Bất động sản

Cập nhật chi tiết 52 tỉnh/thành dự kiến sẽ sáp nhập

An Nhiên 31/03/2025 14:00

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo và tờ trình về Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn tất tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định. Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo này.

Theo như dự thảo nghị quyết và tờ trình, các tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã gồm diện tích tự nhiên; quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh.

Trong số đó, tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số sẽ được xác định theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2022) về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính.

Theo như nghị quyết, đơn vị cấp tỉnh sẽ cần đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện.

>> Dự kiến chỉ 1 tháng nữa, hầm đường bộ dài nhất cao tốc Bắc - Nam do liên danh Đèo Cả thực hiện sẽ được đào thông

Cập nhật chi tiết 52 tỉnh/thành dự kiến sẽ sáp nhập- Ảnh 1.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến hành điều chỉnh đơn vị hành chính. Ảnh: Internet

Tỉnh miền núi vùng cao diện tích phải từ 8.000km2 với mức dân số 0,9 triệu người trở lên; các tỉnh còn lại diện tích 5.000km2, dân số 1,4 triệu người trở lên.

TP trực thuộc Trung ương cần có diện tích 1.500km2 với mức dân số 1 triệu người trở lên.

Tất cả các tỉnh/thành phố cần có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì tỉnh/thành mới đảm bảo tiêu chí.

Dự thảo này nêu rõ các tỉnh/thành phố chưa đạt 100% tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính thì phải sáp nhập.

Dự thảo này lưu ý không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi hoặc đơn vị có vị trí đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính và sáp nhập tỉnh được xác định với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho các đơn vị hành chính mới, đồng thời phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng.

Cập nhật chi tiết 52 tỉnh/thành dự kiến sẽ sáp nhập- Ảnh 2.
Theo dự thảo sẽ có 52 tỉnh/thành phải sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Báo Dân trí

Trong quá trình này, chủ trương đặt ưu tiên vào việc sắp xếp giữa các đơn vị miền núi, đồng bằng với các địa phương có biển, đảm bảo sự kết hợp hài hòa và hợp lý giữa các đơn vị có vị trí liền kề. Việc ghép nối này phải gắn liền với định hướng phát triển dài hạn, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đơn vị sau sắp xếp, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị sau sắp xếp, chủ trương lựa chọn đặt trung tâm tại những địa điểm có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, đặc biệt là có hệ thống giao thông hoàn chỉnh như sân bay, cảng biển, mạng lưới đường bộ… giúp kết nối dễ dàng với các khu vực nội tỉnh, thành phố, các đô thị lớn và trung tâm kinh tế của cả nước, cũng như với không gian biển.

Bên cạnh đó, trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới cần có dư địa phát triển lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sau sáp nhập. Việc xác định trung tâm phải đảm bảo tính hài hòa, hợp lý, tránh tạo ra sự mất cân đối giữa các địa phương, đồng thời giữ vững ổn định về quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.

Theo các tiêu chí định hướng sắp hiện nay cả nước có 11 đơn vị cấp tỉnh sẽ giữ nguyên hiện trạng, gồm: TP. Hà Nội, TP. Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trong khi đó, 52 đơn vị cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp, trong đó sẽ có 48 tỉnh và 4 TP trực thuộc Trung ương gồm: Hải Phòng, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

48 tỉnh còn lại gồm: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên;

Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang.

Theo dự thảo, nếu như tỉnh nhập với tỉnh thì sau khi sáp nhập sẽ gọi là tỉnh, tỉnh nhập vào TP trực thuộc Trung ương thì tỉnh sau khi sáp nhập là TP trực thuộc Trung ương.

Trong số 52 tỉnh/thành thuộc diện phải sáp nhập, căn cứ tiêu chí theo đề xuất mới của Bộ Nội vụ, dự thảo nếu chia theo 8 vùng kinh tế thì vùng Tây Bắc Bộ sẽ có 3 tỉnh gồm: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái.

Vùng Đông Bắc Bộ sẽ gồm 6 tỉnh: Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 9 tỉnh/thành gồm: TP. Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình.

Vùng Bắc Trung Bộ có 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.

Vùng Nam Trung Bộ có 8 tỉnh, thành gồm TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, thành là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, thành là TP Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre.

Nếu chia thành 3 miền Bắc - Trung - Nam thì trong số 52 tỉnh/thành này, miền Nam sẽ có khoảng 19 tỉnh, thành; miền Trung có 14 tỉnh; còn lại miền Bắc có 19 tỉnh, thành.

Trong số 52 tỉnh/thành thuộc diện sáp nhập dựa vào tiêu chí mới theo đề xuất của bộ Nội vụ, TP. HCM có diện tích hơn 2.000km2 với 22 đơn vị hành chính cấp huyện, là đô thị đặc biệt có vị trí chiến lược về giao thông và cảng biển.

TP.HCM có vị trí địa lý chiến lược, tiếp giáp với các tỉnh Bình Dương ở phía Bắc, Đồng Nai ở phía Đông, Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía Đông Nam, Long An ở phía Tây và Tây Ninh ở phía Tây Bắc; đồng thời giáp Biển Đông ở phía Nam.

Với lợi thế gần biển và hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, TP.HCM giữ vai trò là một trung tâm giao thương trọng yếu của cả nước, kết nối nội vùng và quốc tế.

Trong số 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bắc Ninh hiện có diện tích nhỏ nhất cả nước, với hơn 822km2. Đứng thứ hai là tỉnh Hà Nam, có diện tích hơn 860km2; Hưng Yên xếp thứ ba với hơn 930km2; tiếp đến là Vĩnh Phúc, với diện tích hơn 1.235km2.

>> Tỉnh duy nhất của Việt Nam suốt 135 năm chưa một lần chia tách cảnh báo 'sốt đất ảo' theo tin sáp nhập

Sân vận động 40.000 chỗ lớn nhất Việt Nam xuống cấp trầm trọng, sắp được 'lên đời'

Đồng Nai muốn Chính phủ hỗ trợ hạng mục gần 9.000 tỷ quanh sân bay lớn nhất Việt Nam

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/cap-nhat-chi-tiet-52-tinh-thanh-du-kien-se-sap-nhap-202250331100203231.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cập nhật chi tiết 52 tỉnh/thành dự kiến sẽ sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH