Bí ẩn công ty Tường Việt: Nguyên Tổng Giám đốc nhận 3.700 tỷ từ Trương Mỹ Lan

28-11-2023 17:57|Hồ Nga

Chủ tịch công ty Tường Việt để nhân viên ký thay trong các hồ sơ vay vốn nghìn tỷ vì việc này "vẫn thường xuyên diễn ra".

Trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, SCB và các công ty liên quan, có 86 người bị truy tố, trong đó có 2 bị can là lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tường Việt với các tội danh khác nhau.

Cụ thể, bị can Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc công ty Tường Việt, bị truy tố tội “Tham ô tài sản” và bị can Cao Việt Dũng, Chủ tịch công ty Tường Việt, bị truy tố tội “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Dương Tấn Trước nhận hơn 3.770 tỷ đồng từ Trương Mỹ Lan

Bị can Dương Tấn Trước khai nhận quen biết Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020. Quá trình tiếp xúc Lan biết Dương Tấn Trước am hiểu về việc triển khai các dự án bất động sản nên muốn chuyển nhượng lại cho Trước và công ty Tường Việt dự án Thanh Yến với giá 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên Dương Tấn Trước không phải thanh toán tiền, mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng SCB để nhận nợ.

Trương Mỹ Lan yêu cầu số tiền nhận nợ là 3.500 tỷ đồng, trong đó 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án, 1.000 tỷ đồng Trương Mỹ Lan sử dụng. Dương Tấn Trước nói lại với Cao Việt Dũng, Chủ tịch công ty Tường Việt, và được Dũng đồng ý.

Để thực hiện, Dương Tấn Trước giao cho nhân viên của Công ty Tường Việt liên hệ với Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng để phối hợp nhân viên SCB thực hiện phương án sử dụng công ty Thuận Tiến và công ty Thiên Minh để lập khống 2 hồ sơ với khoản vay 3.500 tỷ đồng tại SCB. Khi SCB giải ngân 3.500 tỷ đồng, 2 công ty này nhận nợ và tiền được chuyển vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.

Sau khi thực hiện 2 khoản vay, Trương Mỹ Lan chỉ đạo làm hồ sơ cho Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng, bằng việc công ty Tường Việt làm hạn mức vay vốn ngân hàng SCB phục vụ sản xuất kinh doanh dù không có phương án hoạt động và không có nhu cầu vay vốn, và cũng không có tài sản đảm bảo.

Theo thỏa thuận Trương Mỹ Lan đưa Dương Tấn Trước 1.500 tỷ đồng nhưng đến 6/7/2022 Dương Tấn Trước mới nhận được 1.498 tỷ đồng. Trong số này Dương Tấn Trước nhận 1.258 tỷ đồng còn 240 tỷ đồng đưa Trương Mỹ Lan sử dụng.

Để đảm bảo thỏa thuận đưa Dương Tấn Trước 1.500 tỷ đồng, nên Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập thêm khoản vay hạn mức 250 tỷ đồng cho công ty Việt Đức thuộc nhóm Tường Việt.

Như vậy thông qua 2 khoản vay, công ty Tường Việt và công ty Việt Đức đã rút 1.746,5 tỷ đồng từ SCB. Trong số tiền rút ra này Trương Mỹ Lan dùng 240 tỷ đồng, Dương Tấn Trước dùng 1.368,5 tỷ đồng và công ty Tường Việt dùng 138 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh.

Khi vụ án bị khởi tố, Dương Tấn Trước và công ty Tường Việt đã trả lại một phần gốc, lãi 2 khoản vay, hiện còn dư nợ hơn 900 tỷ đồng (trong đó có 788 tỷ đồng nợ gốc).

>>Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB

Ngoài ra Dương Tấn Trước còn nhận của Trương Mỹ Lan hơn 2.696 tỷ đồng (trong số này đã đưa lại cho Trương Mỹ Lan số tiền 292,5 tỷ đồng - còn lại Dương Tấn Trước dùng 2.403,5 tỷ đồng), đến nay còn hơn 2.204 tỷ đồng, Dương Tấn Trước xin tự nguyện trả lại toàn bộ cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả.

Như vậy tính cả tiền nhận từ khoản vay của nhóm công ty Tường Việt (1.368,5 tỷ đồng) và tiền nhận hơn 2.400 tỷ đồng sau đó, Dương Tấn Trước đã nhận từ Trương Mỹ Lan tổng 3.772 tỷ đồng.

Bí ẩn công ty Tường Việt trong vụ Vạn Thịnh Phát:

Cao Việt Dũng - vị Chủ tịch "thú vị": Thường xuyên để nhân viên ký thay vì "bận"

Cao Việt Dũng, Chủ tịch Công ty Tường Việt là vị lãnh đạo khá “thú vị”. Lời khai của Dũng cho biết đã được Dương Tấn Trước báo cáo về việc vay vốn, nhận chuyển nhượng dự án khống nói trên.

Thậm chí khi Dương Tấn Trước chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ vay với phương án kinh doanh, hợp đồng mua bán khống giữa các công ty thuộc nhóm Tường Việt, Dũng đồng ý việc Trước chỉ đạo nhân viên ký thay chữ ký trong hồ sơ vay vốn.

Mặc dù Dũng không trực tiếp ký vào mỗi giấy thỏa thuận nhận nợ, không ký ủy nhiệm chi nhưng qua việc SCB vẫn giải ngân khoản vay, Cao Việt Dũng hiểu rằng Dương Tấn Trước và nhân viên trong công ty phải ký thay chữ ký của mình. Việc này vẫn thường xuyên diễn ra do Cao Việt Dũng bận việc, không trực tiếp ký hồ sơ được nên không phản đối việc này.

Trong tổng số tiền 1.498 tỷ đồng khoản vay được SCB giải ngân, Dương Tấn Trước đưa về công ty Tường Việt sử dụng 138 tỷ đồng, số còn lại do Dương Tấn Trước và Trương Mỹ Lan sử dụng.

Ngoài ra Cao Việt Dũng nhận của Trương Mỹ Lan 36,5 triệu cổ phần ngân hàng SCB (trị giá 365 tỷ đồng theo mệnh giá), ký hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần nhưng chưa thanh toán tiền. Cao Việt Dũng xin tự nguyện trả lại số cổ phần này cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả.

>>Vụ SCB: Ngoài Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD, những người khác trong đoàn thanh tra nhận được những gì?

Những giao dịch thế chấp tài sản đáng chú ý

Năm 2020 Cao Việt Dũng và Đinh Hải Yến liên tục có những giao dịch thế chấp tài sản tại ngân hàng, cụ thể:

-Tháng 8/2020 Dũng và Yến đứng tên thế chấp tại ngân hàng Indovina. Tài sản đảm bảo là 7 hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, là các lô đất nền với mỗi lô đều có diện tích đất sử dụng 149,4m2 tại dự án Khu nhà ở quy mô 4,8ha phường An Phú, quận 2 (An Phu New City).

-Tháng 11/2020 là 02 hợp đồng đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - LPB) với tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ, quyền được bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng mua bán với 02 lô thương mại tại dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh (dự án Eco Green Sài Gòn).

Đáng chú ý, tháng 6/2021 bản thân công ty Tường Việt có giao dịch thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB). Tài sản đảm bảo là 15 quyền tài sản là các hợp đồng mua bán lô thương mại tại cùng dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh (dự án Eco Green Sài Gòn) như Cao Việt Dũng.

>>Vụ Trương Mỹ Lan: Tại sao dư nợ cho vay 677.286 tỷ nhưng chỉ cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ?

Vụ Trương Mỹ Lan: Tại sao dư nợ cho vay 677.286 tỷ nhưng chỉ cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ?

Vụ SCB: Ngoài Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD, những người khác trong đoàn thanh tra nhận được những gì?

Bí ẩn dòng tiền 5,2 triệu USD do Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ vụ SCB: Tiền đã "đi" đến những đâu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bi-an-cong-ty-tuong-viet-trong-vu-van-thinh-phat-nguyen-tong-giam-doc-nhan-3700-ty-tu-truong-my-lan-213046.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bí ẩn công ty Tường Việt: Nguyên Tổng Giám đốc nhận 3.700 tỷ từ Trương Mỹ Lan
POWERED BY ONECMS & INTECH