Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ điện đàm với người đồng cấp của Mỹ để tiếp tục đàm phán thuế
Chiều 4/4/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý I/2025, thông tin tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2025.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngay sau khi Mỹ áp thuế đối ứng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi công hàm với phía Mỹ; cũng như qua các kênh khác nhau tiến tới thu xếp điện đàm với người đồng cấp là đại diện Thương mại Mỹ để tiếp tục có đàm phán.
Ông Tân cho biết, để chuẩn bị cho điện đàm sắp tới, cần tiếp tục chuẩn bị các vấn đề đàm phán mà Mỹ quan tâm nhằm giải thích rõ hơn các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế...
Ông Tân nói: “Do công hàm mới gửi hôm qua, nên Bộ đang đề nghị đại sứ quán và trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ có trao đổi tích cực với phía bạn để cung cấp thông tin”.
Ông Tân thông tin, trong chiều 4/4, lãnh đạo Chính phủ sẽ họp với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Thành phần là các doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất để lắng nghe ý kiến, các đề xuất, giải pháp của doanh nghiệp để thống nhất các giải pháp và đưa ra những thông tin với doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trước tác động của thuế đối ứng, ưu tiên tập trung lúc này là bàn thảo giải pháp để ứng phó.
>>Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Bộ Công Thương không điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo thường kỳ của Bộ ngày 4/3 - Ảnh: Bộ Công Thương |
Ngoài ra, tại buổi họp báo, ông Tạ Hoàng Linh, vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với phía bạn, khẳng định Việt Nam muốn xây dựng thương mại công bằng, sẵn sàng trao đổi, đàm phán giải quyết vướng mắc bất cập để hài hòa hơn.
Ông Linh nói: “Bài phát biểu của ông Trump có nhận xét tích cực với Việt Nam, là tín hiệu tốt để hai bên trao đổi trong vài ngày tới trước thời điểm ngày 9/4, hướng tới việc cùng xử lý vấn đề hai bên đang vướng mắc”.
Trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (ước đạt 13 tỷ USD) nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%).
Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).
Sau sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4, từ ngày 5/4 toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu mức thuế cơ bản 10%. Đặc biệt, từ ngày 9/4, các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ sẽ bị áp thuế đối ứng cao hơn – trong đó Việt Nam đứng thứ hai thế giới với mức 46%, chỉ sau Campuchia (49%).
>>Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ đạt gần 120 tỷ USD năm 2024: Mặt hàng nào là chủ lực?
Việt Nam lấy làm tiếc khi Mỹ áp thuế 46%
Bộ Tài chính: Việt Nam không dựng rào cản, vì sao Mỹ vẫn muốn áp thuế 46%?