Bầu cử Mỹ 2024: Làn sóng người nhập cư tác động ra sao đến ngân sách?
Tác động kinh tế của người nhập cư phụ thuộc vào trình độ giáo dục và kĩ năng lao động, phản ánh đóng góp khác biệt cho nền kinh tế của nước sở tại.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần, vấn đề nhập cư và tác động của nó đối với nền kinh tế lại một lần nữa trở thành tâm điểm tranh luận. Giới chuyên gia kinh tế từ lâu vẫn lập luận rằng người nhập cư sẽ giúp cải thiện ngân sách công tại các quốc gia phương Tây đang già hóa dân số. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy bức tranh toàn cảnh phức tạp hơn nhiều.
Theo một khảo sát của Gallup năm ngoái, 44% cử tri Mỹ cho rằng người nhập cư làm tình hình thuế xấu đi, trong khi chỉ 18% tin ngược lại. Bất chấp nhận định từ dư luận, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) lại nhận định làn sóng nhập cư gần đây sẽ góp phần giảm thâm hụt ngân sách liên bang.
Tuy nhiên, CBO cũng chỉ ra rằng lợi ích tài khóa từ người nhập cư có kỹ năng cao rõ rệt hơn so với lao động phổ thông. Đáng chú ý, cơ quan này không đưa ra ước tính về tác động đối với ngân sách cấp tiểu bang và địa phương, nhưng dự báo chi phí có thể vượt quá doanh thu ở các cấp này.
Tại Anh, một nghiên cứu mới đây của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) đã làm sáng tỏ thêm vấn đề này. Theo đó, một lao động nhập cư trung bình đóng góp ròng 225.000 bảng Anh cho ngân sách nhà nước đến tuổi 85, cao hơn nhiều so với mức âm 146.000 bảng của công dân bản địa.
Tuy nhiên, con số này biến động mạnh giữa các nhóm: người nhập cư thu nhập cao đóng góp ròng tới 684.000 bảng, trong khi nhóm thu nhập thấp lại là con số âm 578.000 bảng.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng tác động tài khóa không phải yếu tố duy nhất cần cân nhắc trong chính sách nhập cư. Vai trò của người nhập cư trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, đối phó với suy giảm dân số cũng là những khía cạnh quan trọng cần được xem xét toàn diện.
Tác động kinh tế của người nhập cư phụ thuộc vào trình độ
Gần đây, chính phủ Anh đã nâng ngưỡng lương tối thiểu cho visa lao động nhằm hạn chế nhập cư lương thấp. Một nghiên cứu khác từ Đại học Amsterdam, sử dụng dữ liệu chi tiết và ẩn danh của 17 triệu cư dân Hà Lan, chỉ ra rằng người nhập cư từ các châu lục khác, có trình độ học vấn tối đa là tiểu học, đang khiến Hà Lan tốn 360.000 euro (khoảng 400.000 USD) trong suốt cuộc đời họ. Ngược lại, những người nhập cư có bằng thạc sĩ lại đóng góp ròng 130.000 euro.
Jan van de Beek, nhà nghiên cứu độc lập đồng tác giả nghiên cứu này, giải thích rằng điều này một phần phản ánh trình độ học vấn thấp thường tương ứng với mức độ kỹ năng và lương cũng thấp.
Tại Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia năm 2017 đã công bố ước tính chi tiết về chi phí tài khóa của các nhóm di cư khác nhau. Theo đó, một người nhập cư trung bình có trình độ dưới trung học phổ thông sẽ nhận được 109.000 USD tiền phúc lợi từ tất cả các cấp chính quyền nhiều hơn số thuế họ đóng trong suốt đời (tính theo giá trị đồng đô la năm 2012).
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học khác cho rằng việc chỉ đơn thuần lấy phúc lợi nhận được trừ đi thuế đã nộp không cho thấy bức tranh đầy đủ về tác động của người nhập cư đối với ngân sách chính phủ.
Giáo sư Michael Clemens từ Đại học George Mason (Mỹ) cho rằng cách tính hiện tại đang đánh giá thấp đóng góp của người nhập cư. Ông lập luận rằng cần tính cả thuế từ lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra nhờ sử dụng lao động nhập cư. Theo cách tính này, ngay cả người nhập cư có trình độ thấp cũng mang lại lợi ích tài chính cho đất nước.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng lao động phổ thông có thể hỗ trợ đắc lực cho lao động kỹ năng cao, từ đó tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn. Ví dụ, nhân viên vệ sinh giúp bác sĩ phẫu thuật làm việc hiệu quả hơn, hay dịch vụ trông trẻ giúp kỹ sư có thể làm việc nhiều giờ hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhập cư có thể mang lại một số tác động tiêu cực. Chẳng hạn, khi có nhiều lao động giá rẻ, các doanh nghiệp có thể giảm đầu tư vào công nghệ, ảnh hưởng đến tăng trưởng năng suất lâu dài.
Mặc dù Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo nhập cư sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế trong thập kỷ tới, cả hai ứng cử viên tổng thống đều đang tập trung vào việc siết chặt kiểm soát biên giới trong chiến dịch tranh cử của mình.
Các chuyên gia nhận định rằng một chính sách nhập cư cân bằng hơn, kết hợp cả lao động kỹ năng cao và thấp, có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho đất nước. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này, với lần cải cách luật nhập cư đáng kể gần nhất diễn ra cách đây hơn 30 năm.
Theo WSJ
>> Nhật Bản dự kiến thiếu hụt gần 1 triệu lao động nước ngoài