Uniqlo đối mặt nguy cơ bị tẩy chay ở Trung Quốc, cổ phiếu công ty mẹ lao dốc
Nhà bán lẻ thời trang lo ngại phát biểu của người sáng lập về bông Tân Cương có thể gây ra cuộc tẩy chay và ảnh hưởng đến hơn 1.000 cửa hàng.
Cổ phiếu của Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, đã giảm vào thứ Hai sau những nhận xét gây tranh cãi của nhà sáng lập Tadashi Yanai về việc sử dụng bông từ khu vực Tân Cương.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Yanai tuyên bố rằng Uniqlo không sử dụng bông từ khu vực Tây Bắc và sau đó từ chối bình luận thêm, cho rằng vấn đề "quá chính trị".
Những bình luận này đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc, với những lời đe dọa tẩy chay nhóm doanh nghiệp Nhật Bản. Hashtag "Nhà sáng lập Uniqlo nói không sử dụng bông từ Tân Cương" đã trở thành chủ đề tìm kiếm đứng thứ hai trên mạng Sina Weibo vào thứ Sáu, theo truyền thông nhà nước.
Uniqlo cho biết đang theo dõi tình hình một cách cẩn thận và từ chối bình luận thêm.
Cổ phiếu của Fast Retailing đã giảm tới 4,5% trước khi phục hồi một phần vào cuối phiên giao dịch tại Tokyo, nhưng vẫn giảm 1,3% khi chỉ số Nikkei 225 tăng 0,8%.
Không chỉ Uniqlo, vài năm gần đây, nhiều thương hiệu phương Tây đã phải đối mặt với làn sóng tẩy chay do các vấn đề liên quan đến bông Tân Cương. Và hơn nữa, các công ty Nhật Bản có sự hiện diện lớn tại Trung Quốc luôn sống trong nỗi lo sợ bị người tiêu dùng tẩy chay và gặp khó khăn trong việc tiếp thị sản phẩm.
Các công ty sản phẩm tiêu dùng và mỹ phẩm Nhật Bản, bao gồm Kao và Shiseido, đã chịu thiệt hại lớn vào năm 2023 sau quyết định của Nhật Bản về việc xả nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào đại dương.
Uniqlo, hiện đang nỗ lực vượt qua Zara (Inditex) và H&M để trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, đã phụ thuộc vào Trung Quốc như một trong những động lực lớn nhất cho doanh thu.
Uniqlo lần đầu tiên vào thị trường Trung Quốc vào năm 2002 và cho đến nay hầu như không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị khi thời trang tiện dụng của hãng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong tổng doanh thu 3,1 nghìn tỷ yên (khoảng 21 tỷ USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2024, Trung Quốc đại lục chiếm 677 tỷ yên, tương đương 22% với hơn 1.000 cửa hàng, nhiều hơn cả tại thị trường nội địa Nhật Bản.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với tờ Nikkei của Nhật Bản vào tháng 10, Yanai cho biết Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với sản xuất và điều này khó có thể thay đổi.
“Không có cách dễ dàng nào để xây dựng các nhà máy quy mô lớn thay thế các nhà máy ở Trung Quốc, nơi chúng tôi đã có nhiều năm thử nghiệm và sai sót. Các nhà máy ở Việt Nam sẽ không thể tốt bằng các nhà máy ở Trung Quốc trừ khi chúng tôi gửi một số lượng lớn người [Nhật Bản] đến đó”, Yanai cho biết trong cuộc phỏng vấn.
Các nhà phân tích của Jefferies cho rằng “cuộc chiến thương mại” liên quan đến việc loại bỏ bông Tân Cương khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu “sẽ leo thang vào năm 2025”.
Họ cho rằng Chính phủ Mỹ và các nước EU đang gây áp lực để các công ty như Nike, Adidas, Fast Retailing loại bỏ bông từ khu vực này khỏi chuỗi cung ứng. Dự báo cho rằng sau chiến dịch này, bông Tân Cương sẽ chỉ còn được sử dụng bởi các thương hiệu nội địa Trung Quốc như Anta, Li-Ning và Xtep.
Theo FT