Việt Nam dự kiến chỉ còn 34 tỉnh thành: Hơn 60% địa phương sẽ giáp biển
Nếu thực hiện phương án sáp nhập như đề xuất, các tỉnh, thành phố giáp biển của Việt Nam sẽ chiếm tỷ lệ cao.
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, theo đó cả nước sẽ còn lại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Trong số này, có 11 tỉnh, thành giữ nguyên hiện trạng, còn lại 53 địa phương sẽ được sáp nhập để hình thành 23 tỉnh, thành mới.
Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh thành với 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Trong số này, 26 địa phương đã phát triển hệ thống cảng biển, ngoại trừ hai tỉnh là Ninh Bình và Bạc Liêu. Ninh Bình sở hữu chiều dài bờ biển ngắn nhất nước, chỉ khoảng 18km, còn Bạc Liêu tuy có bờ biển dài 56km nhưng đến nay vẫn chưa có cảng biển.

Đáng chú ý, ngoài các địa phương ven biển, hiện Việt Nam còn có 8 tỉnh, thành không giáp biển nhưng vẫn sở hữu hệ thống cảng biển. Trong đó, Đồng Nai và Cần Thơ có cảng biển loại I; Đồng Tháp và Hậu Giang có cảng loại II; Bình Dương, Long An, An Giang và Vĩnh Long có cảng biển loại III.
Theo phương án sáp nhập hành chính, số lượng tỉnh, thành ven biển sẽ giảm từ 28 xuống còn 21. Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ, sau sáp nhập, nhóm địa phương giáp biển sẽ chiếm khoảng 62% tổng số tỉnh, thành cả nước, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 44% hiện nay. Đặc biệt, cả 21 tỉnh, thành ven biển trong cấu trúc mới đều có cảng biển. Bên cạnh đó, hai tỉnh không giáp biển là Đồng Nai (sáp nhập với Bình Phước) và Tây Ninh (sáp nhập với Long An) vẫn duy trì hệ thống cảng biển nội địa nhờ lợi thế vị trí và hạ tầng kết nối.
Sở hữu số lượng lớn tỉnh, thành ven biển cùng hệ thống cảng biển đa cấp, Việt Nam đang có lợi thế đặc biệt để vươn lên trở thành trung tâm logistics và hàng hải hàng đầu trong khu vực.
Hệ thống cảng biển Việt Nam hiện gồm 34 cảng biển lớn nhỏ, phân bổ dọc theo hơn 3.260km bờ biển, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Trong đó, nhiều cảng biển quốc tế và cảng nước sâu đã khẳng định vai trò chiến lược như Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hải Phòng, Lạch Huyện, Đà Nẵng, Nghi Sơn, Dung Quất, Quy Nhơn hay Vũng Áng. Đây không chỉ là cửa ngõ xuất nhập khẩu của Việt Nam mà còn là điểm trung chuyển quốc tế kết nối với tuyến hàng hải Đông – Tây.

Việc tái cơ cấu hành chính và giảm số lượng tỉnh thành giúp tinh gọn bộ máy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hoạch định phát triển vùng ven biển một cách chiến lược, đồng bộ. 21 tỉnh, thành phố giáp biển theo dự kiến sẽ trở thành những cực tăng trưởng về công nghiệp cảng, logistics, dịch vụ hàng hải và du lịch biển.
Theo các chuyên gia, với tỉ trọng hơn 60% tỉnh thành có đường bờ biển, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết lập các hành lang kinh tế biển kết nối liên tỉnh, liên vùng, nâng cao sức cạnh tranh chuỗi cung ứng và thu hút đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, các siêu dự án cảng biển, khu kinh tế ven biển như Long An, Nam Đình Vũ, Cửa Lò, Vân Phong, Chân Mây, Vũng Rô… cũng đang được đẩy mạnh đầu tư, tạo bước đệm đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics toàn cầu.
Hạ tầng giao thông kết nối đến cảng biển cũng đang được chú trọng. Tuyến cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường ven biển và mạng lưới đường sắt, hàng không liên vùng sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh vai trò vận tải, hệ thống cảng biển còn đóng vai trò chiến lược về an ninh - quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc quy hoạch không gian phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng biến đổi khí hậu sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam phát triển bền vững, dài hạn.
Có thể nói, trong cấu trúc hành chính mới, việc sở hữu tới 21 tỉnh thành giáp biển không chỉ là lợi thế tự nhiên mà còn là động lực tăng trưởng vượt bậc, mở ra cơ hội để Việt Nam chuyển mình thành một quốc gia biển mạnh, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
>> Giá đất biến động tại 2 tỉnh là ‘thủ phủ công nghiệp miền Bắc’ dự kiến sẽ sáp nhập