Các thành viên BRICS bất ngờ không chung ý kiến, kế hoạch ‘tấn công’ đẩy nhanh phi USD hóa có thể không thành?
Mặc dù BRICS đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD nhưng vẫn đối diện nhiều rào cản từ “bên trong” lẫn “bên ngoài”.
BRICS là liên minh gồm các nền kinh tế đang phát triển như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ trọng GDP của BRICS đang chiếm 37,4% GDP toàn cầu, vượt quá tỷ trọng của Nhóm G7 (29,3%) và vẫn tiếp tục mở rộng. Trong những thập kỷ tới đây, hơn 40% tăng trưởng GDP toàn cầu và tất cả các động lực kinh tế thế giới đều do các quốc gia BRICS chiếm giữ.
“Năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của BRICS được dự báo là 4%. Con số này cao hơn tỷ lệ ở các nước G7 - chỉ có 1,7% và tỷ lệ toàn cầu sẽ là 3,2%. Các quốc gia trong khối của chúng ta về cơ bản là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, ông Putin nói thêm.
Có thể thấy, ngày càng nhiều quốc gia tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Và BRICS cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post (SCMP), không phải tất cả các thành viên của BRICS đều ủng hộ việc phi USD hóa.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tổ chức tại Nga (22-24/10), BRICS đã chào đón sự gia nhập của các quốc gia mới như Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với tư cách là thành viên chính thức. Đồng thời, 13 quốc gia khác cũng được mời tham gia với tư cách "quốc gia đối tác", qua đó mở rộng thêm quy mô của BRICS.
Các bên dường như tìm được tiếng nói chung trong các lĩnh vực như hợp tác về môi trường, cải cách tài chính và giải quyết các xung đột toàn cầu.
Tuy nhiên, đề xuất phi USD hóa đang đối diện nhiều ý kiến trái chiều. Một số quốc gia có thể không quá hài lòng với sự thống trị của đồng USD trong thương mại quốc tế, nhưng “khi họ tiến hành phân tích chi phí-lợi ích của việc thúc đẩy mạnh mẽ một giải pháp thay thế, hàng loạt rào cản đã xuất hiện: từ các vấn đề nội bộ, địa chính trị, kỹ thuật…và tất nhiên là cả nỗi lo ngại về khả năng bị Mỹ đáp trả”.
Nếu Nga và Trung Quốc có xu hướng thúc đẩy việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD thì các quốc gia như Ấn Độ và Brazil lại tỏ ra thận trọng hơn. Họ lo ngại rằng việc chuyển đổi sang một hệ thống tài chính mới có thể mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích. Điều này đặc biệt đúng với Ấn Độ, quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
USD hiện vẫn là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại và tài chính quốc tế. Theo Báo cáo Dự trữ Ngoại hối của IMF năm 2023, gần 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu là USD.
Điều này tạo nên một “vòng xoay sức mạnh” khi các quốc gia cần USD để ổn định hệ thống tài chính, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp như khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, phi USD hóa đồng nghĩa với việc phá vỡ một hệ thống đã có lịch sử ổn định và có hiệu quả đối với nhiều quốc gia.
Chưa hết, USD có khả năng thanh khoản cực kỳ cao và hệ thống tài chính toàn cầu được xây dựng dựa trên đồng tiền này. Các ngân hàng, tập đoàn và Chính phủ trên toàn thế giới đều sử dụng USD để giao dịch và đầu tư, khiến USD trở thành “ngôn ngữ chung” trong tài chính.
Những đồng tiền khác, dù có thể có giá trị cao, nhưng lại thiếu mạng lưới thanh khoản tương đương, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch lớn và phức tạp trên quy mô quốc tế.
Nhiều quốc gia cũng vẫn tin tưởng USD vì sự ổn định tương đối của nó. Những đồng tiền thay thế có thể đối mặt với biến động lớn hơn do sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương hoặc yếu tố kinh tế nội địa.
Việc chuyển từ hệ thống giao dịch và đầu tư dựa trên USD sang hệ thống mới cũng đòi hỏi các quốc gia, doanh nghiệp và ngân hàng phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng tài chính mới, như hệ thống thanh toán và hệ thống ngoại hối riêng.
Các tổ chức quốc tế và ngân hàng sẽ cần thay đổi hợp đồng, quy trình, và thậm chí là xây dựng các giải pháp thanh toán quốc tế hoàn toàn mới để phục vụ cho việc giao dịch bằng đồng tiền khác. Những chi phí này là một yếu tố làm chậm quá trình phi USD hóa.
Thêm nữa, USD vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư toàn cầu, nhờ vào tính ổn định, độ thanh khoản cao và nền kinh tế Mỹ đứng sau. Khi các cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, dòng tiền thường đổ về USD và trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Thói quen và niềm tin này đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ và các nhà đầu tư vẫn cảm thấy an tâm hơn khi giữ tài sản bằng USD.
Với sự không chắc chắn và thiếu thanh khoản của các đồng tiền thay thế, các quốc gia có khả nnawg phải đối phó với các rủi ro như biến động tỷ giá và giảm hiệu quả trong chính sách tài khóa và tiền tệ.
Và dù dự tính cho kế hoạch phi USD hóa có phần chưa đi đến kết quả, các nhà lãnh đạo BRICS cũng đã tiến một bước dài trên con đường phi USD hóa khi ra tuyên bố chung.
Họ khẳng định rằng các quốc gia thành viên hoan nghênh những cải tiến trong thanh toán xuyên biên giới, bao gồm việc tăng cường sử dụng tiền tệ địa phương trong các giao dịch.
Theo đó, một số thành viên BRICS cũng đang tìm kiếm giải pháp thông qua việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số để giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng USD.
Việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số như một công cụ để tránh các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây đang được quan tâm. Nhưng việc áp dụng rộng rãi các công cụ tài chính BRICS vẫn còn xa vời vì đồng USD vẫn chiếm hơn 80% giao dịch toàn cầu.
Chuyên gia Agathe Demarais
Thêm nữa, sau khi chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây do cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã tích cực thúc đẩy việc phát triển một hệ thống thanh toán thay thế để giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống Swift.
Được biết đến với tên gọi BRICS Bridge, hệ thống này được xây dựng để vượt qua những rào cản tài chính mà Nga phải đối mặt sau khi bị loại khỏi các hệ thống tài chính phương Tây.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một cơ chế thanh toán đáng tin cậy và độc lập.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng đã nhận ra rằng việc phi USD hóa không phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả các thành viên.
Có thể thấy, một số thành viên BRICS không ủng hộ phi USD hóa phần lớn là vì sự đa dạng trong nền kinh tế và chính trị của từng quốc gia.
Và mặc dù con đường còn nhiều thách thức, sức mạnh kinh tế và chính trị của BRICS có thể giúp khối này từng bước xây dựng một hệ thống tài chính giảm bớt phụ thuộc vào USD. BRICS hoàn toàn có tiềm năng trở thành một lực lượng đối trọng đáng kể trong trật tự kinh tế toàn cầu mới.