‘Bứt phá’ công nghệ: Câu chuyện từ Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
Trung Quốc là một quốc gia có sự phát triển nhanh chóng về khoa học và công nghệ khi từ một công xưởng trở thành một trong những ông lớn quyền lực của thế giới.
Theo “Báo cáo khoa học 2021” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn học Liên hợp quốc (UNESCO), Trung Quốc là một trong những nước đầu tư mạnh nhất cho khoa học và công nghệ trên thế giới.
Số liệu từ World Bank cho biết, Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm 1996, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1% GDP nhưng đến năm 2020, con số này đã đạt 2,4% GDP.
Bên cạnh đó, số tiền Trung Quốc chi cho R&D rất lớn, lên đến 433 tỷ USD vào năm 2021. Quốc gia duy nhất chi nhiều tiền hơn Trung Quốc vào lĩnh vực này là Mỹ.
Theo SCMP, đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ là một trong những động lực cốt lõi để kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bền vững. Trong những năm gần đây, quốc gia này không ngừng tăng cường đầu tư đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, đặc biệt là đã tạo được sự đột phá trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, dữ liệu lớn, điện toán lượng tử… từng bước thay đổi diện mạo của các ngành nghề truyền thống và tạo nền tảng cho sự xuất hiện của các ngành nghề mới.
>>Doanh nghiệp Việt đầu tiên xây được nhà máy chip bán dẫn sẽ được hỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí An Toàn Thông Tin |
Bên cạnh đó, gần đây, sự ra đời của DeepSeek đã tạo ra một cơn địa chấn lớn. Chỉ trong vòng 20 ngày đầu ra mắt, DeepSeek đã thu hút hơn 20 triệu người dùng, lập kỷ lục về tốc độ phát triển.
Chia sẻ với báo Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo (AI Academy Vietnam) cho rằng, câu chuyện hiện tượng DeepSeek không hề bất ngờ với những người hiểu về AI cũng như chiến lược khoa học công nghệ quốc gia của Trung Quốc (định hướng đến năm 2050), đưa Trung Quốc lên siêu cường số 1 thế giới bằng khoa học công nghệ.
Ông Hoài nói: “Trung Quốc có mục tiêu năm 2035 sẽ là cường quốc số 1 về AI với tổng giá trị kinh tế AI nội địa là 300 tỷ USD. Như hai nhà khoa học Kai Fu Lee và Andrew Ng đã tổng kết "Mỹ phát minh, Trung Quốc ứng dụng", đã có con số thống kê cho thấy năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI tại Trung Quốc khoảng 62% cao nhất thế giới (Mỹ đứng thứ hai với tỷ lệ khoảng một nửa của Trung Quốc)”.
Bên cạnh đó, theo German Council on Foreign Relations, một tổ chức tư vấn của Đức, động lực thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ Trung Quốc là sự cạnh tranh giữa các công ty tư nhân của quốc gia này.
Trong số năm công ty phần mềm lớn nhất của Trung Quốc là Huawei, JD.com, China Mobile, Alibaba và Tencent, chỉ có China Mobile là công ty Nhà nước. Bốn công ty còn lại đều do các doanh nhân tư nhân thành lập, Tencent với sự hỗ trợ của vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ.
Chính sự cạnh tranh khốc liệt này đã tạo động lực cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm việc chăm chỉ hơn, luôn đổi mới, sáng tạo và phát triển các giải pháp độc đáo để giành thị phần, khẳng định vị thế không chỉ tại Trung Quốc mà còn vươn sức ảnh hưởng ra ngoài thế giới.
>>Việt Nam chi khoảng 0,5% GDP cho R&D, so với các nước khác thế nào?