Bức tượng ngọc Nephrite Quán Thế Âm gần 15 tấn, tư thế ngồi lớn nhất Việt Nam: Được xem như 'song sinh' với pho tượng 'Phật Ngọc Hòa bình Thế giới'
Những chi tiết của tượng Quán Thế Âm được điêu khắc hết sức tinh xảo.
Lễ hội Quán Thế Âm năm 2019 tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) với nghi thức Phật giáo đan xen và hòa quyện với phần hội truyền thống đã trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh, thu hút người dân và du khách trong và ngoài nước tìm về chiêm bái.
Đây là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật, đồng thời là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phục dựng và bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp của lễ hội dân gian của đất nước và địa phương gắn với Ngũ Hành Sơn – di tích quốc gia đặc biệt.
Đặc biệt, trong đêm khai mạc, Tổ chức kỷ lục Việt Nam, Hội kỷ lục gia Việt Nam đã trao kỷ lục Việt Nam với tượng ngọc Nephrite Quán Thế Âm tư thế ngồi lớn nhất Việt Nam cho chùa Quán Thế Âm.
Bức tượng này được xem như "song sinh" với pho tượng "Phật Ngọc Hòa bình Thế giới", được chế tác từ khối ngọc nặng 18 tấn, khai thác vào năm 2000. Bức tượng ngọc được điêu khắc tỉ mỉ, có chiều cao 4,99m, trọng lượng 14,7 tấn.
Đầu năm 2009, Đại đức Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm đề nghị ông bà Ian Green - người sở hữu pho tượng "Phật Ngọc Hòa bình Thế giới" dành một phần ngọc có giá trị của khối “Pride of Polar” để tôn tạo “Ngọc Quan Âm cho tình thương nhân loại”. Tượng Phật ngọc được an vị tại chùa vào ngày 30/7/2018 (nhằm ngày 18/6 năm Mậu Tuất).
Ngọc bích Nephrite là một trong những loại báu vật đặc biệt được xếp thứ hai trong hàng “Ngũ Hoàng, Nhất Hậu”, mang biểu tượng của trí thông minh, lòng nhân ái, tận tâm và chân thật. Người Mông Cổ cổ đại coi Nephrit là tượng trưng của chiến thắng và được dùng để trang trí kiếm và thắt lưng. Ở Châu Âu, Nephrit tượng trưng cho lòng ngay thẳng, tận tâm can đảm, sự đoan chính, sự chung thuỷ và anh minh, nó được coi là biểu tượng của sự hoàn thiện và trong sạch. Người Trung Quốc tôn thờ gọi nó là đá vĩnh cửu, đá thần linh và đá bình an.
Tính đến hiện tại, chùa Quán Thế Âm đã xác lập 8 kỷ lục Việt Nam gồm: bức phướn nhà Phật dài nhất, quyển tranh về Bồ tát Quán Thế Âm dài nhất, bức thư pháp cầu quốc thái dân an dài nhất (năm 2007); bức tranh cầu mùa bằng ngũ cốc lớn nhất (năm 2008); bức tranh thư họa Thập mục ngưu đồ được thực hiện trong thời gian nhanh nhất (năm 2009); tượng Bồ tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng ngọc Nephrite đầu tiên và lớn nhất (năm 2010); bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam (năm 2018) và tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam (năm 2019).