Là một trong "Tứ đại hang đá lớn của Trung Quốc", hang đá hơn 1.500 tuổi này đã trở thành một công trình kiến trúc tượng Phật nổi tiếng trên khắp châu Á.
Hang đá Vân Cương là một quần thể đền thờ hang động nằm ở ngoại ô phía tây thành phố Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc. Nơi này là một ví dụ tuyệt vời về kiến trúc cắt đá.
Hang đá Vân Cương nằm cách thành phố Đại Đồng khoảng 16km về phía tây trong một thung lũng sông dưới chân núi Vũ Châu Sơn. Nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc có niên đại thế kỷ 5 từ thời Bắc Ngụy giữa triều đại của Hưng An (453) và Thái Hòa (495). Nằm trên một ngọn núi dài khoảng 1km từ tây sang đông, quần thể này bao gồm 53 hang đá lớn, 252 bàn thờ Phật, 1.100 khám động và 51.000 tượng bằng đá, lớn nhất 17m, nhỏ nhất chỉ vài cm. Các pho tượng Bồ tát, lực sĩ, Phi thiên trong hang được chạm khắc vô cùng sống động. Trên đỉnh vách đá của hang đá Vân Cương vẫn còn tồn tại một pháo đài từ thời nhà Minh.
Quần thể hang đá Vân Cương được chia thành ba khu vực: Đông, Trung và Tây. Bên trong các hang động, có nhiều khám thờ Phật được tạc như tổ ong. Phía Đông có nhiều tháp được gọi là động tháp. Để bố trí không gian một cách hợp lý để đặt các tượng Phật, mỗi hang được chia thành hai phần: phần trước và sau,với Phật tọa ở giữa. Các vách động và đỉnh động được trang trí với nhiều bức phù điêu dày đặc. Phía Tây chủ yếu là các hang động nhỏ, nơi trưng bày các tác phẩm sau khi triều đại Bắc Ngụy rời khỏi đô thành và đi đến Lạc Dương.
Nhiều người địa phương chia sẻ rằng, nếu tất cả các tượng trong hang đá Vân Cương được tạc trong lòng núi, thì ở hang thứ hai mươi tính từ phía Đông - Tây là một hang động lộ thiên, với tượng Thích Ca ngồi ở giữa có chiều cao lên đến 13,7m. Đây được coi là một tác phẩm đại diện của nghệ thuật điêu khắc tại Vân Cương, thể hiện tinh hoa của Phật Thích Ca. Tượng có khuôn mặt tròn trịa, vai rộng và hình dáng hùng vĩ.
Hang đá Vân Cương thực sự là một biểu tượng xuất sắc của nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc. Nơi đây không chỉ tiếp tục và phát triển truyền thống nghệ thuật điêu khắc từ thời Tần - Hán, mà còn thể hiện sự tiếp nhận và phát triển tài năng nghệ thuật của Phật giáo, tạo nên một phong cách độc đáo và hiếm có. Phong cách này cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nghệ thuật trong thời kỳ Tùy - Đường.
Quần thể hang động này được mệnh danh là "Bảo tàng văn vật quan trọng" của Trung Quốc. Hang đá Vân Cương cùng với hang Mạc Cao, hang đá Long Môn và hang đá Mạch Tích Sơn được gọi là "Tứ đại hang đá lớn của Trung Quốc".
Mặc dù đã trải qua hàng chục thế kỷ với bao biến cố của thời tiết và tự nhiên nhưng phong cách điêu khắc tại hang đá Vân Cương vẫn khẳng định vị thế quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc.
Năm 2001, UNESCO đã công nhận hang đá Vân Cương là Di sản thế giới. Ủy ban Di sản thế giới đánh giá: “Hang đá Vân Cương nằm ở thành phố Đại Đồng tỉnh Sơn Tây, đại diện cho nền nghệ thuật hang đá Phật giáo xuất sắc của Trung Quốc từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 6. Trong đó năm hang Đàn Diệu có bố cục nghiêm túc và thống nhất. Là tác phẩm xuất sắc điển hình của thời kỳ đỉnh cao đầu tiên của nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc”.