Chỉ nửa tháng nữa, siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD sẽ đạt dấu mốc quan trọng
Ban Quản lý dự án đường sắt xác nhận tháng 6 tới đây sẽ mời một gói thầu thuộc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tại buổi tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt trong kỷ nguyên mới" do báo Nông thôn ngày nay, ông Chu Văn Tuân - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) xác nhận đơn vị này vừa mới tiến hành mời gói thầu tư vấn quản lý dự án giai đoạn chuẩn bị dự án thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, gói thầu này có trị giá hơn 245 tỷ đồng và dự kiến sẽ được mở thầu vào tháng 6/2025.

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã xây dựng kế hoạch triển khai theo ba giai đoạn: Lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu.
Đây được đánh giá là một trong những dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư "khổng lồ", đòi hỏi các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho toàn bộ các dự án đường sắt.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Đức An - Giám đốc kỹ thuật Công ty CP FECON chia sẻ rằng từ hơn một thập kỷ trước, doanh nghiệp này đã thành lập đơn vị chuyên trách thi công đường sắt đô thị. Đáng chú ý, FECON không ngừng đầu tư vào nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân sự được đào tạo bài bản từ những quốc gia có nền công nghiệp đường sắt phát triển như Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Dẫu vậy, theo ông An, thực tế triển khai các "siêu dự án" đường sắt cho thấy năng lực của doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế khi đặt cạnh những tiêu chuẩn khắt khe của các dự án quốc tế.
Khoảng cách này đòi hỏi vừa có sự hỗ trợ từ phía chính sách, vừa là động lực để các doanh nghiệp trong nước tự nâng tầm năng lực thi công, quản lý.
Để mở ra cơ hội tham gia sâu hơn vào Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Hồ Đức An kiến nghị Chính phủ cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác quỹ đất phát triển đô thị dọc theo tuyến đường sắt - một giải pháp giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao tính khả thi dự án. Bên cạnh đó, vấn đề cấp phép khai thác mỏ vật liệu cũng cần được tạo điều kiện để giảm chi phí và chủ động về nguồn cung.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, kết hợp với chủ trương đầu tư công cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với quy mô hơn 67 tỷ USD, đang mở ra một "cửa sổ vàng" để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước vươn lên, từng bước chinh phục những "cuộc chơi lớn" trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội chốt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh thành với tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD.
Toàn tuyến được đầu tư khổ đôi 1.435mm với tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2027.