ACV đề xuất bổ sung đường băng thứ hai cho sân bay lớn nhất Việt Nam
ACV cho biết nếu xây dựng ngay đường băng thứ hai, tổng mức đầu tư chỉ cần khoảng 3.455 tỷ đồng.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã gửi văn bản lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đề xuất bổ sung thêm một đường băng thứ hai song song với đường băng số 1, cùng hệ thống đường lăn hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Theo kế hoạch hiện tại, sân bay Long Thành được chia làm ba giai đoạn đầu tư.
Giai đoạn 1 chỉ xây dựng một đường băng và một nhà ga hành khách, với công suất thiết kế 25 triệu lượt khách mỗi năm. Đến giai đoạn 2, việc xây dựng đường băng thứ hai mới được triển khai nhằm tăng gấp đôi công suất khai thác.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, ACV nhận thấy rằng việc xây dựng cả hai đường băng ngay từ bây giờ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình vận hành và khai thác sân bay.
Cụ thể, nếu sân bay chỉ có một đường băng, khi xảy ra sự cố như hỏng máy bay, bảo trì, sửa chữa, hay ảnh hưởng bởi thiên tai, hoạt động khai thác sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Trong khi đó, việc có hai đường băng không chỉ nâng cao khả năng đảm bảo an toàn bay mà còn giúp sân bay vận hành ổn định, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, ngay cả khi một trong hai đường băng gặp sự cố.
>> Huyện sẽ sở hữu tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam sắp xây 2 trường học rộng gần 17.000m2
Thêm vào đó, hai đường băng sẽ tối ưu hóa hoạt động khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế tổng thể ngay khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
ACV cũng chỉ ra rằng, dự án sân bay Long Thành đang trong giai đoạn thi công, việc bổ sung thêm đường băng lúc này sẽ thuận lợi hơn trong việc tổ chức đầu tư, tận dụng nguồn nhân lực và trang thiết bị sẵn có tại công trường, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí hơn so với việc triển khai sau này.
Ngược lại, nếu giữ nguyên kế hoạch hiện tại và xây dựng đường băng thứ hai sau khi sân bay đã đi vào khai thác, sẽ phát sinh nhiều vấn đề như bụi, tiếng ồn, kết nối hạ tầng, và hệ thống điều khiển kỹ thuật. Lúc đó, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân phải thường xuyên ra vào khu bay, có thể gây ảnh hưởng và thậm chí làm gián đoạn khai thác.
ACV dẫn chứng rằng các sân bay cửa ngõ quốc tế có công suất thiết kế khoảng 25 triệu lượt khách mỗi năm như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, đều được trang bị hai đường băng. Tại các nước châu Á, sân bay Kansai/Osaka có sản lượng 18 triệu hành khách mỗi năm cũng có hai đường băng, còn sân bay Thượng Hải với 28 triệu hành khách mỗi năm thậm chí có tới ba đường băng.
Với những lý do trên, ACV kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc bổ sung một đường băng mới dài khoảng 4.000m.
ACV cho biết nếu xây dựng ngay đường băng thứ hai, tổng mức đầu tư chỉ cần khoảng 3.455 tỷ đồng, số vốn mà ACV có thể huy động từ các nguồn hợp pháp của mình.
Về bài toán tài chính, việc đầu tư thêm này không làm tăng tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành. Hơn nữa, công trình sẽ hoàn thành đồng bộ cùng dự án do ACV làm chủ đầu tư, dự kiến vào tháng 9/2026.
Việc bổ sung thêm một hạng mục lớn có thể khiến dự án sân bay Long Thành hoàn thành chậm gần 1 năm so với kế hoạch hiện tại (dự kiến hoàn thành trong năm 2025), nhưng những lợi ích mang lại được ACV đánh giá là rất đáng cân nhắc.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được triển khai trên diện tích 5.000ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026, sân bay Long Thành dự kiến sẽ có công suất phục vụ 25 triệu hành khách mỗi năm, trở thành sân bay lớn nhất cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ra chỉ đạo mới đối với dự án sân bay Long Thành
Liên danh 3 công ty trúng một gói thầu quan trọng trong dự án sân bay Long Thành