21 xã, phường tại Ninh Bình có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Bình mới có tổng chiều dài khoảng 86km.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tổng chiều dài khoảng 1.541km, là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, kết nối Hà Nội với TP. HCM. Tuyến đường được thiết kế tốc độ tối đa 350km/h, góp phần rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa hai đầu đất nước, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch và liên kết vùng.
Trên toàn tuyến, dự án bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Riêng đoạn qua tỉnh Ninh Bình mới có chiều dài khoảng 86km, đi qua địa bàn 21 xã, phường, gồm 12 phường và 9 xã, với 3 nhà ga chính là Phủ Lý, Nam Định và Ninh Bình cùng 3 trạm bảo dưỡng đặt tại xã Bình Sơn, xã Liên Minh và phường Yên Thắng, báo Lao Động thông tin.
Các phường có tuyến đường sắt cao tốc đi qua bao gồm Đông Hoa Lư, Nam Hoa Lư, Trung Sơn, Yên Thắng, Liêm Tuyền, Hà Nam, Tiên Sơn, Đồng Văn, Mỹ Lộc, Đông A, Thành Nam và Trường Thi. Trong khi đó, các xã là Liên Minh, Yên Cường, Yên Đồng, Thanh Bình, Liêm Hà, Bình An, Bình Sơn, Bình Mỹ và Bình Giang.

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi để thực hiện dự án đoạn qua địa phương là khoảng 612,4ha, trong đó đất ở chiếm 36,47 ha, đất nông nghiệp khoảng 513,3ha, đất rừng 11,15ha và các loại đất khác khoảng 51,49ha. Để phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, tỉnh đã quy hoạch 27 điểm tái định cư dọc tuyến.
Bên cạnh đó, Ninh Bình đang triển khai quy hoạch và khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga theo mô hình TOD (phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng), nhằm hình thành các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, tận dụng tối đa lợi thế hạ tầng giao thông mới. Đồng thời, địa phương cũng ưu tiên nguồn lực để xây dựng các tuyến đường kết nối cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cùng hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ với khu vực các nhà ga, đảm bảo khả năng tiếp cận thuận tiện cho người dân và hàng hóa.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua Ninh Bình không chỉ hứa hẹn thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, mà còn mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân. Với tốc độ nhanh, kết nối trực tiếp tới các trung tâm lớn, tuyến đường được kỳ vọng sẽ biến Ninh Bình thành điểm đến quan trọng trong mạng lưới hạ tầng hiện đại của Việt Nam.
> > Một địa phương điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Hơn 2.100 hộ dân tại Thanh Hóa chuẩn bị di dời, nhường chỗ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Sắp thực hiện bước đầu tiên để giải phóng mặt bằng dự án ‘siêu’ đường sắt của Việt Nam