461/463 ĐBQH tán thành cơ chế mới về nhà ở xã hội: Điều gì sẽ chờ đợi người dân từ 1/6?
Với 461/463 Đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NOXH) vừa được thông qua không chỉ tháo gỡ nút thắt tồn tại suốt nhiều năm mà còn đặt nền móng cho một chiến lược an sinh nhà ở bền vững, công bằng và hiệu quả hơn cho hàng triệu người dân.
Chiều 29/5, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NOXH với tỷ lệ đồng thuận gần như tuyệt đối: 461/463 đại biểu tán thành (chiếm 96,44%). Đây được xem là bước ngoặt lớn trong chính sách an sinh nhà ở, mở ra kỳ vọng mới cho hàng triệu người thu nhập thấp, công nhân, viên chức và người lao động cả nước.
![]() |
Quỹ nhà ở quốc gia lần đầu tiên được 'chốt' để cho thuê lâu dài
Một trong những điểm nhấn đột phá của Nghị quyết là việc chính thức hình thành Quỹ nhà ở quốc gia, hoạt động như một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, không vì mục tiêu lợi nhuận, với quy mô gồm Quỹ Trung ương do Chính phủ thành lập và Quỹ địa phương do UBND cấp tỉnh thành lập.
Khác với các mô hình NOXH hiện nay vốn dễ bị chuyển nhượng sau thời gian tối thiểu, Quỹ nhà ở quốc gia sẽ tập trung tạo lập quỹ nhà để cho thuê lâu dài, ổn định, giúp người lao động không còn lo bị “đuổi khỏi nhà” sau vài năm, đồng thời tiết kiệm tài nguyên đất đai, sử dụng nhà ở một cách hiệu quả, luân phiên cho các đối tượng khó khăn.
Đây là lần đầu tiên, Quốc hội “chốt” một hướng đi dài hạn, có tính bền vững cho chính sách NOXH, thay vì dựa hoàn toàn vào doanh nghiệp như trước đây.
Cắt giảm tới 70% thời gian làm thủ tục, gỡ nút thắt cho nhà đầu tư
Một loạt thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư NOXH được bãi bỏ, rút gọn hoặc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo làn gió mới cho doanh nghiệp muốn tham gia lĩnh vực này.
Cụ thể: Không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, không cần thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, giúp rút ngắn khoảng 200 ngày, tương đương 70% thời gian thủ tục.
Miễn thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, giúp tiết kiệm 65 ngày.
Bỏ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn, tiết kiệm 15–35 ngày.
Áp dụng chỉ định thầu rút gọn thay vì đấu thầu rộng rãi, tiết kiệm 45–105 ngày.
Miễn giấy phép xây dựng nếu dùng thiết kế mẫu, điển hình, rút ngắn thêm 20–30 ngày.
Chủ đầu tư tự xác định giá bán, giá thuê NOXH, không cần trình thẩm định trước, chỉ kiểm toán và hậu kiểm sau, tiết kiệm ít nhất 30 ngày.
Tổng cộng, các điều chỉnh này có thể giúp rút ngắn tới hơn 400 ngày thủ tục hành chính, gỡ nút thắt lớn khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư NOXH suốt thời gian qua.
![]() |
Lần đầu tiên hình thành Quỹ nhà ở quốc gia để cho thuê lâu dài, rút gọn tới 70% thời gian thủ tục cho nhà đầu tư, mở rộng đối tượng thụ hưởng và trao quyền chủ động cho địa phương. |
>>>Tín dụng bất động sản TP.HCM tăng gần 3%: Giao dịch ít, dự án vắng, tiền đang chảy về đâu?
Mở rộng đối tượng được thuê nhà ở xã hội
Một điểm mới rất đáng chú ý trong Nghị quyết là việc mở rộng đối tượng được thuê NOXH, không chỉ giới hạn trong nhóm thu nhập thấp hay công nhân.
Lần đầu tiên, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội được phép thuê NOXH để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Điều này hứa hẹn giảm áp lực “sống xa, đi làm xa” của hàng triệu người làm việc trong khu đô thị, khu công nghiệp, vùng đô thị hóa nhanh.
Đồng thời, các địa phương được giao quyền tự chủ xác định đối tượng hỗ trợ, căn cứ theo điều kiện hạ tầng giao thông, thời gian di chuyển, đặc thù vùng miền, giúp chính sách linh hoạt và sát thực tiễn hơn.
Kiểm soát rủi ro, phòng chống trục lợi chính sách
Dự thảo Nghị quyết cũng giao Chính phủ xây dựng các quy định ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trục lợi chính sách NOXH, vấn đề vốn gây bức xúc thời gian qua. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình để bảo đảm NOXH không trở thành “nhà tạm giá rẻ”.
Đặc biệt, trước nhu cầu cấp bách và khối lượng công việc lớn cần triển khai, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Nghị quyết cần có hiệu lực ngay sau khi thông qua. Chính phủ đã tiếp thu và chỉnh lý: Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/6/2025 (sớm hơn thông lệ), trừ các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết thì có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025.
Quốc hội khóa XV đã không chỉ biểu quyết đồng thuận cao, mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ: an sinh nhà ở không thể chờ thêm 5–10 năm nữa. Với Nghị quyết này, NOXH không còn là bài toán khó bất khả thi, mà là động lực chính sách mạnh mẽ, tạo đòn bẩy phục hồi niềm tin cho người lao động, doanh nghiệp, và cả thị trường bất động sản.