Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ muốn gia nhập BRICS?
Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự quan tâm đáng kể đến việc gia nhập BRICS, xem đây là một bước quan trọng để tăng cường ảnh hưởng quốc tế và tiềm năng kinh tế.
Tin tức về việc Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mong muốn gia nhập Nhóm các nên kinh tế mới nổi BRICS đã thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu.
Thông báo bất ngờ nói trên được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 6 vừa qua. “Tất nhiên, chúng tôi muốn trở thành thành viên của BRICS. Hãy xem chúng tôi có thể đạt được gì trong năm nay” - tờ SCMP dẫn lời Ngoại trưởng Fidan nói trong chuyến công du Trung Quốc.
Vấn đề này cũng đã được thảo luận tại hội nghị Ngoại trưởng BRICS ở Nizhny Novgorod (Nga) từ ngày 10-11/6, với sự tham dự của Ngoại trưởng Hakan Fidan.
Theo đài RT, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự quan tâm đáng kể đến việc gia nhập BRICS, xem đây là một bước quan trọng để đẩy mạnh ảnh hưởng quốc tế và tiềm năng kinh tế. Khát vọng này được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính liên quan đến các khía cạnh kinh tế, chính trị và địa chiến lược.
Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những nền kinh tế lớn nhất khu vực, đặt mục tiêu đa dạng hóa quan hệ kinh tế và tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển nhanh chóng.
Việc gia nhập BRICS sẽ giúp chính quyền Ankara tiếp cận một thị trường rộng lớn, có cơ hội đẩy mạnh thương mại và đầu tư với các nền kinh tế hàng đầu của các nước đang phát triển.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phải đối mặt với những khó khăn và hạn chế tài chính do các tổ chức kinh tế phương Tây như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) áp đặt.
Việc gia nhập BRICS sẽ tạo điều kiện để Ankara tiếp cận Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS và Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng, cho phép nước này đảm bảo nguồn tài trợ theo các điều khoản thuận lợi hơn và với ít cam kết chính trị hơn.
Nước thành viên NATO cũng tích cực ủng hộ ý tưởng về một thế giới đa cực, trong đó cán cân quyền lực được phân bổ đồng đều hơn giữa các khu vực và quốc gia khác nhau. BRICS, ủng hộ đa cực và quản trị toàn cầu công bằng - là nền tảng hấp dẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm độc lập chính trị khỏi các nước và khối phương Tây như Liên minh châu Âu (EU) và NATO.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này trở thành mối liên kết quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông. Tư cách thành viên BRICS sẽ củng cố vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp Ankara sử dụng hiệu quả vị trí chiến lược để thúc đẩy lợi ích của mình và tăng cường mối quan hệ với các nước thành viên khác.
Đặc biệt, việc gia nhập BRICS sẽ tăng cường đáng kể ảnh hưởng và uy tín quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara sẽ có thể tham gia phát triển các chiến lược kinh tế và chính trị toàn cầu.
Mặc dù việc tham gia BRICS có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Ankara nhưng vẫn có những rào cản nghiêm trọng làm phức tạp quá trình này.
Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ quân sự và kinh tế chặt chẽ với các nước phương Tây, khiến vấn đề gia nhập BRICS được đánh giá sẽ phức tạp hơn.
Quyết định trở thành thành viên BRICS của Ankara có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Washington và các đồng minh phương Tây, những nước coi BRICS là mối đe dọa đối với sự thống trị của họ trên trường quốc tế.
Điều này có thể biểu hiện dưới dạng các biện pháp trừng phạt kinh tế và áp lực chính trị, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và các mối quan hệ quốc tế của Ankara.
Ngoài ra, tình hình kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là rào cản nghiêm trọng đối với việc gia nhập BRICS. Nền kinh tế nước này đang đối mặt khó khăn và lạm phát cao buộc các cơ quan kinh tế phải tìm kiếm đầu tư từ nước ngoài.
Hiện tại, Ankara phụ thuộc nhiều hơn vào phương Tây về mặt này, vì các nước BRICS chủ yếu là các nền kinh tế đang phát triển và không thể đưa ra những khoản đầu tư đáng kể như vậy.
>> Hàng loạt Ngoại trưởng họp tại Nga, một thành viên NATO bất ngờ muốn gia nhập BRICS