Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đang chịu nhiều sức ép khi vị Chủ tịch bị yêu cầu từ chức sau những tiết lộ gây “chấn động” trong một báo cáo điều tra độc lập vừa được công bố.
CNN đưa tin, Martin Gruenberg, Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đang đối mặt với hàng loạt yêu cầu từ chức từ các nhà lập pháp. Được biết, một báo cáo dài 234 trang - vừa được công bố hôm thứ 3 - đã nêu chi tiết về tình trạng bắt nạt, phân biệt và quấy rối tình dục tại FDIC - cơ quan quan trọng bậc nhất với hệ thống ngân hàng Mỹ.
Martin Gruenberg, Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) |
Cụ thể, báo cáo do công ty luật Cleary Gottlieb thực hiện - được thúc đẩy bởi một cuộc điều tra của báo The Wall Street Journal. Báo cáo trích dẫn lời kể của hơn 500 người - gần 1/10 tổng số nhân viên, trong đó có một số người cáo buộc Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg đã có những hành vi không đúng mực.
Báo cáo ghi lại một số trường hợp ông đã dùng lời nói để “đả kích” cấp dưới khi nhận được tin xấu hoặc với những quan điểm mà ông không đồng tình. Điều đó khiến các nhân viên nảy sinh hành vi “trì hoãn” khi phải cung cấp tin tức vì họ sợ có thể khiến vị Chủ tịch cảm thấy khó chịu.
Ngoài ra, báo cáo cũng đã phác thảo FDIC như một cơ quan mà ở đó, hành vi quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc và bắt nạt lan tràn ở mọi cấp độ và được “dung túng”.
Báo cáo đã phác thảo FDIC như một cơ quan mà ở đó, hành vi quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc và bắt nạt lan tràn ở mọi cấp độ và được “dung túng” |
Hiện tại, nhiều nhà lập pháp đã yêu cầu ông Gruenberg từ chức. Nếu điều này xảy ra, Phó Chủ tịch Travis Hill sẽ tự động giữ chức Chủ tịch cho đến khi có người thay thế được Tổng thống chỉ định và được Thượng viện xác nhận. Trong thời gian tạm thời, điều đó sẽ khiến cơ quan này gặp nhiều “bế tắc” khi trong Ban điều hành của FDIC thêm một thành viên khác của Đảng Cộng hòa và hai thành viên Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, Seiberg không nghĩ có khả năng Gruenberg sẽ từ chức.
Hiện tại cả ông Gruenberg và ông Hill đều từ chối bình luận.