3 tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam khi lãi suất USD giảm
Việc lãi suất USD giảm được nhận định sẽ giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài tìm đến các quốc gia giàu tiềm năng như Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại dòng vốn sẽ không dịch chuyển về các quốc gia mới nổi như kỳ vọng khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Việt Nam thêm dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ
Ngày 19/9/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất với mức giảm 50 điểm cơ bản. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid -19 diễn ra.
Chưa đầy 2 tháng sau, ngay sau khi cuộc bầu cử để chọn ra Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ kết thúc, Fed lại tiếp tục hạ lãi suất lần 2 với 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành của Mỹ xuống còn 4,50 - 4,75%.
Việt Nam thêm dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ. |
Bình luận về động thái này, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Nguyễn Trãi, nhận định dù Fed giảm lãi suất sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ mà vẫn đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, từ đó vẫn có thể duy trì mức lãi suất thấp.
Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho biết thêm, có một điều đáng lo ngại là việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ lại có khả năng hút dòng tiền trở lại Mỹ vì chính sách tệ và chính sách tài khóa ở Mỹ độc lập nhau.
Chính sách của Tổng thống Donald Trump là bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và việc bảo hộ này sẽ khiến dòng tiền có xu hướng chảy về Mỹ bất chấp lãi suất giảm, vì tận dụng những chính sách lợi thế mà ông Trump có thể mang lại cho các doanh nghiệp nội địa Mỹ.
“Cho nên có thể thấy, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên thị trường, bất chấp việc giảm lãi suất, do đó lo ngại dòng vốn sẽ không dịch chuyển về các quốc gia mới nổi như kỳ vọng trước đó khi Fed giảm lãi suất”, ông Huân nói.
>>Mục sở thị đường trục phát triển hơn 5.000 tỷ nối Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Ba tác động tích cực
Trong khi đó bà Nguyễn Diệu Huyền, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhận định, việc cắt giảm lãi suất như nói ở trên là 2 tin vui liên tiếp đối với kinh tế thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam khi có thể mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và GDP Việt Nam tăng trưởng tốt hơn.
Ba tác động tích cực. |
Bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 98,4 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024, chiếm trên 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ông Donald Trump “trở lại ngôi vương” sẽ thúc đẩy hoạt động ngoại thương giữa 2 quốc gia lên tầm cao mới một khi ông ấy tái thực hiện các chính sách kinh tế đã từng thực hiện ở nhiệm kỳ trước.
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu và các yếu tố khác như lạm phát, chính sách thương mại và các yếu tố nội tại của nền kinh tế.
Cụ thể hơn, bà Huyền cho biết, việc hạ lãi suất của Fed tạo tác động tích cực đến tỷ giá, mặt bằng lãi suất, hoạt động xuất nhập khẩu… và tác động tới tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ nhất, về tỷ giá, việc Fed hạ lãi suất giúp giảm bớt chênh lệch lãi suất USD/VND, “đồng bạc xanh” có thể suy yếu so với VND, qua đó giảm bớt áp lực đối với tỷ giá, giúp ổn định thị trường ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Tỷ giá ổn định góp phần kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, làm tiền đề hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong nước.
Thứ hai, về lãi suất, việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ góp phần giảm bớt áp lực đối với việc tăng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay USD. Điều này là cần thiết trong bối cảnh áp lực tăng lãi suất của Việt Nam đang gia tăng do lãi suất đầu vào tăng. Vì vậy, động thái vừa rồi của Fed góp phần giúp Việt Nam ổn định được mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay.
Thứ ba, về hoạt động xuất khẩu, lãi suất USD giảm sẽ kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng của Mỹ và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, qua đó kích cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, với tỷ giá VND/USD thuận lợi, hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang Mỹ, châu Âu - những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cũng như các thị trường khác trên thế giới.
Ngoài ra, bà Huyền cũng chia sẻ thêm, lãi suất USD giảm sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, cũng như tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, do dòng vốn đầu tư nước ngoài tìm đến các quốc gia giàu tiềm năng như Việt Nam để tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Đồng thời, khi lãi suất USD giảm khiến chi phí vốn vay bằng ngoại tệ của Chính phủ và doanh nghiệp giảm đáng kể, góp phần kích cầu đầu tư, giảm rủi ro nợ vay trong thời gian tới.