Trong vụ Vạn Thịnh Phát có 6 đối tượng "chủ chốt" và 5 đối tượng "tạo lập" giúp sức Trương Mỹ Lan tham ô tài sản.
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, ngoài các đối tượng "chủ chốt" giúp sức cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản còn có các đối tượng trực tiếp nhận chỉ đạo, đóng vai trò quan trọng để “tạo lập” ra các bộ hồ sơ vay vốn khống.
Những đối tượng đóng vai trò "tạo lập" này gồm (1) Hồ Bửu Phương, (2) Nguyễn Phương Anh , (3) Đặng Phương Hoài Tâm, (4) Trương Huệ Vân và (5) Dương Tấn Trước.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Lời khai của đối tượng “chủ chốt” lộ bí mật tầng 39 tòa nhà Times Square
Hồ Bửu Phương, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn VTP và CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến 31/7/2020. Phương còn được giao nhiệm vụ lập nhóm công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để “giải quỹ” bằng cách tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống…
Khi cần giải ngân cho các khoản lớn, Trương Mỹ Lan triệu tập Phương và phụ trách văn phòng HĐQT cùng nhân viên để họp và thống nhất danh sách, số lượng cổ phần và đơn giá cổ phần hứa tham gia chuyển nhượng.
Ảnh Trương Mỹ Lan |
Nguyễn Phương Anh, Phó TGĐ Công ty Sài Gòn Peninsula có hành vi chỉ đạo, điều hành nhóm nhân viên tập đoàn VTP lập ra các pháp nhân “ma”, sử dụng các cá nhân, phối hợp chặt chẽ với các đối tượng tại SCB để lập hồ sơ vay vốn khống. Phương Anh còn là người điều hành việc sử dụng dòng tiền sau khi giải ngân theo chỉ đạo của Lan. Phương Anh cũng là đầu mối phối hợp cùng các đối tượng “thân tín” của Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB để xây dựng hồ sơ vay vốn khống.
Đồng thời căn cứ nhu cầu sử dụng tiền của Trương Mỹ Lan, Phương Anh xây dựng phương án chi tiết và chuyển cho các bộ phận liên quan lập chứng từ thu/chi. Sau đó thực hiện chuyển tiền thực tế (chi tiền mặt để lái xe của Lan chở về nhà Lan…)
Từ 1/1/2018 đến 17/10/2022 Nguyễn Phương Anh đã lập, quản lý và theo dõi 290 pháp nhân và cá nhân để tạo lập hồ sơ 709 khoản vay có dự nợ tại SCB là 534.776 tỷ đông (trong đó dư nợ gốc 406.046 tỷ đồng).
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: 6 đối tượng “chủ chốt” giúp sức Trương Mỹ Lan là ai?
Đặng Phương Hoài Tâm, Trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP có hành vi tạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn VTP, thành lập, sử dụng các công ty ma, tìm các cá nhân đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản cho Lan để hợp thức các khoản vay khống.
Năm 2013, 2014 Tâm được phân về nhóm quản lý, theo dõi tài sản riêng lẻ của Lan cùng nhân viên tên Ân. Các đầu mục quản lý gồm các thông tin như tên tài sản, địa chỉ, chủ tài sản, ai giữ sổ. Sau đó còn được giao thêm phần dư nợ tại ngân hàng của tài sản đó.
Qua xác minh, Tâm đã từng quản lý thông tin, dư nợ của 98 tài sản nhà ở, đất tại thành phố Hồ Chí Minh và 28 loại tài sản đất ở nông nghiệp tại quận 9.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Chân dung nhân vật bí ẩn quản lý tài sản cho bà Trương Mỹ Lan
Trương Huệ Vân, cháu gái Trương Mỹ Lan, được Lan tin tưởng giao đứng tên cổ phần, vốn góp, tham gia quản lý nhiều công ty có hoạt động tại Tập đoàn VTP như Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP; CTCP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Công ty Việt Vĩnh Phú… Vân cũng là người trực tiếp sử dụng số tiền mà nhóm Vạn Thịnh Phát rút ra khỏi SCB.
Trong đó Vân với vai trò là người điều lành công ty Laivifood trực tiếp chỉ đạo thành lập, sử dựng nhóm 52 công ty ma tạo lập 586 khoản vay, giúp Lan rút khoản tiền đặc biệt lớn.
Ảnh Trương Huệ Vân |
Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt đã sử dụng nhóm công ty do Tường Việt quản lý và điều hành để lập 15 hồ sơ vay khống, tài sản đảm bảo do Trương Mỹ Lan đưa vào, tiền rút ra cả Lan và Trước sử dụng. Hành vi của 5 đối tượng “tạo lập” này đã phạm vào tội “tham ô tài sản”.
“Cơ duyên” của Dương Tấn Trước và Trương Mỹ Lan bắt đầu từ việc Lan nhờ Trước đứng tên nhận chuyển nhượng khống dự án Thanh Yến. Sau khi giải ngân “khoản vay” liên quan dự án Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung lập hồ sơ cho công ty Tường Việt vay tiền.