6 năm rượt đuổi trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc Việt: An Khang tụt dốc trước sự bành trướng của Long Châu, lối thoát nào để tái sinh?
Trái ngược với sự mở rộng của Long Châu, chuỗi nhà thuốc An Khang buộc phải thu hẹp quy mô và tái cấu trúc sau 6 năm trượt dài trong thua lỗ.
Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được xem là "miếng bánh" béo bở với tiềm năng phát triển lớn. Nhận thấy cơ hội này, các “đại gia” ngành bán lẻ công nghệ như CTCP Kỹ thuật số Bán lẻ FPT (HoSE: FRT) và CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (HoSE: MWG) đã nhanh chóng lấn sân vào thị trường, tạo nên cuộc đua gay cấn giữa hai chuỗi nhà thuốc Long Châu và An Khang.
Mặc dù có mô hình hoạt động tương tự nhau song chiến lược đầu tư chưa hiệu quả đã khiến cho An Khang chật vật trong việc tìm kiếm lợi nhuận trong hơn 6 năm qua. Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu liên tục có động thái mở rộng mạng lưới và ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Với định hướng mới, An Khang kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng doanh thu hai chữ số và đạt điểm hòa vốn trước cuối năm 2024. Liệu những thay đổi trong chiến lược có đủ giúp An Khang vượt qua thách thức và nhanh chóng lật ngược thế cờ?
Long Châu áp đảo với 1.849 cửa hàng tính đến cuối quý III/2024 |
An Khang “hụt hơi” trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc Việt
Thế giới Di Động (MWG) bắt đầu lấn sân vào mảng dược phẩm đầu năm 2018 với việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Sau đó, chuỗi nhà thuốc này đã thực sự bứt tốc với việc mở rộng quy mô chạm ngưỡng 500 đơn vị vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn chưa khả quan đã khiến kế hoạch mở rộng của An Khang phải tạm dừng. Trong vòng năm 2023, An Khang chỉ tăng 27 nhà thuốc lên con số 527 và có những động thái thu hẹp mạnh mẽ từ tháng 6/2024. Tính đến cuối quý III/2024, An Khang chỉ còn 326 cửa hàng trên toàn quốc.
Nhìn trên phương diện lợi nhuận, An Khang vẫn chưa thể "đem tiền về cho mẹ" khi ghi nhận khoản lỗ hơn 300 tỷ đồng trong các năm 2022 và 2023. Trong 9 tháng 2024, chuỗi nhà thuốc này cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc khi báo lỗ 320 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên 982 tỷ đồng.
Trong định hướng kinh doanh năm 2024, MWG không còn nhấn mạnh "lợi nhuận" khi đề cập đến chuỗi An Khang. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc MWG, cho biết doanh thu hiện tại của mỗi cửa hàng An Khang đạt khoảng 450 triệu đồng/tháng. Công ty đang nỗ lực đẩy doanh thu lên mức trên 550 triệu đồng để đạt điểm hòa vốn. Ban lãnh đạo kỳ vọng chuỗi An Khang sẽ đạt tăng trưởng doanh thu hai chữ số, mở rộng thị phần và chạm mốc hòa vốn vào cuối năm 2024.
>> So găng Long Châu và An Khang: Ai sẽ là ‘Vị vua’ của thị trường nhà thuốc?
An Khang tiếp tục báo lỗ 320 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024 |
“Long mạch” đưa chuỗi nhà thuốc của FPT Retail (FRT) bứt tốc
Nhìn sang đối thủ cạnh tranh trực tiếp với An Khang là Long Châu, chuỗi nhà thuốc này vẫn duy trì chiến lược bành trướng trong giai đoạn 2022-2023 khi liên tục mở rộng quy mô với tốc độ thần tốc.
Năm 2022, Long Châu mở mới 537 cửa hàng, trong khi con số này tăng lên 560 cửa hàng vào cuối năm 2023. Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, chuỗi nhà thuốc này đã đạt mốc 1.849, tăng thêm 352 cửa hàng so với đầu năm bất chấp sự thu hẹp từ các đối thủ cạnh tranh. Với kết quả hiện tại, FRT đang tiến rất gần đến cuối năm 2024 với con số 1.900 nhà thuốc.
“Thừa thắng xông lên”, FPT Long Châu tiếp tục đẩy mạnh vào lĩnh vực tiêm chủng, mở rộng mạng lưới trung tâm vaccine lên 115 điểm trên 46 tỉnh thành. Hệ thống này không chỉ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế uy tín, mà còn hỗ trợ Long Châu hoàn thiện hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện. Đây là bước tiến mới, góp phần củng cố vị thế của Long Châu trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.
Đi cùng đà tăng quy mô, doanh thu của Long Châu cũng "leo dốc" đầy ấn tượng, trở thành động lực và trụ cột chính của FPT Retail. Năm 2022, doanh thu từ chuỗi nhà thuốc này chiếm khoảng 32% tổng doanh thu của FRT, đến năm 2023, con số này đã đạt 50% trên tổng thu 31.850 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Long Châu đã đóng góp 18.006 tỷ đồng (tăng 62%), chiếm 85% doanh thu toàn FRT với mức doanh thu bình quân đạt gần 1,2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Đáng chú ý, chuỗi nhà thuốc đã bắt đầu có lãi cho FRT từ năm 2021, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Trong giai đoạn 2022-2023, Long Châu tiếp tục "mang tiền về cho mẹ" với những khoản lãi tăng bằng lần.
Long Châu đã đóng góp 85% doanh thu cho FPT Retail trong 9 tháng năm 2024 |
Chiến lược mới cho sự hồi sinh của chuỗi nhà thuốc An Khang
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả như mong đợi, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di Động, cho biết công ty sẽ tạm dừng việc mở rộng nhằm tập trung vào việc nâng cao doanh thu trên mỗi điểm bán và kiểm soát chi phí để đạt được lợi nhuận. Đây cũng là một phần trong chiến lược cải tổ các mảng kinh doanh kém hiệu quả, tương tự như những cải cách đã thành công ở chuỗi Bách Hóa Xanh.
Bên cạnh đó, theo nhận định của SSI Research, trong bối cảnh ngành dược phẩm Việt Nam còn nhiều tiềm năng, An Khang có thể tận dụng yếu tố có hóa đơn điện tử để thu hút nhóm khách hàng sử dụng bảo hiểm y tế tư nhân, vốn đang gia tăng. Với điều này, An Khang có cơ hội thu hút những khách hàng quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm y tế minh bạch.
Tuy vậy, để thực sự cạnh tranh và khai thác hiệu quả, chuỗi nhà thuốc cần tinh chỉnh lại cơ cấu sản phẩm - một quá trình tốn kém thời gian và công sức trong lĩnh vực có tính đa dạng sản phẩm cao như dược phẩm. Trong dài hạn, các chiến lược có thể giúp An Khang cải thiện sức cạnh tranh, tăng thị phần và tiến dần đến mục tiêu đạt điểm hòa vốn trong thời gian tới.
>> Cuộc đua giữa An Khang và Long Châu, kẻ bứt tốc, người hụt hơi, 'long mạch' ở đâu?
Những trận đánh ở FPT Long Châu
MWG 'khai tử' 69 cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và nhà thuốc An Khang trong tháng 8