương mại với Mỹ.
Tài liệu gồm 6 chương, mở đầu bằng việc khẳng định bản chất cùng hưởng lợi của thương mại Mỹ – Trung. Bắc Kinh nhấn mạnh không theo đuổi mục tiêu thặng dư thương mại, và cả hai bên đều thu được lợi ích đáng kể từ quan hệ hợp tác hiện có.
Sách trắng cũng nhận định quan hệ kinh tế – thương mại giữa Mỹ và Trung không chỉ mang ý nghĩa chiến lược với mỗi quốc gia, mà còn có vai trò quan trọng đối với ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ này bị gián đoạn do loạt chính sách đơn phương và mang tính bảo hộ từ phía Washington.
Sách trắng mới công bố của Trung Quốc không chỉ nêu lập trường về quan hệ kinh tế Mỹ – Trung, mà còn liệt kê chi tiết các nỗ lực mà Bắc Kinh đã thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Thương mại Giai đoạn 1, ký kết năm 2020.
Theo đó, Trung Quốc khẳng định đã củng cố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cấm ép chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường cho nông sản, thực phẩm và dịch vụ tài chính từ Mỹ, đồng thời duy trì kênh đối thoại giữa hai nước.
Bắc Kinh cho rằng việc nâng thuế lên 104% không chỉ làm xói mòn lòng tin mà còn gây tổn hại nghiêm trọng tới sự phát triển ổn định của quan hệ kinh tế song phương. Trung Quốc khẳng định đã tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện đúng cam kết giảm thuế nhập khẩu.
Trên tinh thần đó, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Mỹ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và hợp tác, trên cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi.
EU công bố danh sách các sản phẩm Mỹ bị áp thuế đáp trả
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố danh sách các sản phẩm của Mỹ sẽ bị áp thuế quan trả đũa, đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Danh sách này dự kiến sẽ được các quốc gia thành viên EU thông qua trong ngày hôm nay, trong đó có hàng loạt mặt hàng nông sản như đậu nành, gạo, hạnh nhân, gia cầm, trái cây, nước cam và thuốc lá, cũng như các sản phẩm công nghiệp như gỗ, mỹ phẩm, quần áo, xe máy, sản phẩm nhựa và thiết bị điện.
Bên cạnh đó, rượu bourbon - biểu tượng của xuất khẩu Mỹ - đã được loại khỏi danh sách. Đây là một nhượng bộ mang tính chiến lược cho các quốc gia sản xuất rượu như Pháp, Italy và Ireland.
Các loại thuế trả đũa này dự kiến sẽ có hiệu lực vào tuần tới, tùy vào sự chấp thuận cuối cùng của các quốc gia thành viên EU.
Trái phiếu Mỹ bị bán tháo mạnh
Đợt bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài đã tăng tốc mạnh mẽ trong những ngày gần đây. Trong phiên 9/4, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng tới 25 điểm cơ bản – mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2023.
Tính từ đầu tuần, lợi suất đã tăng hơn 0,5 điểm phần trăm. Đà bán tháo lan rộng nhanh chóng, kéo theo lợi suất tại các thị trường phát triển như Úc, New Zealand và Nhật Bản tăng mạnh. Hợp đồng tương lai trái phiếu Pháp cũng đồng loạt lao dốc.
“Đây là một cuộc tháo chạy thực sự khỏi trái phiếu Chính phủ”, ông Calvin Yeoh – Giám đốc danh mục tại quỹ phòng hộ Blue Edge Advisors Pte nhận định. Quỹ này hiện cũng đang bán ra hợp đồng tương lai trái phiếu Mỹ kỳ hạn 20–30 năm.
Trung Quốc tuyên bố tiếp tục đáp trả mạnh mẽ sau khi Mỹ chính thức áp thuế 104%
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/4 khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp "kiên quyết và mạnh mẽ" để bảo vệ lợi ích quốc gia, sau khi loạt thuế quan mới của Mỹ chính thức có hiệu lực, nâng tổng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 104%.

Chính quyền Trung Quốc cho rằng việc tăng thuế không giúp Mỹ giải quyết vấn đề thặng dư thương mại, mà ngược lại sẽ gây biến động lớn trên thị trường tài chính, đẩy lạm phát leo thang và làm suy yếu các ngành công nghiệp trong nước.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn thể hiện thiện chí, kêu gọi Mỹ cùng nhau giải quyết trên tinh thần hợp tác, dỡ bỏ các rào cản thương mại đơn phương, đồng thời tái khẳng định sẵn sàng đối thoại và tăng cường hợp tác.
Được biết, theo nguồn tin của Reuter, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp quan trọng ngay hôm nay, ngày 9/4 để thảo luận các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế và ổn định thị trường vốn, trong bối cảnh căng thẳng thương mại hiện tại.
Châu Á tăng tốc mua khí đốt Mỹ

Theo thông tin mới nhất, một số quốc gia châu Á từ Hàn Quốc đến Indonesia đã và đang gấp rút ký kết các thỏa thuận mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, với kỳ vọng thu hẹp thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới và giành được một số nhượng bộ từ chính sách thuế "có đi có lại" của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto hôm 7/4 tuyên bố sẽ “mua thêm” hàng hóa Mỹ, bao gồm cả LNG. Thái Lan cũng đang xem xét tăng cường nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Trump cho biết ông đã thảo luận với quyền Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo về các thương vụ mua LNG Mỹ “quy mô lớn”.
Chưa hết, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang cân nhắc đầu tư vào dự án xuất khẩu LNG trị giá 44 tỷ USD tại Alaska — một dự án đã bị trì hoãn từ lâu nhưng đang nhận được sự hậu thuẫn từ chính quyền ông Trump.
Còn tại Ấn Độ, các nhà nhập khẩu LNG được cho là đang vận động Chính phủ xóa bỏ thuế nhập khẩu 2,5% đối với khí đốt Mỹ. Tuy nhiên, giá cả vẫn là một trở ngại.
Chứng khoán giảm 38 điểm
VN-Index chốt phiên giảm 3,4%, xuống 1.094 điểm. Hôm nay, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM mất hơn 38 điểm, qua đó nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và bị "thổi bay" tổng cộng 223 điểm.
Thị trường có 351 cổ phiếu giảm, trong đó 145 mã kịch sàn. Áp lực bán mạnh nhưng đã có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và chính trong từng ngành. Điển hình như ngân hàng – ngành được xem là trụ đỡ của thị trường – ghi nhận 5 cổ phiếu tăng nhưng cũng đến hàng chục mã mất hơn 3% so với tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 254 tỷ đồng, cắt mạch bán ròng 15 phiên trước đó. Đây có thể xem là tín hiệu tích cực nhất trong phiên.
Chứng khoán châu Âu lao dốc 2,6% khi Mỹ chính thức áp thuế đáp trả
Thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa ngày thứ Tư trong sắc đỏ, khi tâm lý hứng khởi từ phiên trước nhanh chóng tiêu tan sau khi loạt thuế quan mang tính đáp trả của chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực.
Chỉ số Stoxx 600 giảm 2,55% ngay khi mở cửa. Các cổ phiếu ngân hàng, khai khoáng và dầu khí dẫn đầu đà giảm, lần lượt mất 3%, 3,9% và 3,6%.
Tại các thị trường chủ chốt, chỉ số CAC 40 của Pháp sụt 2,6%, DAX của Đức mất 2,1% và FTSE 100 của Anh giảm 2% trong phiên giao dịch sáng sớm.

Phiên giảm mạnh này đảo ngược xu hướng hồi phục tạm thời hôm thứ Ba, khi các chỉ số châu Âu vừa chấm dứt chuỗi bốn phiên giảm liên tiếp. Đà tăng ngắn ngủi trước đó bắt nguồn từ sự phục hồi của thị trường châu Á - Thái Bình Dương, kéo theo phố Wall bật tăng đầu phiên nhưng sau đó cũng nhanh chóng suy yếu.
Giới đầu tư ngày càng lo ngại về tác động lan tỏa từ các biện pháp thuế quan mới của Mỹ và nguy cơ trả đũa từ các đối tác thương mại lớn. Ông Trump cảnh báo sẽ sớm công bố “một mức thuế rất lớn đối với dược phẩm”, đồng thời nâng gấp ba mức thuế hiện hành đối với các kiện hàng giá trị thấp từ Trung Quốc gửi qua hệ thống bưu chính quốc tế.
Một loạt sắc thuế mới chính thức có hiệu lực từ sau nửa đêm theo giờ Mỹ, áp dụng cho hàng nhập khẩu từ hàng chục quốc gia, bao gồm mức thuế lên tới 104% đối với hàng Trung Quốc.
Một số quốc gia bị nhắm tới cũng đã sẵn sàng phản ứng. Canada hôm thứ Ba tái khẳng định kế hoạch áp thuế trả đũa 25% đối với xe sản xuất tại Mỹ.
Trong khi đó, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý cho một phiên giao dịch nhiều biến động khác tại phố Wall. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng chứng kiến sắc đỏ lan rộng trong phiên sáng cùng ngày.
Quốc hội Thái Lan họp khẩn
Quốc hội Thái Lan vừa tổ chức một phiên họp khẩn cấp để thảo luận về hệ quả của mức thuế 36% mà Mỹ áp dụng đối với hàng xuất khẩu của nước này, trong bối cảnh nhiều Nghị sĩ lo ngại tác động dài hạn đến nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại.
Theo ông Wisut Chainarun, Trưởng ban điều phối của đảng cầm quyền Pheu Thai, Chính phủ đã đồng ý đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hạ viện vì đây là thách thức cấp bách nhất hiện nay. Ông cho biết Hạ viện đã quyết định hoãn nhiều dự thảo luật khác, trong đó có đề xuất hợp pháp hóa casino trong các khu phức hợp giải trí.
Chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang tìm kiếm đối thoại với Mỹ nhằm giảm bớt áp lực thuế quan và thu hẹp thặng dư thương mại gần 46 tỷ USD với Washington.
Là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh từ biện pháp thuế có hiệu lực từ ngày 9/4, Thái Lan đã đề xuất tăng nhập khẩu năng lượng, nông sản và máy bay từ Mỹ, đồng thời giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan trong năm ngoái, với các mặt hàng chủ lực bao gồm điện tử, máy móc và nông sản. Tuy nhiên, Thái Lan hiện cũng đối mặt nguy cơ hàng giá rẻ từ Trung Quốc và các quốc gia khác – vốn chịu mức thuế còn cao hơn – tràn vào thị trường nội địa.
Một cuộc khảo sát được công bố cùng ngày cho thấy gần 71% các giám đốc điều hành doanh nghiệp Thái Lan lo ngại nguy cơ hàng Trung Quốc giá rẻ làm giảm công suất sản xuất trong nước, thậm chí dẫn đến đóng cửa thêm nhiều nhà máy.
Chính phủ Thái Lan đã chỉ định Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira dẫn đầu đoàn đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump. Một nhóm công tác liên ngành cũng được thành lập để xây dựng các chiến lược giảm thiểu tác động tiêu cực đến thương mại và kinh tế.
Theo Nghị sĩ Sirikanya Tansakun, gói hỗ trợ 3 tỷ baht (tương đương 86 triệu USD) dành cho các ngành bị ảnh hưởng bị đánh giá là quá khiêm tốn so với các chương trình cứu trợ của những nước khác.
Bà cho rằng với nguy cơ GDP giảm tới 1 điểm phần trăm do tác động từ thuế, Chính phủ nên cân nhắc nâng trần nợ công từ mức hiện tại là 70%, miễn là có kế hoạch rõ ràng để bảo đảm tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Các tập đoàn dược châu Âu cảnh báo nguy cơ “chảy máu vốn” sang Mỹ nếu EU không cải tổ chính sách
Ngày 9/4, các lãnh đạo ngành dược phẩm châu Âu lên tiếng cảnh báo rằng hàng chục tỷ euro vốn đầu tư đang đứng trước nguy cơ “chảy sang Mỹ” nếu Liên minh châu Âu không sớm có những thay đổi chính sách quyết liệt và toàn diện.

Hiệp hội các doanh nghiệp dược phẩm châu Âu (EFPIA) — đại diện cho các tập đoàn như Novo Nordisk, Bayer và Novartis — cho biết khoảng 50,6 tỷ euro (tương đương 55,9 tỷ USD) đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất và 52,6 tỷ euro dành cho nghiên cứu – phát triển đang bị đặt vào tình trạng rủi ro.
Theo khảo sát do EFPIA thực hiện, các CEO ngành dược bày tỏ mong muốn EU có hành động ngay lập tức nhằm xây dựng một môi trường cạnh tranh hấp dẫn hơn, củng cố hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ và cải tiến khung pháp lý để hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
“Châu Âu cần có cam kết nghiêm túc trong việc đầu tư xây dựng một hệ sinh thái dược phẩm đẳng cấp thế giới, nếu không muốn bị tụt lại và chỉ còn là thị trường tiêu thụ công nghệ từ các khu vực khác”, EFPIA nhấn mạnh trong thông cáo báo chí.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni sẽ thăm Nhà Trắng vào ngày 17/4
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận Thủ tướng Italy Giorgia Meloni sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nhà Trắng và gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 17/4. Thông tin được đưa ra trong cuộc họp báo ngày thứ Ba, tuy nhiên lịch trình chi tiết của cuộc gặp chưa được tiết lộ.
Là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Italy hiện đang phải chịu mức thuế đối ứng 20% mà Mỹ áp lên toàn khối.
Trước đó, ngày 8/4, Chính phủ Italy đã tổ chức cuộc họp với đại diện các ngành công nghiệp trong nước tại Palazzo Chigi để thảo luận về các mức thuế mới từ phía Mỹ.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Meloni cũng nhấn mạnh rằng Italy mong muốn theo đuổi phương án “xóa bỏ thuế quan đối ứng đối với các sản phẩm công nghiệp hiện có” theo mô hình “zero for zero” – tức hai bên cùng dỡ bỏ thuế về 0%.
Yên Nhật tăng giá, trong khi nhiều đồng tiền châu Á lao dốc
Đồng yên Nhật tăng 0,75% so với đồng USD trong phiên giao dịch mới nhất, đi ngược xu hướng chung trên thị trường tiền tệ khu vực, khi hàng loạt đồng tiền châu Á suy yếu mạnh sau khi ông Trump chính thức triển khai các mức thuế quan mới.
Đồng won của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, giao dịch ở mức 1.484,1 won đổi 1 USD. Đồng rupiah của Indonesia rơi xuống mức thấp kỷ lục mới, ở mức 16.965 rupiah đổi 1 USD.

Tại Malaysia, đồng ringgit giảm xuống 4,5 đổi 1 USD — mức yếu nhất kể từ tháng 2 năm nay. Chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt, giảm 0,49% xuống còn 102,449 điểm.
Theo ghi nhận của Fitch, giới đầu tư hiện quan ngại rằng việc tăng thuế quan có thể gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế Mỹ, và lo ngại này đang gây áp lực giảm giá lên đồng USD nhiều hơn so với kỳ vọng rằng thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ được thu hẹp.
Đông Nam Á cần tăng cường hội nhập kinh tế khu vực
Phát biểu tại Hội thảo đầu tư ngày 9/4, Tổng Thư ký Đông Nam Á Kao Kim Hourn nhấn mạnh rằng khu vực cần “hành động rõ ràng” nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực, trong bối cảnh Mỹ áp dụng loạt thuế quan toàn diện.
“Để giữ được vai trò trung tâm và khả năng thích ứng trong một thế giới mà bất ổn kinh tế ngày càng trở thành trạng thái bình thường mới, Đông Nam Á phải hành động nhanh chóng, dứt khoát và cùng nhau khẳng định lại cam kết đối với một môi trường ổn định, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông nói.
Thay vì đưa ra biện pháp trả đũa trước chính sách thuế quan của Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á lựa chọn con đường đối thoại. Dù vậy, các nền kinh tế trong khu vực – vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại – đang đối mặt với rủi ro lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Nếu Đông Nam Á không nhanh chóng và đồng lòng thúc đẩy quá trình hội nhập nội khối, đồng thời đa dạng hóa thị trường và đối tác thương mại, chúng ta sẽ đánh mất lợi thế trong một nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh và ngày càng phân mảnh”, ông Kao Kim Hourn cảnh báo.
Trung Quốc vẫn im lặng
Giới chức Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức đối với mức thuế cao hơn mà nước này vừa phải gánh chịu từ phía Mỹ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh đang tiếp tục điều chỉnh để đồng nhân dân tệ suy yếu, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại, đồng thời tránh gây xáo trộn thị trường tài chính trong nước.
Với mức thuế nhập khẩu thực tế từ Mỹ lên hàng Trung Quốc hiện đã lên tới 104%, cùng với cam kết trả đũa từ phía Bắc Kinh, thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ nghiêm trọng.

Theo ước tính của Capital Economics, nếu mức thuế hiện tại được duy trì, lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm hơn một nửa trong vài năm tới - ngay cả trong kịch bản đồng nhân dân tệ giảm xuống mức 8 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Các chuyên gia tại tổ chức này nhận định rằng trong khi thuế quan của Mỹ với nhiều quốc gia khác có thể được đàm phán hạ xuống còn 10–20%, mức áp thuế với Trung Quốc có khả năng sẽ duy trì ở mức cao lâu dài, làm thay đổi căn bản cán cân thương mại song phương.
“Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như không vội vã trong việc đạt được thỏa thuận. Họ có vẻ đã tính toán rằng có thể chịu đựng được sức ép từ thuế quan Mỹ, trong khi tin rằng ông Trump sẽ rơi vào thế yếu hơn trong tương lai khi hậu quả kinh tế và chính trị từ các biện pháp thuế ngày càng gia tăng”, một báo cáo nhận định.
Giá vàng bật tăng hơn 28 USD, vượt mốc 3.010 USD/ounce
Giá vàng tiếp tục đi lên, tăng hơn 28 USD trong phiên, lên mức 3.010 USD/ounce, khi nhà đầu tư đổ xô tìm kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc vì lo ngại tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ.
Theo bà Charu Chanana, chuyên gia tại Saxo Markets: "Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối đầu trực tiếp về thuế, và quy mô ảnh hưởng toàn cầu tiềm tàng là rất lớn. Trái phiếu chính phủ Mỹ — vốn từng là kênh trú ẩn truyền thống — hiện chịu áp lực bởi lo ngại về tình hình tài khóa của Washington cũng như khả năng bị các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo".
Bà nói thêm là đồng USD cũng không còn được hỗ trợ nhiều. Trong khi đó, cổ phiếu bị mắc kẹt giữa xu hướng lợi suất thực tế tăng và nỗi lo ngày càng rõ nét về suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Chính những yếu tố này đang thúc đẩy nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn thay thế như vàng hay đồng yên Nhật.
Chứng khoán châu Á đỏ lửa
Trưa ngày 9/4, tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1,06%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mất 3,14%, trong khi Topix giảm 3,26%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,95%, đánh dấu mức sụt giảm tổng cộng 20% so với đỉnh tháng 7 - rơi vào vùng "giá xuống". Chỉ số Kosdaq, đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cũng giảm thêm 0,44%.
Chứng khoán Hồng Kông ghi nhận mức giảm sâu, với chỉ số Hang Seng lao dốc 3,86%. Riêng nhóm công nghệ trong chỉ số Hang Seng giảm mạnh tới 5,42%.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục cũng giảm nhẹ 0,26%.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) hạ lãi suất
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) vừa quyết định cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất xuống còn 6%. Việc cắt giảm lãi suất của RBI phù hợp với dự báo của các nhà phân tích do Reuters khảo sát, trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tăng trưởng kinh tế đang chững lại.
Động thái này cũng được đưa ra ngay sau khi Mỹ chính thức áp dụng thuế quan đối ứng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ.
Chỉ số MSCI Ấn Độ hiện đang tăng mạnh hơn chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương hơn 6 điểm phần trăm. Nếu xu hướng này tiếp tục, đây sẽ là lần chứng khoán Ấn Độ dẫn trước khu vực với khoảng cách lớn nhất kể từ năm 2009.

Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng lên 86 quốc gia
Một đợt áp thuế mới với mức thuế cao vừa bắt đầu có hiệu lực từ rạng sáng thứ Tư ngày 9/4 (theo giờ Mỹ) - tức 11h ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam), theo quyết định của Tổng thống Donald Trump. Hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục quốc gia trên thế giới giờ đây sẽ phải chịu mức thuế mới theo chính sách gọi là “thuế quan đối ứng”.

So với mức cơ bản 10% được áp dụng vào cuối tuần trước, đợt thuế này có mức cao hơn đáng kể, dao động từ 11% đến 84% đối với hàng hóa từ 86 quốc gia.
Đáng chú ý, hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ hiện phải chịu tổng thuế lên tới 104%, bao gồm thuế suất cơ bản 20%, thuế bổ sung 34% và mức tăng đột ngột 50% được ông Trump ký ban hành vào tối thứ Ba (ngày 8/4).
Sau Trung Quốc, quốc gia chịu mức thuế cao thứ hai là Lesotho – một nước châu Phi – với thuế suất 50% cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Campuchia xếp ngay sau, với mức thuế 49% bắt đầu từ hôm nay. Trong khu vực Đông Nam Á, Lào và Việt Nam cũng lần lượt chịu mức thuế 48% và 46%.
Ngay sau thông báo về các mức thuế mới vào ngày 2/4, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận bốn phiên giảm điểm liên tiếp. Tuy nhiên, Nhà Trắng và ông Trump tỏ ra không lo ngại. “Mỹ sẽ sớm trở nên rất giàu có trở lại”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục bị bán ra, khiến lợi suất kỳ hạn 30 năm tăng hơn 20 điểm cơ bản, lên 4,98%. Cùng lúc, thị trường chứng khoán châu Á giảm phiên thứ tư trong vòng năm ngày tính đến sáng ngày 9/4.
Trong phiên giao dịch hôm 8/4 tại Mỹ, tâm lý nhà đầu tư liên tục thay đổi: ban đầu lạc quan khi ông Trump hé lộ khả năng đàm phán với Hàn Quốc, sau đó chuyển sang bi quan khi chính quyền xác nhận sẽ tiến hành áp thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc.
Reuters: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ vào đêm nay
Theo Reuters đưa tin, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào hôm nay (9/4).
Nhiều quan chức Việt Nam và Mỹ nhận định rằng các thương vụ mua máy bay của doanh nghiệp Việt có thể góp phần giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Vào ngày 10/4, ông Phớc dự kiến gặp lãnh đạo SpaceX – công ty đang lên kế hoạch cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam sau khi được cấp phép miễn trừ giới hạn sở hữu nước ngoài. Cuộc gặp này vẫn đang chờ xác nhận.
Cũng trong ngày thứ Năm, ông Phớc dự kiến làm việc với lãnh đạo Apple và những tập đoàn Mỹ đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam, bao gồm Intel và Coca-Cola.
Mỹ áp thuế 90% với hàng giá rẻ của Trung Quốc, nhắm thẳng vào Shein, Temu
Trước đây, các gói hàng có giá trị thấp, còn gọi là de minimis, được miễn thuế theo một quy định có từ những năm 1930. Tuy nhiên, chính sách miễn thuế này sẽ chính thức kết thúc vào ngày 2/5 tới.
Không chỉ tăng thuế suất, Washington cũng nâng mức phí áp dụng trên từng bưu kiện. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2/5 đến 1/6, phí sẽ là 75 USD/đơn hàng, gấp 3 lần so với mức 25 USD dự kiến ban đầu.
Sau ngày 1/6, phí tiếp tục tăng lên 150 USD/đơn, thay vì 50 USD như kế hoạch trước đó.
“Không, như vậy là chưa đủ”, ông nói. “Chúng ta đang có mức thâm hụt 350 tỷ USD với EU, và điều đó phải biến mất nhanh chóng. Cách nhanh nhất là họ phải mua năng lượng từ chúng ta, chỉ cần vậy là xong trong một tuần”.
Sau đó, ngày 8/4, các quan chức chính quyền Trump cho biết, một thỏa thuận năng lượng lớn với các nền kinh tế châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang được tiến hành, ngụ ý về khả năng giảm thuế.
>> Trước giờ G, Giáo sư Mỹ hiến kế giúp Việt Nam đối phó mức thuế 46% từ Mỹ
Những quốc gia hưởng lợi khi Mỹ áp thuế đối ứng
Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam được miễn thuế đối ứng 46%, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2