Bộ Công thương thông báo khẩn đến những người định mua bất động sản
Quảng cáo bất động sản đang ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý, khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào “bẫy” kỳ vọng. Không ít trường hợp mất tiền đặt cọc vì tiện ích và cam kết trong quảng cáo không được ghi nhận trong hợp đồng.
Theo báo Dân Việt, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa phát đi khuyến cáo, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh, cùng với đó, hoạt động quảng cáo dự án ngày càng bùng nổ trên nhiều nền tảng như biển hiệu ngoài trời, mạng xã hội, livestream, Google Ads, Facebook Ads, video review… Điều đáng lo ngại là không ít nội dung quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng tiện ích, cam kết lợi nhuận phi thực tế, khiến người tiêu dùng rơi vào "bẫy" kỳ vọng và có nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc.
Một số hình thức quảng cáo sử dụng ngôn ngữ hấp dẫn, đánh mạnh vào cảm xúc như "chỉ 50 triệu giữ chỗ", "đầu tư sinh lời 20% sau 6 tháng", "khu đô thị chuẩn Singapore, tiện ích ngập tràn"… Những câu từ này thường nhấn vào tâm lý "sở hữu ngay – hưởng thụ liền" hoặc "lợi nhuận siêu tốc", dễ khiến người mua thiếu cảnh giác.

Trên thực tế, nhiều tiện ích như hồ bơi vô cực, trường học quốc tế, công viên nội khu… thường chỉ xuất hiện trong phối cảnh, brochure hoặc video quảng bá, nhưng không được đề cập trong hợp đồng mua bán chính thức. Khi phát hiện sự sai lệch giữa quảng cáo và hợp đồng, người mua thường đã lỡ đặt cọc hoặc ký thỏa thuận không chính thức, rất khó lấy lại tiền.
>> Chuyên gia cảnh báo chiêu trò 'thổi giá' đất ăn theo thông tin sáp nhập tỉnh, thành
Tình trạng này không chỉ xuất phát từ chủ đầu tư mà còn đến từ các đại lý phân phối, môi giới với mục tiêu thu hút khách hàng và hưởng hoa hồng từ giao dịch. Việc các cá nhân môi giới truyền tải thông tin không thống nhất, thậm chí sai lệch, khiến cùng một dự án có thể có hàng chục phiên bản quảng cáo khác nhau. Điều này gây rối loạn thông tin và làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cảnh báo, việc quảng cáo sai sự thật, không minh bạch về tiện ích, dịch vụ và đặc điểm dự án không chỉ vi phạm pháp luật mà còn dẫn đến hậu quả pháp lý cho chủ đầu tư. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, nếu các cam kết không được thể hiện rõ trong hợp đồng, người tiêu dùng sẽ rất khó đòi quyền lợi.
Để hạn chế rủi ro, người dân được khuyến cáo:
- Không tin tuyệt đối vào hình ảnh phối cảnh hoặc lời hứa miệng
- Chỉ giao dịch với chủ đầu tư hoặc đại lý được ủy quyền chính thức, có hợp đồng phân phối rõ ràng.
- Yêu cầu cung cấp bản dự thảo hợp đồng mua bán, đọc kỹ các điều khoản, đặc biệt là điều khoản về tiện ích, dịch vụ và cam kết.
- Kiểm tra danh sách đại lý phân phối chính thức trên website chủ đầu tư hoặc liên hệ trực tiếp qua kênh chính thức để xác minh tính pháp lý.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh, quyền lợi của người mua chỉ được đảm bảo bằng hợp đồng hợp pháp và các tài liệu pháp lý đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt. Việc thẩm định kỹ lưỡng thông tin trước khi ký kết là cách duy nhất để người tiêu dùng tự bảo vệ mình trước "ma trận" quảng cáo đang ngày càng tinh vi trong lĩnh vực bất động sản.
>> Thành phố đáng sống nhất Việt Nam cảnh báo chiêu trò lừa đảo mua 633 căn nhà ở giá rẻ