Cận cảnh tàu treo ngược tưởng chỉ có trong phim viễn tưởng ở Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia thứ ba sau Đức và Nhật Bản đã phát triển công nghệ mới này.
Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng đường ray "Cầu vồng" thử nghiệm được phát triển độc lập cho tàu đệm từ treo ngược đầu tiên của nước này được gọi là "Hưng Quốc", nằm tại huyện Hưng Quốc, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Dự án bắt đầu vào tháng 2/2021 và chính thức đi vào hoạt động từ 26/9/2023. Dự án được phát triển bởi Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tây, Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Đường sắt Trung Quốc và Trung tâm Đổi mới Vật liệu Chức năng Đất hiếm Quốc gia.
Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của hệ thống tàu hiện đại, hoạt động bằng công nghệ đệm từ, không tốn năng lượng, không ô nhiễm từ.
Theo đó tàu Hưng Quốc có thể chở 220 hành khách thông qua hai khoang và được thiết kế để chạy với tốc độ 60 - 80km/h. Quãng đường tàu di chuyển kéo dài 10km và hoạt động liên tục 12 giờ/ngày. Các chuyến tàu cách nhau 10 phút với mức giá dao động từ 30 - 120 Nhân dân tệ.
Thân tàu được lắp đặt nhiều kính rộng, sàn cũng được lắp kính trong suốt để hành được ngắm nhiều thành phố từ trên cao.
Hưng Quốc là đoàn tàu đầu tiên trên thế giới kết hợp công nghệ đệm từ với đường sắt treo.
Điểm nổi bật của tàu Hưng Quốc là thay vì dựa vào bánh xe cao su để chịu lực, tàu sử dụng nguyên lý lực đẩy giữa các vật liệu từ trường vĩnh cửu và đường ray, các nam châm tàu treo lơ lửng giữa rãnh và hệ thống dẫn hướng điện từ đảm bảo ma sát bằng 0 trong quá trình vận hành.
Tàu có nhiều lợi thế khác nhau so với tàu đệm từ thường, bao gồm khả năng leo dốc mạnh, bán kính quay vòng nhỏ hơn, độ ồn thấp hơn, tiêu thụ năng lượng thấp và không gây ô nhiễm từ.
Thường xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật khoa học viễn tưởng, tuyến đường sắt treo giống với đường sắt truyền thống nhưng bị lộn ngược. Được biết, Trung Quốc là quốc gia thứ ba sau Đức và Nhật Bản đã phát triển công nghệ lực kéo không tiếp xúc này.
Wang Zhongmei, kỹ thuật viên trưởng của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Đường sắt Trung Quốc, cho biết: Chiếm ít diện tích, tàu treo không va chạm với người đi đường hay các phương tiện giao thông khác. Số lượng người đi tàu treo chỉ bằng một nửa tàu điện ngầm, nhưng chi phí chỉ bằng 1/5”.
Công nghệ này phù hợp với hầu hết các môi trường thông thường như các khu vực đô thị, khu thương mại và thị trấn, đồng thời cũng có thể hoạt động trong các môi trường khó khăn hơn như ven hồ, bờ biển, vùng đất đóng băng hoặc sa mạc.
Đặc biệt, toàn bộ quá trình vận hành hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp của con người, trừ khi có trường hợp khẩn cấp.