Cân nhắc đối tượng giảm 2% thuế VAT
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc, tính toán lại về đối tượng được giảm thuế.
Nên kéo dài thời gian thực hiện
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và DN đạt kết quả đáng ghi nhận. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, DN, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023, 2024.
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 cũng nhận xét, nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời, trong đó chính sách giảm thuế VAT đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, số thuế VAT dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỷ đồng (trong tổng 350.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ bao trùm tất cả các lĩnh vực). Kết quả, số thực hiện trong năm 2022 đạt 44.458 tỷ đồng giúp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, được cộng đồng DN hoan nghênh, người dân hưởng ứng.
Với những kết quả tích cực của chính sách này, Chính phủ đề xuất và được Quốc hội thông qua việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT cho nửa cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Tại phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cuối tuần qua (25/5), một số đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao chính sách giảm 2% thuế VAT và đề xuất Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài việc thực hiện đến hết năm 2024.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đánh giá, thời gian qua, việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ rất linh hoạt. Trong số cách chính sách nằm trong chương trình hỗ trợ, gói hỗ trợ lãi suất 2% không thực hiện được do không khả thi, nhưng gói giảm thuế VAT phát huy hiệu quả rất cao. “Quốc hội nên cân nhắc việc tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT. Giải pháp rất thiết thực vì DN như được vay một khoản ngắn hạn lãi suất 0%, có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh lãi suất tăng cao và thủ tục vay ngân hàng khó khăn” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Cũng đánh giá cao chính sách giảm thuế VAT, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhóm chính sách thành công mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế là chính sách giảm 2% VAT. Bởi, ngoài việc góp phần kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thì chính sách này còn góp phần vào tăng thu nhập cho DN. Do vậy, chính sách giảm 2% thuế VAT cần tiếp tục được kéo dài trong thời gian tới.
Phản hồi Bộ Tài chính về việc xin ý kiến xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chính sách giảm thuế VAT 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ tháng 7 đến cuối năm 2024 là hết sức cần thiết.
Bối cảnh kinh tế thay đổi, còn vướng mắc khi triển khai
Hiện Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2%, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản… Dự kiến thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Để chính sách giảm thuế VAT được hiệu quả hơn, cùng với việc kéo dài thêm thời hạn như đề xuất của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần rà soát kỹ lại đối tượng giảm thuế.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng đối tượng tiếp tục được giảm thuế cho phù hợp với tình hình hiện tại. Bởi đối tượng giảm thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022/QH15 được ban hành trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nên khác nhiều so với thời điệm hiện tại.
Cũng đồng tình việc cân nhắc lại đối tượng giảm thuế, theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), một số ngành chưa chắc cần phải được giảm thuế VAT, bởi hiện tại DN đã trở lại hoạt động bình thường.
Trên thực tế, chính sách giảm thuế VAT đã có 3 lần triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến, nhiều DN cho biết, đang gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.
Phản hồi Bộ Tài chính về việc xin ý kiến xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, VCCI cho biết, việc cụ thể hóa các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT rất khó khăn, đặc biệt là đối với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, nhóm hàng hóa viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất cũng rất chung chung và khó phân loại.
Khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều DN phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Đề xuất áp thuế VAT 5%, doanh nghiệp phân bón ‘vui như mở cờ’, loạt cổ phiếu ‘dậy sóng’
Gia hạn chính sách giảm thuế VAT: Động thái cần thiết thúc đẩy phục hồi kinh tế