Việt Nam nên thiết kế chip bởi đây là phân khúc có giá trị cao nhất

11-04-2024 10:36|Trọng Đạt

Theo GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam nên thiết kế chip bởi đây là phân khúc có giá trị cao nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Chỉ có một số ít nước trên thế giới nắm trong tay các công nghệ chủ chốt về chip bán dẫn. Vì đâu những công nghệ này lại khó tiếp cận như vậy? Những nước đi sau như Việt Nam liệu còn cơ hội nào không thưa giáo sư?

GS.TS Trần Xuân Tú: Trong công nghiệp bán dẫn, không thể một nước nào làm được tất cả. Đây là một chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Mỗi nước sẽ chọn cho mình một lợi thế để đi vào công đoạn nào. Việt Nam trước đây được biết đến với nhân công giá rẻ, thứ hai là nguồn lao động dồi dào. Thường các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ triển khai nhà máy lắp ráp, đóng gói tại Việt Nam. 

Nếu chuẩn bị nguồn nhân lực tốt, Việt Nam có thể tham gia cả vào phần thiết kế bởi đây là phần công việc dựa vào trí tuệ. Trong khi, Việt Nam lại có thứ hạng trong việc đào tạo phổ thông và trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. 

W-gsts-tran-xuan-tu-3-1.jpg
GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

Ngành công nghiệp bán dẫn khó ở chỗ, công đoạn chế tạo phụ thuộc nhiều vào công nghệ hiện đại, với các máy móc đòi hỏi độ chính xác cao. Đầu tư một nhà máy quy mô công nghiệp, có thể triển khai công nghệ cỡ 7nm, có thể rơi vào khoảng 15 tỷ USD. Nếu xuống công nghệ 2nm, 3nm, việc chạy đua sẽ rất khó khăn bởi chi phí quá lớn. 

Bên cạnh đó còn là vấn đề kinh nghiệm. Giả thiết nếu Việt Nam xây dựng nhà máy cỡ 2nm, 3nm, ai sẽ tin tưởng để đặt hàng Việt Nam sản xuất? Những con chip công nghệ 2nm, 3nm phải qua một loạt các quy trình kiểm tra về mặt chất lượng, phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe thì mới có thể có khách hàng. 

Những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam từng thử tham gia ngành bán dẫn với nhà máy Z181. 50 năm sau, chúng ta mới quay lại thử sức một lần nữa. Khoảng cách thời gian này liệu có quá dài không?

Việt Nam những năm 80 đã có nhà máy chế tạo bán dẫn, với những linh kiện rất đơn giản.Thời điểm ấy, chúng ta đã xuất khẩu những linh kiện ấy ra nước ngoài. 

Bây giờ, chúng ta mới quay trở lại. Nhưng bài toán lâu hay nhanh còn phải phụ thuộc vào việc đầu tư liên tục cho khoa học công nghệ, cho nghiên cứu phát triển để tạo ra các công nghệ mới, hướng tới tương lai.

Hiện chúng ta có nhân lực phù hợp về độ tuổi, về nền tảng, tuy nhiên về kiến thức, kỹ năng, trình độ thì đâu đó chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của lĩnh vực bán dẫn. Theo tôi, Nhà nước cần có một chiến lược cụ thể để hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đầu tư mạnh hơn nữa trong đào tạo, nghiên cứu. 

Chúng ta phải có cơ chế để thu hút được những người giỏi tham gia vào lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực mang tính liên ngành, đòi hỏi nền tảng tư duy tốt cộng với sự bền bỉ và đam mê thì các bạn mới có thể tham gia được. 

thiet ke chip ban dan 2.jpg
Người Việt có thể tham gia vào nhiều công đoạn khác nhau của lĩnh vực bán dẫn, bao gồm cả thiết kế chip. Ảnh: Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đâu là khâu mà các doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu? Thiết kế, đóng gói hay sản xuất chip Make in Viet Nam?

Lĩnh vực công nghiệp bán dẫn gồm có các công đoạn thiết kế, chế tạo, đóng gói và thử nghiệm. Nếu tính cả phần mở rộng thì còn bao gồm việc phát triển ứng dụng dựa trên các vi mạch đã được chế tạo. 

Trong công nghiệp bán dẫn, phần thiết kế sẽ đem lại lợi nhuận cao nhất, chiếm cỡ khoảng 52-55% giá thành. Tiếp đó là khâu liên quan đến chế tạo, cỡ khoảng 24-25% và phần còn lại dành cho đóng gói, kiểm thử. 

Hiện các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tập trung nhiều vào công đoạn đóng gói và kiểm thử. Về chiến lược lâu dài, chúng ta cần tham gia sâu rộng vào thiết kế, phần đem lại giá trị cao nhất. 

Việt Nam nên tập trung vào đóng gói, kiểm thử để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI, đồng thời triển khai nhân lực cho công đoạn thiết kế, hình thành các startup, trung tâm thiết kế và công ty thiết kế. Trước mắt, có thể thiết kế theo đơn đặt hàng của nước ngoài, từ đây tiến tới việc phát triển những sản phẩm của riêng mình. 

Về công nghệ chế tạo, cũng liên quan đến thiết kế, Việt Nam nên tập trung vào các công nghệ tầm trung, cỡ 14nm tới 65nm. Đây là những sản phẩm phù hợp cho các ứng dụng triển khai tại Việt Nam. Những công nghệ quá mới, quá tiên tiến, chúng ta đuổi theo cũng khó và cũng bị nhiều ràng buộc khác về nhà máy sản xuất và công cụ hỗ trợ. 

Nhà nước cần đóng vai trò ra sao trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?

Bộ TT&TT và Bộ KH&CN cần có những chương trình cụ thể để hỗ trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu, phát triển về lĩnh vực vi mạch. Chúng ta cần chọn ra các định hướng, ứng dụng của lĩnh vực vi mạch, chẳng hạn như AI chip, IoT chip, chip cho viễn thông, 5G, 6G, những thứ rất cụ thể để tập trung nguồn lực.

Với Bộ KH&ĐT, cơ quan này cần có sự đầu tư về các phòng thí nghiệm hỗn hợp đặt tại đại học. Phòng thí nghiệm phải đến từ hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Điều này nhằm tránh các quy định về Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp, liên quan đến WTO. 

Quan trọng hơn, khi đặt phòng thí nghiệm tại đại học, chúng ta sẽ gắn kết được hoạt động của doanh nghiệp với đại học. Đại học sẽ tiếp cận các bài toán của doanh nghiệp. Khi sinh viên được đào tạo ra trường, các bạn sẽ có thể làm việc ngay. 

Cách đào tạo này cũng sát với các nhu cầu, kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Doanh nghiệp có thể tận dụng được nguồn lực chất xám, đặc biệt là các tri thức phát hiện tại đại học để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Chúng ta cũng cần tạo năng lực nghiên cứu, đào tạo để có những đại học mang tính dẫn dắt.

thiet ke chip ban dan 1.jpg
GS.TS Trần Xuân Tú đang giảng bài cho sinh viên. Ảnh: Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội

GS có lời khuyên gì với những người trẻ, các startup Việt đang làm trong lĩnh vực bán dẫn?

Tôi nghĩ với những startup trong lĩnh vực bán dẫn, điều quan trọng là phải tìm kiếm được khách hàng. Muốn làm điều đó, chúng ta cần chuẩn bị cho mình một năng lực nhất định, để khi nói đến công ty A, B hay C nào đó, người ta có sự nhận diện ngay về sở trường của họ. 

Công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực chứ không phải một ngành nghề. Nó gồm rất nhiều ngành nghề, ứng dụng, bài toán khác nhau. Mình phải tạo thế mạnh riêng để có năng lực, từ đó có thị trường, khách hàng và lớn dần lên. 

Với startup, quan trọng là làm sao phải lớn lên được, trở thành quy mô công nghiệp. Nếu chỉ loay hoay ở quy mô 5, 10 người hay 50 người đổ lại thì vẫn đang tìm đường, chưa phải là thành công. 

Tôi nghĩ vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ KH&ĐT) trong việc kết nối là cực kỳ quan trọng. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cùng với các bộ ngành khác cần thể hiện được vai trò kết nối. Thứ hai nữa là chia sẻ cơ hội, NIC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng các phần mềm công cụ thiết kế, hoặc có thể hình thành các quỹ ươm tạo để từ đó hỗ trợ doanh nghiệp. 

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia mới đây có tổ chức Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIC 2024). Đây là chương trình nhằm tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, ứng dụng AI nhằm xây dựng, phát triển doanh nghiệp, gia tăng năng suất công việc.

Các doanh nghiệp nên cố gắng tham gia những chương trình như vậy để chia sẻ, hình thành nên một hệ sinh thái. Lĩnh vực bán dẫn là một chuỗi giá trị. Chúng ta không thể đứng một mình mà cần có sự cộng tác với nhau. Với vai trò đầu mối, NIC có thể giúp các doanh nghiệp bán dẫn xây dựng nên một hệ sinh thái của riêng mình. 

Cảm ơn ông!

Ngành bán dẫn Trung Quốc chứng kiến thành tựu ấn tượng bất chấp khó khăn

TSMC và Samsung đối mặt tương lai bất định khi đầu tư bán dẫn tại Mỹ

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thiet-ke-dong-goi-hay-san-xuat-chip-make-in-viet-nam-2268023.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam nên thiết kế chip bởi đây là phân khúc có giá trị cao nhất
    POWERED BY ONECMS & INTECH