Vì sao BRICS ngày càng hấp dẫn nhiều quốc gia?

17-07-2023 10:45|CẨM ANH

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Phi, như Ai Cập, Ethiopia, Zimbabwe, Algeria, Nigeria... đang mong muốn gia nhập khối BRICS.

Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới muốn gia nhập BRICS

Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới muốn gia nhập BRICS

Nhiều quốc gia châu Phi, bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Zimbabwe, Algeria, Nigeria, Sudan và Tunisia, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, một nhóm các quốc gia mới nổi được thành lập vào năm 2009 bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Một số nền kinh tế ở Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Âu cũng đang mong muốn trở thành thành viên của BRICS, bao gồm Saudi Arabia, Belarus, Iran, Mexico, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela. Năm ngoái, Argentina cũng cho biết họ đã nhận được sự hỗ trợ chính thức của Trung Quốc trong nỗ lực gia nhập BRICS.

Ngày nay, BRICS ngày càng trở nên hấp dẫn khi mở ra một giai đoạn mới cho ngoại giao và tài trợ phát triển. Theo các nhà quan sát, nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia ở Châu Phi, coi đây là một liên kết có thể thách thức cấu trúc quản trị toàn cầu do Hoa Kỳ và Châu Âu đứng đầu.

Cụ thể, với việc các thành viên BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia khối, đặc biệt là khi ngày càng xuất hiện sự lo ngại về sự thống trị của phương Tây đối với các hệ thống tài chính.

Ai Cập, quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tiền tệ, đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 6 vừa qua. Theo Đại sứ Nga tại Ai Cập Georgy Borisenko, quốc gia này coi việc BRICS tập trung vào tiền tệ là lý do chính để tham gia khối. Ông nói: “Một trong những sáng kiến mà BRICS hiện đang tham gia là đa cực hóa tiền tệ quốc tế, cho dù là dùng các đồng tiền sẵn có hay tạo ra một loại tiền tệ chung nào đó".

Theo bà Mihaela Papa, Trợ lý giáo sư về phát triển bền vững và quản trị toàn cầu tại Đại học Tufts ở Mỹ, đã có rất nhiều dự đoán rằng hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng tới sẽ thảo luận về một loại tiền tệ mới, tuy nhiên không có sự đồng thuận trong toàn bộ BRICS về vấn đề này. Bà chỉ ra rằng, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã tuyên bố rõ ràng rằng Ấn Độ không có những kế hoạch như vậy.

Trong khi đó, XN Iraki, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nairobi, cho biết nhiều quốc gia coi BRICS là cơ hội để thoát khỏi sự thống trị của phương Tây cả về kinh tế và chính trị. Ông cho biết Trung Quốc và Ấn Độ là những cường quốc mới nổi và coi châu Phi là sân chơi mới của họ. “Họ có thể sẽ cạnh tranh với nhau để gây ấn tượng với châu Phi bằng những điều tốt đẹp như viện trợ, các khoản vay ưu đãi hoặc thương mại", ông nhận định.

Các nhà lãnh đạo khối BRICS

Khối BRICS dự kiến phát hành đồng tiền chung của khối

Đồng quan điểm, ông Cameron Hudson, một cộng tác viên cao cấp tại chương trình Châu Phi của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá, BRICS đã mang đến cho các quốc gia châu Phi một con đường khả thi để tăng cường tầm ảnh hưởng ảnh hưởng quốc tế bằng cách tham gia cùng các quốc gia Nam bán cầu khác có chung nhiều thách thức và quan điểm.

Ông Hudson cho biết: "Các nước châu Phi đang quan tâm đến việc chứng kiến một thế giới đa cực hơn xuất hiện, mang lại cho họ cơ hội lớn hơn để định hình các vấn đề ảnh hưởng đến họ, từ biến đổi khí hậu đến tài chính phát triển, chính trị toàn cầu. Và họ cho rằng, việc tham gia BRICS là một cơ hội tốt để thúc đẩy những lợi ích đó, bên cạnh những nỗ lực cải cách các công cụ quyền lực toàn cầu hiện có tại G20, Liên Hợp Quốc, IMF và Ngân hàng Thế giới".

Mặt khác, việc tăng cường liên kết với Trung Quốc cũng là động lực chính khiến một số quốc gia muốn gia nhập khối BRICS. Ở châu Phi, một số quốc gia có quan hệ mật thiết với Trung Quốc tin tưởng rằng các liên minh chặt chẽ hơn với Trung Quốc có thể giành được nhiều ảnh hưởng hơn ở cấp độ đa phương.

Ông Joe Sullivan, cựu quan chức Nhà Trắng, cho biết nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở châu Phi, từ lâu đã mong muốn có một tổ chức đa phương phản ánh lợi ích của Nam bán cầu. “Ở BRICS, họ nhìn thấy khả năng giấc mơ này trở thành hiện thực. Và họ háo hức trở thành một phần của nó,” ông Sullivan nói.

Nhưng chuyên gia này chỉ ra, có một số trở ngại nhất định trong việc gia nhập BRICS. Trong khi Trung Quốc, Nga và Nam Phi muốn có một BRICS mở rộng thì Brazil và Ấn Độ lo sợ mất ảnh hưởng trong nhóm, điều mà họ tin rằng sẽ có lợi cho Bắc Kinh.

“Các thành viên mới có thể thay đổi bản chất của BRICS và tất cả các quốc gia BRICS cần phải thống nhất về sự chấp thuận của họ và quỹ đạo tương lai của nhóm,” ông Sullivan nói và nhấn mạnh mặc dù Trung Quốc ủng hộ việc mở rộng BRICS, nhưng điều quan trọng là phải xem xét những nhược điểm và rủi ro tiềm tàng của nó.

Tuy nhiên, một BRICS mạnh có thể đóng vai trò là đối trọng với G7, cũng như các tổ chức đa phương khác do Mỹ và phương Tây lãnh đạo. Sức mạnh của BRICS nằm ở tiềm năng đóng vai trò giống như G7 hoặc G20 cho Nam bán cầu. Điều đó sẽ cho phép các thành viên phối hợp đưa ra phản ứng chung với các tổ chức đa phương do phương Tây thống trị như G7 và G20. 

Các loại tiền kỹ thuật số đang nở rộ ở châu Á và châu Phi

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/vi-sao-brics-ngay-cang-hap-dan-nhieu-quoc-gia-247546.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vì sao BRICS ngày càng hấp dẫn nhiều quốc gia?
POWERED BY ONECMS & INTECH