Cơ quan điều tra xác định trong vụ Vạn Thịnh Phát có 6 đối tượng "chủ chốt" và 5 đối tượng "tạo lập" giúp sức Trương Mỹ Lan tham ô tài sản.
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng. Giúp sức cho Lan “tham ô tài sản” còn có các đối tượng khác. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định trong 86 người bị truy tố, có 6 đối tượng được xem là "chủ chốt" và 5 đối tượng được xem là "tạo lập" giúp sức Lan tham ô tài sản.
6 đối tượng "chủ chốt" giúp sức Lan gồm (1) Đinh Văn Thành, (2) Bùi Anh Dũng, (3) Võ Tấn Hoàng Văn, (4) Trương Khánh Hoàng, (5) Trần Thị Mỹ Dung và (6) Tạ Chiêu Trung.
Đây là những người quản lý, có quyền định đoạt tài sản của ngân hàng trong việc xét duyệt cấp tín dụng cho khách hàng vay vốn, hợp thức hóa việc rút tiền ra khỏi SCB. Tuy không phải là người trực tiếp sử dụng tiền, nhưng đã gây thiệt tại cho SCB. Hành vi phạm tội của 6 nhân sự chủ chốt này cấu thành tội “Tham ô tài sản”.
>>Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB
Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB. Đinh Văn Thành làm việc tại Ngân hàng Đệ Nhất (một trong 3 ngân hàng tiền thân của SCB ngày nay) từ năm 2009 và sau này tại SCB đến tháng 12/2021.
Từ 28/6/2012 đến 6/12/2020 Đinh Văn Thành ở SCB với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tín dụng hội sở, Chủ tịch/Thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Thành đã đồng ý cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP vay 479 khoản có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 422.853 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 270.890 tỷ đồng và dư nợ lãi 151.961 tỷ đồng).
Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB. Dũng làm việc tại Ngân hàng Tín Nghĩa từ tháng 5/2009. Sau khi 3 ngân hàng sáp nhập, Dũng lại tiếp tục làm việc tại SCB mới, trải qua nhiều chức vụ khác nhau. Dũng được Lan cho làm Chủ tịch SCB vì “hiền lành, biết nghe lời, được lòng nhiều người”.
Bùi Anh Dũng cùng Đinh Văn Thành là 2 trong số 3 cựu Chủ tịch ngân hàng SCB bị truy tố trong vụ Vạn Thịnh Phát. khi Đinh Văn Thành còn là Chủ tịch HĐQT của SCB thì Bùi Anh Dũng từng là Phó Tổng Giám đốc.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Bùi Anh Dũng được cho làm Chủ tịch SCB vì "hiền lành, không quậy phá"
Bùi Anh Dũng có 31 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngân hàng, kinh qua nhiều vị trí tại SCB hàng chục năm trước khi xảy ra vụ khởi tố.
Từ 10/4/2013 đến 22/9/2022 Bùi Anh Dũng đã ký quyết định cho 461 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn VTP của Trương Mỹ Lan vay 611 khoản, có dư nợ đến 17/10/2022 là 412.304 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 322.294 tỷ đồng và dư nợ lãi 90.010 tỷ đồng).
Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên tổng giám đốc SCB, là một trong số những nhân vật chủ chốt. Võ Tấn Hoàng Văn cũng được xác định là người đưa hối lộ 5,2 triệu USD đến tay Đỗ Thị Nhàn.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Đỗ Thị Nhàn "chỉ điểm" cho Trương Mỹ Lan cách thoát nạn đợt thanh tra như thế nào?
Võ Tấn Hoàng Văn cũng là người chứng kiến việc Trương Mỹ Lan đưa các đối tượng lên làm lãnh đạo SCB để chỉ đạo việc lập hồ sơ, vay vốn khống.
Ngoài ra để tránh sự kiểm soát của Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Trương Mỹ Lan chỉ đạo trực tiếp Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành lập các đơn vị cho vay tại hội sở SCB.
>>Bất ngờ với thủ đoạn mới tinh vi, giúp Trương Mỹ Lan dễ dàng “qua mắt” sự kiểm soát của NHNN
Văn đã ký đồng ý cho 402 khách hàng vay 638 khoản, có dư nợ đến 17/10/2022 là 405.110 tỷ đồng (trong đó có 271.308 tỷ đồng nợ gốc và 133.801 tỷ đồng nợ lãi).
Trương Khánh Hoàng, nguyên quyền Tổng Giám đốc ngân hàng SCB từ 15/5/2021 đến 11/8/2022. Hoàng khai nhận biết Trương Mỹ Lan sở hữu cổ phần chi phối tại SCB thông qua những người khác, có thực quyền quyết định mọi hoạt động chính của ngân hàng; khoảng 90% khoản cho vay của SCB là của các cá nhân/pháp nhân thuộc nhóm VTP.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm, từ 9/9/2019 đến 8/11/2020 Trương Khánh Hoàng đã đồng ý cho 270 khách hàng vay 386 khoản vay với dư nợ đến 17/20/2022 là 285.158 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 220.154 tỷ đồng và và nợ lãi 65.004 tỷ đồng).
Trong quá trình điều tra, Trương Khánh Hoàng đã thành khẩn khai báo, phối hợp với gia đình nộp 9,85 triệu cổ phần SCB.
>>Profile 4 cựu Tổng giám đốc ngân hàng SCB bị truy tố trong vụ Vạn Thịnh Phát
Tạ Chiêu Trung, nguyên Phó Chủ tịch ngân hàng SCB từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2019, làm việc tại SCB từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2019. Ngoài ra Tạ Chiêu Trung còn là Tổng giám đốc Tài chính Việt Vĩnh Phú. Việt Vĩnh Phú cũng là doanh nghiệp đứng tên hộ Lan hơn 195,3 triệu cổ phần, chiếm 12,828% vốn điều lệ SCB.
Trung có nhiệm vụ tham gia họp HĐQT SCB, thông qua tỷ lệ biểu quyết để quyết định những vấn đề quan trọng, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề nhân sự, phát triển mạng lưới, báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm…
Trung đã ký đồng ý cho 79 khách hàng vay 106 khoản với dư nợ đến 17/10/2022 là 60.433 tỷ đồng (trong đó có 36.006 tỷ đồng nợ gốc, 24.426 tỷ đồng nợ lãi).
Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó Tổng giám đốc SCB. Mỹ Dung làm việc tại SCB từ tháng 5/2010 đến tháng 9/2022 qua nhiều vị trí khác nhau. Khi cần sử dụng tiền, Trương Mỹ Lan sẽ thông báo cho Trương Huệ Vân, Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung.
Nội dung thông báo cần bao nhiêu tiền, sử dụng tài sản nào để thế chấp, thời gian giải ngân, để mọi người cùng thực hiện.
Trên cơ sở chỉ thị từ Trương Mỹ Lan, Dung sẽ thông báo cho phía SCB họp HĐQT gồm Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Đỗ Phú Huy (Chủ tịch UB kinh doanh và đầu tư Hội sở); Bùi Nhân, Phó Giám đốc khối tái thẩm định; Trần Hoàng Giang, Giám đốc phòng tái thẩm định; và Bùi Ngọc Sơn, chuyên viên phòng tái thẩm định.
Từ 11/9/2019 đến 15/8/2022 Trần Thị Mỹ Dung đã ký đồng ý cho 394 khách hàng, vay 617 khoản với dư nợ đến 17/10/2022 là 356.873 tỷ đồng (trong đó 287.850 tỷ đồng nợ gốc và 69.023 tỷ đồng nợ lãi).